Bibica tố Mondelez Kinh Đô "mượn tay che trời"

Dương Nguyễn| 28/09/2020 08:47

Ông Trương Phú Chiến – Chủ tịch Công ty Bibica cho rằng, Mondelez Kinh Đô mượn tay quản lý thị trường vào cao điểm Trung thu để kiềm chế sản phẩm bánh Trung thu Bibica đến với người tiêu dùng, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Cuộc kiểm tra bất ngờ

Sáng ngày 26/9/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (thuộc Cục QLTT Thành phố Hà Nội) bất ngờ vào siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) kiểm tra một vòng các quầy bán bánh trung thu. Họ yêu cầu quản lý siêu thị lấy 10 mã hàng bánh lẻ để kiểm tra. Sau đó ít lâu, Đội QLTT số 17 đã quay lại và thu toàn bộ bánh của quầy Bibica để niêm phong. Lý do họ đưa ra là "Liên quan đến các sản phẩm bánh trung thu có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu "Thu và hình" đang được bảo hộ theo GCN ĐKNH Số 264070 của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam.

Đội QLTT số 17 cho rằng, sản phẩm bánh trung thu của Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô.

Đội QLTT số 17 cho rằng, sản phẩm bánh trung thu của Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô.

Trưa cùng ngày, Đội QLTT này trả lại toàn bộ bánh cao cấp cho quầy Bibica, các loại bánh khác vẫn bị niêm phong. Đại diện Bibica cho biết, họ còn bị giữ 228 cái bánh trung thu. Đáng nói là sau sự kiện này, BigC thông báo cho toàn bộ các siêu thị của họ thu hồi hết bánh trung thu của Bibica.

Đội QLTT số 17 cho rằng, sản phẩm bánh trung thu của Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô, do chữ “Phúc” trên bánh của Bibica giống với chữ  “Thu” trên bánh của Mondelez Kinh Đô.

Bibica bị chơi xấu?

Ông Trương Phú Chiến – Chủ tịch Công ty Bibica cho rằng, trái với nhận định của Đội QLTT số 17, họ không hề xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô.

Chữ “Phúc” trên bao bì bánh trung thu Bibica được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghê cấp ngày 23/9/2015.

Chữ “Phúc” trên bao bì bánh trung thu Bibica được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghê cấp ngày 23/9/2015.

Ông Chiến cho biết, chữ “Phúc” trên bao bì sản phẩm Bibica đã được cấp đăng ký sở hữu ngày 23/9/2015. Theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 251654 mà ông Chiến gửi cho chúng tôi, chữ “Phúc” trên bao bì bánh trung thu Bibica được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghê cấp ngày 23/9/2015. Giấy này có giá trị đến 10 năm tính từ ngày cấp và có thể gia hạn. Ngoài ra, Nhãn hiệu "Thu và hình" của Mondelez Kinh Đô được chứng nhận vào năm 2016, sau Bibica. Từ đó, Bibica cho rằng trong vụ việc này họ đã bị đối thủ chơi xấu.

Đội QLTT số 17 hẹn Bibica đến làm việc vào chiều ngày 28/9/2020 để làm rõ vấn đề xâm phạm bản quyền. Ông Chiến cho biết sẽ cùng luật sư đi đến cùng vụ việc. Trước mắt, việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh bánh trung thu và uy tín của Bibica.

Nhãn hiệu "Thu và hình" của Mondelez Kinh Đô được chứng nhận vào năm 2016, sau Bibica.

Nhãn hiệu "Thu và hình" của Mondelez Kinh Đô được chứng nhận vào năm 2016, sau Bibica.

Đánh giá về sự cố lần này, Chủ tịch Bibica lập luận rằng nhiều khả năng đối thủ đã "mượn tay" quản lý thị trường vào cao điểm Trung thu để kiềm chế sản phẩm bánh Trung thu Bibica đến với người tiêu dùng. Theo ông, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không thể chấp nhận được.  

Để rộng đường dư luận, trong sáng ngày 28/9, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những nghi ngờ của Bibica về khả năng Mondelez Kinh Đô mượn tay quản lý thị trường để kiềm chế sản phẩm bánh Trung thu của họ. Phản hồi qua email, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, giám đốc truyền thông Mondelez Kinh Đô cho biết: "hiện Mondelez Kinh Đô chưa nhận thông tin chính thức nào về vấn đề này nên chúng tôi không thể bình luận hay trả lời".

Cạnh tranh gay gắt giữa lúc khó khăn

Mondelez Kinh Đô là doanh nghiệp ngoại đứng đầu thị trường bánh kẹo Việt. Còn Bibica là doanh nghiệp nội đứng đầu và đứng thứ 2 tính chung cả thị trường. Chuyện cạnh tranh gay gắt giữa các ông lớn là hiển nhiên, nhất là trong bối cảnh thị trường bánh trung thu năm nay có vẻ ngắc ngứ vì nhiều lý do.

Chưa nói đến chuyện Mondelez Kinh Đô có chơi xấu Bibica hay không, hãy xem lại vị thế của hai ông lớn này trên thị trường bánh kẹo Việt.

Mondelez Kinh Đô là công ty con của Mondelēz International - một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Tháng 7/2015, Mondelēz International đã mua lại toàn bộ mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô (nay là Kido), giá trị thương vụ khoảng 490 triệu USD khi đó. Kido cũng bán luôn thương hiệu “Kinh Đô” cho đối tác, đến tháng 7/2020 thì Kido mới được quay trở lại sản xuất bánh trung thu theo thỏa thuận.

Mondelez Kinh Đô đang sở hữu các thương hiệu trong nước nổi tiếng như bánh trung thu Kinh Đô, bánh mì Kinh Đô, Solite, Cosy và AFC. Nhà máy ở Bình Dương của họ đã đưa sản phẩm xuất khẩu đến 16 quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo đo lường bán lẻ của AC Nielsen, Mondelez Kinh Đô đứng đầu về mặt thị phần trong ngành hàng bánh quy ở thị trường Việt Nam giai đoạn tháng 7/2019 - 6/2020. Họ đang có 300.000 điểm bán truyền thống và đối tác của hơn 6.000 kênh bán lẻ hiện đại.

Một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết, mùa trung thu năm nay, nhu cầu giảm đáng kể do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết, mùa trung thu năm nay, nhu cầu giảm đáng kể do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Bibica cũng không phải tay vừa. Công ty này đang có hệ thống phân phối phủ khắp cả nước với 140 nhà phân phối, 120.000 điểm bán lẻ, 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Trên thị trường bánh kẹo, Bibica đứng thứ 2 với khoảng 8% thị phần. Riêng trong mảng bánh trung thu, Bibica chiếm đến 20% thị phần.

Có phải vì Mondelez Kinh Đô có phần e ngại trước tiềm lực ngày càng lớn mạnh của Bibica nên mới có những “lùm xùm” vừa qua, nhất là trong bối cảnh thị trường bánh trung thu vào lúc thắt ngặt?

Một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết, mùa trung thu năm nay, nhu cầu giảm đáng kể do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nhu cầu dùng bánh trung thu của người tiêu dùng cũng không còn cao như các năm trước.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, do ảnh hưởng của dịch Covid, việc làm tại khu công nghiệp lần đầu giảm kể từ 2015. Tiêu dùng nội địa tại Việt Nam nửa đầu năm 2020 chỉ tăng 0,7% so với mức trung bình 7% của 5 năm trước đó. Còn theo số liệu của Nielsen, giai đoạn cao điểm dịch bệnh tháng 3 và 4 vừa qua, toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm 12%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bibica tố Mondelez Kinh Đô "mượn tay che trời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO