Kích hoạt thị trường hàng không
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành hàng không chịu tổn thất nặng nề với ước tính có thể lên đến con số hơn 40.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi khi đường bay đã đạt 80%. Tuy nhiên, tổng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có khách quốc tế. Theo ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện Bamboo Airways và Vietjet Air còn khoảng một nửa đội tàu bay chưa cất cánh, tỷ lệ này với Vietnam Airline còn lớn hơn vì các chuyến bay quốc tế hiện vẫn chưa có.
Mới đây, Cục Hàng không đã cho phép nâng dần tần suất khai thác, mở trở lại các đường bay. Chính phủ cũng đã tiếp sức cho các hãng hàng không thông qua hàng loạt chính sách vừa công bố như miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ đến hết ngày 31/12/2019 cho các doanh nghiệp (DN) hàng không, giảm 50% phí cất hạ cánh và phí dịch vụ điều hành bay nội địa trong 6 tháng, kể từ tháng 3/2020. Cũng trong thời gian này, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways cho biết: “Trước dịch bệnh, tần suất bay của Bamboo Airways là 150 chuyến/ngày nhưng hiện mới chỉ đạt 50%. Tuy nhiên, nhờ Chính phủ, các bộ, ngành và Cục Hàng không quyết liệt vào cuộc và có các chính sách tháo gỡ nên đến thời điểm hiện tại, hãng đã có tần suất bay đạt đến 90%, toàn bộ đường bay trong nước đã phủ kín trong tháng 6, trong đó tập trung vào các đường bay đến Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang... Nếu nhu cầu đi lại bình thường thì trong tháng 7, số chuyến bay của hãng sẽ bằng với trước dịch. Đồng thời, các đường bay đến Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cũng sẽ sẵn sàng bay khi đủ điều kiện an toàn”.
Với các gói kích cầu, thị trường hàng không nội địa đang khởi sắc khi hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất những ngày qua luôn đông đúc. Mới đây, phát biểu tại buổi tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế”, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong lúc chờ các hãng hàng không quốc tế hoạt động trở lại, việc các hãng hàng không nội địa cố gắng kích hoạt thị trường chính là “cơn mưa đầu mùa” khởi đầu cho một tương lai mới.
Theo TS. Trần Du Lịch, để tiếp sức cho các hãng hàng không nội địa đủ sức “chòi đạp” vượt qua khó khăn, cần có sự kết hợp tay ba gồm hàng không, lữ hành và lưu trú để tạo ra gói kích cầu du lịch nội địa.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, để tiếp sức cho các hãng hàng không nội địa đủ sức “chòi đạp” vượt qua khó khăn, cần có sự kết hợp tay ba gồm hàng không, lữ hành và lưu trú để tạo ra gói kích cầu du lịch nội địa. Khi du lịch được bật lên thì các địa phương cũng bật lên và kích cầu lại hàng không. Tuy nhiên, việc sắp xếp sắp xếp thời gian cho các đường bay, hãng bay cần hợp lý và có sự đột phá, trong đó, chính quyền địa phương phải có sự kết nối, chia khó khăn cho các dịch vụ liên quan.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, so với các nước, Việt Nam vực dậy nhanh nhất sau dịch bệnh là nhờ cầu nội địa. Vậy “cầu” đã có, muốn tăng tốc phải “kích cầu”, phải thay đổi cả tư duy, cách làm và có nhiều sáng kiến mới. Câu slogan của Bamboo là “Đúng giờ nhất, dịch vụ tốt nhất” rất hiệu quả, nhưng phải làm sao để toàn bộ quy trình từ lúc lấy vé máy bay đến xuống sân bay được thực hiện chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian chờ đợi thì phải số hóa toàn bộ quy trình và có sự kết nối với toàn ngành.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nêu một thực trạng: “Mặc dù ngành hàng không mới chỉ có 4-5 hãng nhưng đã có hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh, đấu tranh sống còn với nhau. Trong khi, ngành hàng không kinh doanh rất lớn, đầu tư lớn, không phải ngành sản xuất tiêu dùng nhỏ nên ảnh hưởng của ngành không đơn thuần chỉ là lợi ích của DN, mà còn tác động đến tài sản quốc gia. Chính phủ cần có sự kiểm soát tạo sự công bằng và cùng nhau phát triển giữa các hãng”.
TS. Nghĩa cũng cho rằng, khi giảm giá hàng không, du lịch sẽ kích cầu. Tuy nhiên, các DN cần có chính sách giảm giá bậc thang, đặc biệt ưu đãi giá cho trẻ con vì phần lớn cha mẹ sẽ chiều theo con cái để đi du lịch.
Du lịch phải đổi mới
Ông Phạm Minh Quang - Tổng giám đốc Công ty Dolphin Tour |
Để kích cầu du lịch giúp hàng không mau phục hồi, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho rằng, cần có sự đổi mới trong cách làm du lịch, cụ thể là sự gắn bó giữa chính quyền địa phương, DN và các ban, ngành để giảm chi phí cơ sở lưu trú, ẩm thực... nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ và phải có giải pháp phù hợp. Bởi nếu giảm giá liên tục sẽ phá nguyên một hệ thống vì chi phí đầu tư cho du lịch cũng rất lớn.
Đồng tình quan điểm “giảm giá phải hợp lý”, ông Phạm Minh Quang - Tổng giám đốc Công ty Dolphin Tour cũng cho rằng: “Giải pháp giảm giá chỉ là tức thời nên các hãng hàng không cần giảm giá hợp lý. Bởi muốn phát triển đường dài phải kích thích, nâng cao nhu cầu thị trường. Dịch vụ địa phương, ăn uống, lưu trú phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu nâng cao chứ không chỉ nhu cầu cơ bản của khách hàng”.
Theo ông Lưu Đức Kế - Phó giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt: “Hiện ngành du lịch chỉ dám nói là gượng dậy nên rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các ban, ngành. Tuy nhiên, hơn 100 ngày để chờ chính sách hỗ trợ đến với DN là quá lâu, thậm chí DN du lịch vẫn không biết có được hỗ trợ không. Vì vậy, nếu có cứu trợ thì phải cứu kịp thời, cấp cứu nếu không DN cũng ra đi khi dịch tan”. Tuy nhiên, chương trình kích cầu cũng chỉ là yếu tố đến sau, bởi DN có “khỏe” thì mới đủ sức vượt qua khó khăn.
Ông Kế cũng cho biết thêm, trong dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch cũng lộ rõ điểm yếu như việc xác định thị trường, cơ cấu lại thị trường đã bàn nhiều song chưa làm được. Năm ngoái, khách Trung Quốc đạt 5,8 triệu lượt nhưng không ai tính được tổng doanh thu vì lượng khách du lịch Trung Quốc vừa có nhóm khách chuẩn, vừa có khách đi theo chương trình 0 đồng. Chỉ cần đón 3 triệu khách mà doanh thu gấp đôi còn hơn số lượng nhiều. Sắp tới, các DN du lịch và hãng hàng không cũng cần phát triển các thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ và quan trọng nhất là Mỹ là các thị trường chúng ta chưa phát triển. Đánh giá sự phối hợp giữa hàng không và du lịch đang trở lại quỹ đạo tốt. Ông Kế nói tiếp: “Trước đó, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Kích cầu du lịch và hiện FLC đang đạt hiệu quả tốt nhất vì có cả hãng bay Bamboo Airways, có công ty du lịch, khu giải trí, lưu trú... để có sản phẩm trọn gói, kết hợp với các công ty du lịch, làm đầu mối phân phối sản phẩm cùng các công ty lữ hành.
Ông Lưu Đức Kế - Phó giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt: |
Bà Đoàn Thị Lộc - Phó giám đốc Saigon Tourist cho biết, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour nên người dân thường ngại sử dụng những sản phẩm phải di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ, kết hợp với nhiều ưu đãi về nghỉ dưỡng đã tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành và khách hàng cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Bên cạnh đó, khi các hãng hàng không muốn kích cầu du lịch nội địa, sẽ đưa ra nhiều lựa chọn, tạo điều kiện cho DN lựa chọn, sắp xếp thời gian bay phù hợp, đa dạng. Trước đây, hàng không thường thiếu chỗ, vì vậy các công ty lữ hành thường đưa ra những tour có giờ bay không đẹp như đi sớm, về sớm. Bên cạnh đó, các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn thì giờ chỉ cần 6 khách. Những điều này tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro.