Bài 2: 1 dễ, 3 khó

LỮ Ý NHI – THẢO MINH - Ảnh: QUÝ HÒA| 05/01/2012 07:50

Rất nhiều yếu tố khách quan có thể tác động tới các doanh nghiệp sản xuất mì, một thay đổi nhỏ sẽ tạo nên biến động lớn của toàn ngành.

Bài 2: 1 dễ, 3 khó

Rất nhiều yếu tố khách quan có thể tác động tới các doanh nghiệp sản xuất mì, một thay đổi nhỏ sẽ tạo nên biến động lớn của toàn ngành.

Mặc dù hấp lực của thị trường mì gói khá lớn song, không phải không có những khó khăn, thách thức. Thương hiệu mì Mama của Thái Lan đã có mặt tại Việt Nam khoảng 7 năm nay với doanh số liên tục tăng trưởng khoảng 10%/năm.

Theo nghiên cứu của công ty này, Việt Nam có tiềm năng rất lớn vì là thị trường tiêu thụ tới 30 tỷ baht mì ăn liền, nhiều hơn gấp ba lần thị trường Thái Lan. Lượng mì ăn liền tiêu thụ bình quân đầu người ở Việt Nam vào khoảng 90 gói/năm, so với khoảng 39 gói/năm tại Thái Lan.

Thế nhưng, khi bàn tới kế hoạch mở nhà máy sản xuất trị giá 1 tỷ baht tại Việt Nam, lãnh đạo của hãng mì này tỏ ra khá thận trọng vì cho rằng, mức độ cạnh tranh ở thị trường Việt Nam là khá quyết liệt với trên 50 nhãn hiệu trong và ngoài nước nên cạnh tranh không phải là không có rủi ro.

Ông Hoàng Cao Trí cũng phân tích: “Hiện tại, ngành chế biến thực phẩm đang phải đối mặt với hai thử thách lớn. Luật ATVSTP đưa ra vào tháng 7/2011 phần nào ảnh hưởng tới các đơn vị sản xuất trong ngành, đòi hỏi các DN phải đầu tư nhiều hơn vào quy trình kiểm soát chất lượng.

Cơ sở hạ tầng hiện nay nói chung vẫn đang trên đà phát triển nên các DN vẫn đang gặp khó khăn lớn trong việc đầu tư xây dựng và mở rộng quy mô sản xuất. Nguyên liệu chính sản xuất là bột mì phải nhập khẩu, nên sự điều tiết giá cả phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan của môi trường.

Đây là một yếu tố làm giảm tính cạnh tranh của DN”. Bên cạnh đó, theo nhiều DN cho biết, ngành mì ăn liền phụ thuộc vào các ngành hàng khác như dầu ăn, gia vị, bao bì... nên chỉ cần một sự thay đổi nhỏ cũng sẽ tạo nên sự biến động lớn cho ngành mì ăn liền.

Trong khi đó, theo chuyên gia trong ngành, để ổn định được giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, ngoài việc phải không ngừng đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại thì định mức hao hụt trong tất cả khâu phải duy trì ở mức dưới 1%.

Hiện nay, ngành sản xuất mì vẫn gặp không ít khó khăn, xu hướng phát triển sẽ không đi vào sản xuất theo chiều rộng mà tập trung vào chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm với mì gói, mì ly, mì tô, mì không chiên, mì tươi. Ngành công nghiệp sản xuất mì gói ngày càng khó khăn hơn vì có rất nhiều DN tham gia, bao gồm cả các tập đoàn mì ăn liền của nước ngoài.

“Để tăng tính cạnh tranh, cũng cần phải phát triển thị trường xuất khẩu. Cần phải có một sự tập trung, cùng đứng chung một tổ chức như Hiệp hội Mì ăn liền chẳng hạn, để tạo tiếng nói chung và thế mạnh xuất khẩu”, một doanh nghiệp kiến nghị.

Chia sẻ thêm khó khăn, ông Bảo Châu cho biết: “Nguyên liệu đầu vào có giá cả không ổn định, biến động liên tục là một khó khăn rất lớn mà tất cả các công ty đang tham gia vào ngành hàng này đang phải đối mặt mỗi năm.

Bên cạnh vấn đề về giá cả nguyên vật liệu không ổn định thì chi phí vận chuyển tăng cao hàng năm cũng là một khó khăn lớn cho ngành mì. Bởi vì, đặc thù giá bán của sản phẩm mì khá thấp nên chi phí vận chuyển luôn chiếm một tỷ lệ khá cao trên doanh thu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: 1 dễ, 3 khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO