Bài 1: Chạm tay vào thị trường "khủng"

KIM NGỌC| 26/09/2011 00:27

Kể từ sau khi quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa (1995), nhất là sau khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết (2001), giao thương giữa hai nước phát triển nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp cả hai phía.

Bài 1: Chạm tay vào thị trường

Kể từ sau khi quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa (1995), nhất là sau khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết (2001), giao thương giữa hai nước phát triển nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp cả hai phía.

>>Bài 2: Miếng bánh lớn dành cho những ai?

>>Gõ cửa Amcham Vietnam

Hạt tiêu, thủy sản, hàng dệt may là những mặt hàng Việt Nam có tiềm năng, Mỹ có nhu cầu nhập

Hiện Việt Nam giữ vị trí 27 trong tổng số 221 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình ở thị trường rộng lớn này.

Chưa kể những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa “đụng” tới, chỉ trong những phân khúc đã mở được thị trường, hàng hóa Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận người tiêu dùng Mỹ.

Đó là những “ngõ hẹp” mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đi qua, sau khi đã tiếp cận được “con đường” thênh thang - thị trường hơn 300 triệu dân.

Hiện Mỹ đang nhập khẩu khoảng 15.000 loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng từ khắp nơi trên thế giới. Việt Nam mới chỉ “chạm” được vào một phần nhỏ trong số đó, với các sản phẩm của các ngành dệt may, nông – lâm - thủy sản, giày da, linh kiện, máy móc...

Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm của Việt Nam vào Mỹ đều bằng “cửa chính” (xuất trực tiếp), nhiều mặt hàng phải xuất qua đơn vị trung gian của nước thứ ba.

Nhắc đến sản phẩm Mỹ và tiêu chuẩn Mỹ thì có thể nói cả thế giới phải khâm phục. Hàng hóa của Mỹ không những đầy tính sáng tạo mà còn rất bền, đẹp và bảo đảm an toàn tối đa cho người sử dụng.

Điều đó đồng nghĩa yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ rất cao, theo đó, yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng rất khắt khe.

Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam ở TP.HCM trung tuần tháng 8/2011, ông Jeffrey G. Hilsgen, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) cho biết, trong năm 2010 có 18 sản phẩm cho trẻ em do Việt Nam sản xuất bị thu hồi tại Mỹ.

Lý do bị thu hồi: Các loại giường, giường cũi có những chi tiết dễ gây tổn thương trẻ em; quần áo có hàm lượng chì vượt quá quy định hoặc dây áo có thể gây ngạt thở cho trẻ...

Mỹ phải nhập khẩu 90% giày dép để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hơn 50% trong số này là thị phần của Trung Quốc, nhưng phầncòn lại vẫn là cơ hội lớn cho các nước mạnh về mặt hàng này, trong đó có Việt Nam. Các nhà nhập khẩu giày dép của Mỹ thường đặt hàng với số lượng lớn và giao dịch theo hình thức mua đứt bán đoạn.

Vì vậy mà chỉ những doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, có nguồn vật tư, nguyên phụ liệu ổn định mới có thể trực tiếp làm ăn với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này.

Ngoài ra và không kém phần quan trọng, hầu hết nguyên phụ liệu sản xuất mặt hàng này đều liên quan đến hóa chất, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải đủ năng lực kiểm soát mức độ an toàn của sản phẩm để đáp ứng yêu cầu Đạo luật An toàn sản phẩm tiêu dùng của Mỹ. Đó cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2010, Mỹ nhập khẩu đến 2,5 triệu tấn thủy sản, tăng 5,7% so với năm 2009. Con số này sẽ không ngừng gia tăng, vì hiện nay người dân Mỹ mới ăn một nửa mức thủy sản mà chính phủ khuyến cáo sử dụng. Sản phẩm thủy sản sơ chế và chế biến của Việt Nam đã được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, tuy nhiên “đường vào” vẫn khó khăn vì thường xuyên phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng gặp những vấn đề tương tự. Vậy, có thể có một phương cách chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vượt qua “ngõ hẹp” để vào thị trường Mỹ không? Câu trả lời là có!

Một trong những vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất mà các doanh nghiệp làm ăn với phía Mỹ cần quan tâm là những yêu cầu của nhà nhập khẩu về thông số kỹ thuật, chứng nhận, thử nghiệm, giám sát. Trang web của CPSC (www.cpsc.gov) có tất cả những tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng hóa tiêu dùng tại thị trường Mỹ.

Theo ông Richard W. O’Brien, các doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải nhờ một cơ quan đánh giá hợp chuẩn ở Hoa Kỳ, mà có thể chọn một cơ quan đánh giá hợp chuẩn tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn chung trong danh sách các phòng thử nghiệm được CPSC công nhận. Việc xem xét kết quả thử nghiệm tại bất kỳ cơ quan đánh giá hợp chuẩn nào được CPSC công nhận đều được đánh giá tương đương nhau.

Vụ Thị trường Châu Mỹ (Bộ Công Thương Việt Nam) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) là những cơ quan có thể cung cấp nhiều thông tin bổ ích và giá trị hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia thị trường Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Chạm tay vào thị trường "khủng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO