Bản đồ thị trường bán lẻ đã thay đổi

HỒNG NGA| 03/09/2009 09:02

Sức nóng cạnh tranh gia tăng khiến thị trường bán lẻ VN không chỉ thay đổi thứ hạng của các DN, mà còn thay đổi mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng truyền thống của người dân.

Bản đồ thị trường bán lẻ đã thay đổi

Sức nóng cạnh tranh gia tăng khiến thị trường bán lẻ VN không chỉ thay đổi thứ hạng của các DN, mà còn thay đổi mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng truyền thống của người dân.

Năm 2007 cả nước mới có 368 siêu thị, đến năm 2008 con số này đã tăng lên 425. Tuy tăng trưởng mạnh nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn của VN vẫn ở mức thấp. Cụ thể, trong năm 2007, mô hình bán hàng hiện đại này ở Singapore chiếm 90% thị trường bán lẻ; Malaysia con số này là 51%, Thái Lan: 48%, Philippines: 45%, Indonesia: 36% nhưng tại VN chỉ chiếm 10%.

Mô hình bán hàng hiện đại ngày càng phát triển - Ảnh: Thi Na

Dù số lượng còn khá khiêm tốn, nhưng kênh bán hàng hiện đại của VN có vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Hiện tại, 5 chuỗi siêu thị gồm Co.opMart, BigC, Citimart, Maximark, FiviMart đã chiếm đến 71% thị trường bán lẻ tại VN. Theo đánh giá của Tập đoàn tư vấn AT Kearney về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ toàn cầu 2009, VN rớt xuống hàng thứ 6 do sự giảm sút trong kim ngạch xuất khẩu dẫn tới sự sụt giảm GDP, nhưng nếu nhìn dài hạn vẫn rất khả quan.

Theo tính toán của ngành thương mại, trong 100.000 hộ dân sẽ cần có một trung tâm thương mại lớn, 10.000 hộ dân cần một siêu thị và 1.000 hộ cần tối thiểu một đến ba cửa hàng tiện lợi. VN có 86 triệu dân nhưng mới chỉ có 425 siêu thị, lại tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trước thực tế này, ngành thương mại đang đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng hiện đại. Chỉ riêng TP.HCM, từ nay đến năm 2015 sẽ có 177 siêu thị và 163 trung tâm thương mại.

Thống kê của Nielsen Vietnam trong năm 2008 cho thấy, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người thích mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại hơn. Hiện tại, mức độ lui tới thường xuyên các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thu hẹp khoảng cách với các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng GDP cũng như thu nhập của các hộ gia đình ngày càng tăng cũng là cơ hội để kênh bán hàng hiện đại phát triển.

Thị trường càng phát triển thì môi trường cạnh tranh càng khốc liệt. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, Co.opMart vẫn là chuỗi siêu thị mạnh nhất, nhưng vị trí của các thương hiệu đứng sau như Metro, Big C đã thay đổi. Năm 2007, Metro được xếp vị trí thứ hai (sau Co.opMart) nhưng đến năm 2008 với những chiến lược marketing mạnh cùng các hoạt động khuyến mãi rầm rộ, Metro đã nhường vị trí này cho Big C. Và trước sự tấn công của các siêu thị ngoại, sức mạnh thương hiệu của các siêu thị đã tụt giảm. Số liệu nghiên cứu của Nielsen Vietnam năm 2008 cho thấy, Co.opMart giảm từ 3,7 điểm xuống còn 3,3 điểm, Big C từ 1,2 lên 1,9 điểm, Metro từ 2,5 giảm xuống còn 1,8 điểm, Maximark từ 1,8 giảm xuống còn 1,7 điểm, Fivimart từ 0,8 giảm xuống 0,7 điểm...

Không chỉ giảm về sức mạnh thương hiệu, các DN trong nước còn bị cạnh tranh khốc liệt hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo lộ trình gia nhập WTO, từ 1/2007, các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ có thể hoạt động tại VN dưới hình thức liên doanh với DN trong nước ở mức vốn nhỏ hơn 49%, nhưng từ tháng 1/2008 trở đi, việc liên doanh này không còn bị ràng buộc về tỉ lệ vốn, giới hạn hoạt động. Đến ngày 1/1/2009 thì các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập DN bán lẻ 100% vốn nước ngoài càng làm cho thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Không chỉ có Lotte đã xuất hiện, các tập đoàn bán lẻ lớn như Tesco, Carrefour, Dairy Farm và WalMart... cũng đang nhăm nhe vào VN. Và theo dự đoán, từ 1/1/2010 trở đi, khi các nhà bán lẻ nước ngoài được phép hoạt động sỉ tại VN thì sẽ có nhiều tập đoàn khổng lồ của thế giới tiếp tục đổ vào thị trường VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản đồ thị trường bán lẻ đã thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO