5 giải pháp phát triển kinh tế Đông Nam Bộ

HT| 12/07/2022 07:50

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giúp vùng kinh tế Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển hiệu quả các điểm tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ logistics.

5 giải pháp phát triển kinh tế Đông Nam Bộ

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW năm 2005 và Kết luận 27-KL/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, phát triển công nghiệp công nghệ cao và nâng cấp hệ thống dịch vụ logistics là vấn đề then chốt, là xu thế tất yếu để thúc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững đối với mọi quốc gia, nhất là đối với nền kinh tế đã có độ mở rất cao (trên 200%) như nước ta. Bởi các ngành này được ví như “bộ não” và “động mạch” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam có vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi; là một trong những nước đi đầu trong tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương với hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới; hiện là một trong 20 quốc gia hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là những lợi thế riêng có, là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ logistics, đặc biệt là đối với khu vực đang giữ vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế - một trong những trọng điểm công nghiệp của đất nước như vùng Đông Nam Bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 53 và gần 10 năm thực hiện Kết luận 27 của Bộ Chính trị, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những bước phát triển quan trọng về kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; khẳng định vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, dẫn đầu về phát triển công nghiệp, thu hút FDI và góp phần giúp Việt Nam từng bước trở thành “công xưởng” của thế giới, với nhiều dự án quy mô lớn, sản phẩm có thương hiệu trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao (điển hình là các tập đoàn công ty hàng đầu thế giới như Intel, Sanofi, Samsung…); đồng thời đây cũng là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước (thông qua hệ thống cảng biển lớn như cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải); hỗ trợ tích cực cho các vùng kinh tế khác để tiêu thụ và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Link bài viết

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế mà vùng cần khắc phục như phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao còn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài; tỷ lệ nội địa hóa các ngành chế tạo, điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng đạt thấp (chỉ từ 5-15%); năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Dịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng. Tắc nghẽn về giao thông, hạn chế về cơ sở hạ tầng và thiếu sự kết nối, hợp tác liên kết vùng - là những nút thắt phát triển logistics của vùng Đông Nam Bộ.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giúp vùng tiếp tục phát triển hiệu quả các điểm tiềm năng, lợi thế của vùng trong phát triển công nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ logistics gồm:

Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thành quy hoạch các tỉnh, thành phố và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, đảm bảo cân đối vùng, miền và phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó cần xác định việc ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao và logistics là điều kiện quan trọng, xu thế tất yếu để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Theo đó cần xây dựng các định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp và bố trí không gian hợp lý nhằm khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng, khắc phục hạn chế về liên kết vùng và khai thác phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của cả vùng và từng địa phương.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi, nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư để thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hình thành các định chế tài chính mới xứng tầm khu vực ASEAN tại TP.HCM; phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng trung tâm logistics, đảm bảo tính kết nối nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng; đồng thời chủ động tạo quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các công ty, tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm, uy tín năng lực về tài chính, công nghệ và quản trị, có năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu vào đầu tư sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài, góp phần đưa vùng Đông Nam Bộ thật sự trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, công nghệ cao, trung tâm dịch vụ logistics của đất nước khu vực và thế giới.

Thứ ba, chú trọng quy hoạch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chủ động xây dựng, hoàn thiện hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống - sinh hoạt của người lao động; có chính sách hỗ trợ đầu tư cho một số trường đại học - cao đẳng nghề trọng điểm trong vùng để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ cơ bản và xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến về công nghiệp, công nghệ cao và logistics; chú trọng đào tạo theo modul, gắn đào tạo với thực hành để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông kiến thức, tay nghề, kỹ năng và có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng trong phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao và hệ thống logistics, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, hệ thống trung tâm lưu chuyển hàng hóa đến các trung tâm logistics và liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu với doanh nghiệp logistics. Tạo cơ chế đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử; đồng thời tiếp tục khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ logistics.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng rà soát, tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ, phân cấp nhiều hơn và xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính; chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở hầu hết thủ tục, hướng đến phát triển chính quyền số, nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng.

Để tiếp tục thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng với vai trò là “đầu tàu”, “cực động lực” tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố phía Nam và cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương thống nhất sự cần thiết ban hành mới Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ; đồng thời có cơ chế điều phối vùng và cơ chế đối thoại thường xuyên - đột xuất giữa các bộ, ngành với các địa phương, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn - vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng - lợi thế của vùng cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; diện tích trên 30.500km2 (9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.

Trong vùng, TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt một số kết quả nổi bật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 giải pháp phát triển kinh tế Đông Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO