2020 được xem là năm thành công trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 của Việt Nam với mức tăng trưởng dương 2,91%. Nước ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á, thu hút được hơn 33.000 dự án FDI với tổng số vốn hơn 384 tỷ USD.
![]() |
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những thành tựu nổi bật trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian qua, đồng thời cũng đề cập tới một số hạn chế cần khắc phục và giải pháp của Chính phủ thời gian tới. Trải qua 3 lần sóng đầu tư FDI, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Làn sóng thứ nhất trong những năm 1990-1992; làn sóng thứ hai vào những năm 2000 với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết và làn sóng thứ ba với số lượng FDI thực sự bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 và hội nhập sâu với khu vực và quốc tế.
Tính đến tháng 12/2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, đã có 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước; và số thu nộp ngân sách nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, một số hạn chế phải kể đến là mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Cùng với đó là vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
Việc thu hút vốn FDI thời gian tới phải chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, theo chủ trương của Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. Dù vậy, Việt Nam phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trong bối cảnh cạnh tranh FDI khốc liệt và những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.