Bài 1: Được khúc xương, vương miếng nạc

HỒNG NGA - MINH HÀO, Ảnh: QUÝ HÒA| 01/12/2011 08:58

Mặt hàng nhựa gia dụng nội địa với các thương hiệu Happy Cook, Sunhouse, Supor... đã chiếm lại ưu thế sau một thời gian dài bị hàng giá rẻ Trung Quốc áp đảo. Tuy nhiên, thế cờ trong thị trường đồ gia dụng chưa được đảo ngược khi mặt hàng gia dụng đa chức năng, công nghệ cao và thiết kế tiện dụng của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản tràn vào.

Bài 1: Được khúc xương, vương miếng nạc

Thị trường hàng gia dụng nội địa đang có những mảng màu sáng sau nhiều năm tưởng chừng như đã lọt vào thay hàng Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đua lại được đẩy lên một nấc thang mới khi các sản phẩm gia dụng tiện lợi, thông minh, đa chức năng như bếp nướng bằng gas, bếp từ, chảo chiên hai mặt, cây lau nhà đa năng... chủ yếu là nhập khẩu, số sản xuất được trong nước thì cũng phải mua công nghệ nước ngoài. Một lần nữa, doanh nghiệp nội địa (DN) lại bị tụt lại phía sau.

Mặt hàng nhựa gia dụng nội địa với các thương hiệu Happy Cook, Sunhouse, Supor... đã chiếm lại ưu thế sau một thời gian dài bị hàng giá rẻ Trung Quốc áp đảo. Tuy nhiên, thế cờ trong thị trường đồ gia dụng chưa được đảo ngược khi mặt hàng gia dụng đa chức năng, công nghệ cao và thiết kế tiện dụng của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản tràn vào.

>>Bài 2: Sâu đầu tư, rộng phân phối

Chiếm trận nhỏ

Khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thị trường hàng gia dụng cũng theo đó mà phát triển nhanh chóng. Không chỉ dừng lại ở việc mua sắm những món hàng cần thiết cho gia đình, người tiêu dùng (NTD) luôn có nhu cầu được sử dụng những mặt hàng mẫu mã đẹp và hiện đại hơn.

Nhiều sản phẩm trước đây được đánh giá là rất xa xỉ như máy giặt, lò vi sóng, lò nướng, bình nước nóng lạnh... nhưng nay đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người. Đáp ứng nhu cầu này, các DN sản xuất hàng gia dụng cũng phát triển nhanh chóng, ở cả chiều rộng (gia tăng số lượng) lẫn chiều sâu (nâng cao tính năng, công dụng, chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng...).

Và trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành hàng gia dụng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là những cải tiến về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng giúp NTD có nhiều lựa chọn hơn. Các sản phẩm gia dụng “made in Việt Nam” ngày càng lấn sân và chiếm thị phần rộng lớn hơn.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại hệ thống Siêu thị Big C, cho biết, tại Big C, tỷ lệ hàng gia dụng do DN trong nước sản xuất không ngừng tăng lên, hiện chiếm khoảng 85%.

Đặc biệt, trong một số dòng hàng, hàng Việt Nam chiếm gần như tuyệt đối. Chẳng hạn, trong dòng hàng nhựa gia dụng thì tỷ lệ hàng Việt chiếm đến 90% (nhựa Đại Đồng Tiến, Duy Tân); chảo nồi gia dụng: hàng Việt chiếm đến 97% (Happy Cook, Sunhouse, Supor).

Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, hàng gia dụng bằng nhựa trong nước cũng đã có sự thay đổi. Trước đây, nhóm hàng này bị chiếm lĩnh bởi hàng xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc hoặc hàng nhựa tái chế trong nước không rõ nguồn gốc nhưng nay, hàng nhựa gia dụng trong nước có thương hiệu đang chiếm lĩnh thị trường với nhiều ưu điểm nổi trội.

Bà Nguyễn Út Hạnh, Giám đốc Truyền thông Công ty HPT, cho rằng, thị trường hàng gia dụng trong những năm gần đây khá đa dạng và phong phú với giá cả hợp lý, chất lượng cũng đang dần được cải tiến, nâng cao. “Khi đi mua sắm tại các siêu thị, tôi và ông xã có lúc khá bất ngờ về những mặt hàng gia dụng do các công ty trong nước sản xuất về mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng”, bà Út Hạnh cho biết.

Bỏ trận lớn

- Ngay từ năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã cho thành lập Trung tâm Thiết kế quốc gia (đến năm 2001 Trung tâm này đã phát triển thành Viện Xúc tiến Quốc tế Hàn Quốc). Trải qua bốn thập kỷ, công nghiệp thiết kế của Hàn Quốc đã trở thành ngành công nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài được Chính phủ hỗ trợ. Con số đầu tư cho thiết kế năm qua của Hàn Quốc đã thực sự gây ấn tượng: tổng giá trị của ngành công nghiệp thiết kế lên đến 4,4 tỷ USD, trong đó đầu tư của Chính phủ cho thiết kế lên 35 triệu USD, nhân lực dành cho ngành này cũng lên đến 54.500 người... (Viettrade)

- Thành lập năm 1966, Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC) hiện có hơn 40 văn phòng trên toàn cầu là tổ chức uy tín với nhiệm vụ tạo ra những cơ hội kinh doanh cho DN Hồng Kông. HKTDC là cánh tay marketing quốc tế trong việc hỗ trợ DN trong lĩnh vực thương mại, sản xuất và cung cấp dịch vụ của Hồng Kông. Hằng năm, HKTDC tổ chức trên 31 hội chợ tại Hồng Kông như: hội chợ về thời trang, hàng gia dụng, ẩm thực... Đây cũng là cơ quan hỗ trợ các DN Hồng Kông nhỏ và vừa trong lĩnh vực thiết kế, phát triển sản phẩm.

Tuy chiếm lĩnh thị trường nhưng hàng do các DN trong nước là những mặt hàng gia dụng bình thường, những mặt hàng có tính “công nghệ cao”, tiện lợi, đa năng, thông minh... thì đều là hàng nhập khẩu.

Ông Bùi Tấn Cường, Giám đốc Kinh doanh hệ thống Trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa, cho biết, tại Thiên Hòa, hầu hết các sản phẩm gia dụng có tính “thông minh”, tiện dụng như bếp điện từ, nồi nướng đa năng, nồi cơm điện đa năng (nấu cháo, cơm, hầm thịt...), chảo chiên hai mặt... chiếm đa phần là hàng nước ngoài.

“Không phải chúng tôi chuộng ngoại mà thật sự là hàng sản xuất trong nước rất ít. Với hàng mang tính chất công nghệ kỹ thuật thì sản xuất trong nước rất kém, từ chất lượng sản phẩm cho đến quảng bá, xây dựng thương hiệu”, ông Tấn Cường đánh giá.

Cũng theo ông Cường, đã có một số DN trong nước có sản phẩm tốt hơn, hiện đại hơn, công nghệ ưu việt hơn nhưng do thiếu quảng bá, PR nên vẫn chưa được NTD biết đến.

Không chỉ “chiếm giữ” các kênh phân phối bán lẻ, các “sản phẩm gia dụng thông minh” cũng xuất hiện dày đặc trên các kênh truyền hình bằng các chương trình quảng cáo hoành tráng.

Thậm chí, chiếm lĩnh các kênh bán hàng qua truyền hình như HTV Co.op, SJC... cũng đều là các nhãn hiệu hàng gia dụng nước ngoài. Nào là chảo chiên hai mặt Happy Call, bếp nướng hồng ngoại (Hàn Quốc), bàn ủi hơi nước Phillips (Nhật Bản)...

Do đang chiếm “thế thượng phong” nên các sản phẩm gia dụng công nghệ cao liên tục được các nhà nhập khẩu đưa vào Việt Nam. Mới đây, nhà nhập khẩu các sản phẩm gia dụng thương hiệu BlueStone là Công ty cổ phần TARA Việt Nam đã công bố một loạt các sản phẩm cao cấp mới như nồi cơm điện, nồi áp suất, máy làm sữa đậu nành...

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, và dù số lượng tiêu thụ khá lớn (gần 1 triệu sản phẩm) nhưng TARA vẫn quyết tâm đẩy mạnh sản phẩm của thương hiệu này tại Việt Nam vì “thị trường còn rất tiềm năng”, ông Lê Hồng Xuân, Tổng giám đốc TARA, cho biết.

Lý giải vì sao các sản phẩm gia dụng thông minh đang “nhường sân” cho hàng nhập khẩu, bà Nguyễn Kim Hương, Giám đốc Công ty Ngô Minh, đơn vị sản xuất cây lau nhà JPC 360 độ, cho rằng, công nghệ và trình độ của Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh với nước ngoài.

Đó là lý do vì sao bà Kim Hương quyết định mua độc quyền thiết kế cây lau nhà của một công ty Đài Loan về sản xuất. Do mới thành lập nên Ngô Minh không lập nhà xưởng mà liên kết với các DN để gia công sản phẩm.

Thế nhưng, khảo sát khắp nơi, cuối cùng Ngô Minh phải đặt hàng gia công với một công ty Đài Loan có nhà xưởng ở Bình Dương. “Máy móc, công nghệ của Việt Nam không thể sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng theo tiêu chuẩn của nước ngoài”, bà Kim Hương nói.

Khảo sát chung các DN đều cho thấy, DN Việt Nam ngại đầu tư cho thiết kế sản phẩm vì việc tốn thời gian, tốn tiền và rủi ro cao. Do đó, họ chọn cách an toàn hơn, là nhận lắp ráp hoặc phát triển mẫu mã sản phẩm từ những thiết kế có sẵn của nước ngoài.

Cũng công nhận sự yếu thế của về hàng gia dụng công nghệ cao của Việt Nam, bà Quỳnh Trang cho rằng, về cơ bản, các DN trong nước có thể sản xuất được các sản phẩm gia dụng cao cấp, đa năng.

Tuy nhiên, do đặc thù của Việt Nam vẫn còn ít gia đình có được gian bếp hiện đại phù hợp để sử dụng những sản phẩm cao cấp này nên thị trường chưa thực sự rộng lớn.

Bên cạnh đó, kiến thức của NTD trong việc sử dụng sản phẩm công nghệ cao còn hạn chế nên nếu muốn phát triển dòng sản phẩm này, các DN trong nước phải đầu tư rất lớn trong việc marketing, hướng dẫn sử dụng, hậu mãi... “Khi thị trường chưa rộng lớn thì việc đầu tư lớn như vậy chưa thực sự hấp dẫn các DN trong nước trong thời điểm này”, bà Trang nói.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Được khúc xương, vương miếng nạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO