Tự ý mua thứ gì đó không nằm trong kế hoạch có thể mang đến cảm giác thú vị và sung sướng. Tuy nhiên, cảm xúc đó có thể chỉ thoáng qua, rồi để lại cho bạn những khoản mua sắm không có mục tiêu, không thực sự cần thiết hoặc thậm chí chính bản thân bạn cũng không sử dụng.
Theo Glen James, nếu đang cố gắng kiểm soát những lần mua hàng theo cảm tính, bột phát, hãy cân nhắc "Quy tắc 1%". James nghĩ quy tắc này sau khi ông đến cửa hàng bách hóa với một vài người bạn và rốt cục lại đột ngột mua 1 chiếc Apple Watch với giá 1.300 USD.
"Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi hối hận vì thật sự bản thân không định mua 1 chiếc đồng hồ có giá hơn 1.000 USD", James kể.
Theo nhà phân tích tài chính này, quy tắc 1% hoạt động rất đơn giản. Khi muốn mua 1 món hàng vượt quá 1% tổng thu nhập hàng năm của mình, hãy đợi một ngày trước khi mua nó. Quy tắc này áp dụng cho việc chi tiêu tùy ý, cho những thứ "muốn nhưng không cần", từ giày thể thao mới, máy chơi game phiên bản mới nhất hay các phụ kiện điện tử đang là "hot trend" trên mạng xã hội...
"Trong thời gian đó, hãy tự hỏi bản thân: Tôi có thực sự cần thứ này không? Tôi có thể mua được không? Tôi sẽ thực sự sử dụng nó chứ? Liệu tôi có hối hận không? Nếu sau một đêm ngon giấc, bạn vẫn thấy đó là một ý kiến hay, thì hãy tiếp tục và mua hàng", James khuyên.
Riêng với James, quy tắc 1% trở thành "kim chỉ nam" khi dùng tiền và rất hiệu quả đối với bản thân ông. Tuy nhiên, nhà phân tích tài chính lưu ý rằng quy tắc trên chỉ dành cho ai kiếm được 200.000 USD/năm trở xuống (khoảng 4,6 tỷ đồng). "Nếu bạn đang kiếm được 2 triệu USD/năm, quy tắc đó có thể sẽ không hiệu quả với bạn. Với những người có thu nhập siêu cao, 1% lương hàng năm có thể tạo ra số tiền giới hạn quá cao", ông nói thêm.
Ngược lại, 1% cũng có thể là quá nhiều với những người có thu nhập thấp. Trong trường hợp đó, James hạ giới hạn xuống, chẳng hạn 0,5%. "Dù là tỷ lệ phần trăm nào, nó cũng có ý nghĩa nếu dựa trên tình hình tài chính, nhu cầu, mục tiêu và các ưu tiên của bạn", ông nói.
Ngoài quy tắc 1%, vẫn còn nhiều cách khác để kiểm soát chi tiêu. Nhiều người cũng tự đặt ra giới hạn nghiêm ngặt cho bản thân rằng không được phép chi nhiều hơn 1 mức nào đó. Do đó, quy tắc của James giống như một "trạm kiểm soát tinh thần" - một lời nhắc hãy suy nghĩ trước khi hành động và thiết lập ranh giới khi nào nên cân nhắc chi tiêu.
"Có thể bạn muốn tiết kiệm để mua nhà hoặc nghỉ hưu sớm. Nên, nếu bạn có thể hạn chế mức chi tiêu đó, bạn có thể tiết kiệm tiền và đạt mục tiêu nhanh hơn", James nói. Dù vậy, cần nhớ rằng, quy tắc 1% không dành cho tất cả. Chiến lược tốt nhất để quản lý chi tiêu phải là chiến lược đủ đơn giản để bạn có thể gắn bó trong nhiều năm.