Số lượng người lao động ngày càng giảm dù DN cố giữ
Toạ đàm Doanh nghiệp cần được phép làm những gì để tiếp một tay trong việc chống dịch và thực hiện sản xuất an toàn do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tối ngày 4/8 với sự điều phối của ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM đã ghi nhận tình hình các DN đang rất cam go để duy trì phương án "3 tại chỗ" (3T) và "1 cung đường - 2 điểm đến".
Ông Vũ Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty CP Tekcom, chia sẻ Tekcom đang thực hiện cùng lúc hai mô hình 3T và “1 cung đường - 2 điểm đến” cho hai nhà máy trong cùng một khu công nghiệp tại Bình Dương. Gần một tuần qua, khi người lao động kéo nhau về quê, Tekcom đã mất hơn 50 công nhân lành nghề. Ông Huy than: “Chúng tôi đã làm mọi cách để giữ người lao động và xem như đây là cuộc chiến thật sự vì phải giành giật từng người lao động ở lại".
Cho dù cố gắng giữ người lao động, Tekcom không tránh khỏi tình trạng mất người sẽ còn tiếp diễn khi mà dịch bệnh ở Bình Dương đang ngày càng căng thẳng và trong nhà máy đã xuất hiện F0. Ông Huy bày tỏ: “Chúng tôi đã tính đến chuyện “xả trại”, đóng cửa nếu nhà máy có nhiều ca dương tính. Nhưng điều chúng tôi lo lắng hơn là sau khi nhà máy phục hồi, hoạt động trở lại, làm thế nào có đủ công nhân? Thường khi công nhân đã về quê thì họ rất khó trở lại công ty, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát không chỉ Tekcom tuyển dụng mà có rất nhiều DN khác cũng cần lao động".
Cùng nỗi lo này, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết hiện nay công ty chỉ còn 50% lao động đang làm việc và chỉ có 35% thực hiện 3T. Công nhân có tay nghề và có kinh nghiệm là tài sản của DN ngành may, nếu không giữ lại được thì sau này phục hồi hoạt động sẽ khó tuyển người đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cuộc khảo sát nhanh ngày 3/8 của Hội với 130 DN chuyên xuất khẩu ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương (trong đó có 10 DN FDI) cho một kết quả đáng buồn: hiện chỉ còn 60 DN đang sản xuất, 70 DN đã tạm ngưng vì không đủ điều kiện thực hiện 3T. Trước dịch, 60 DN đang sản xuất có khoảng 48.000 lao động nhưng nay số công nhân giảm còn chưa đầy 18.000 người. Tính bình quân, hiện tại các DN đang hoạt động chỉ còn duy trì được 30% lao động. Đáng buồn nhất là trong thời gian qua, có 740 trường hợp F0 trong 14 doanh nghiệp ngành gỗ.
Phương án 3T không thể kéo dài
Không chỉ gặp khó về nguồn lao động, các DN thực hiện 3T và "1 cung đường, 2 điểm đến" như Tekcom còn đối diện với nhiều thử thách khác. Trong số đó, khó khăn đầu tiên là làm thế nào duy trì được chuỗi cung ứng, gồm nguồn nguyên vật liệu sản xuất và cung ứng thực phẩm phục vụ cho 3T. Trước kia, Tekcom mua nguyên vật liệu sản xuất từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên khi giãn cách, việc đi lại giữa các tỉnh, thành khó khăn, nguồn cung ứng lập tức giảm khiến Tekcom không thể đạt được sản lượng như kế hoạch đề ra.
Tương tự, Công ty Thiên Minh cũng thiếu nguyên vật liệu sản xuất vì khâu vận chuyển khó khăn. Ông Trần Lam Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty Thiên Minh, cho biết: “Nhiều đơn hàng đến kỳ phải xuất cho khách châu Âu và Mỹ phải ngưng vì không đủ nguyên vật liệu. Nếu không giải quyết ách tắc do khâu vận chuyển, việc đóng cửa nhà máy là điều thấy trước mắt”.
Hiện tại, mặc dù các DN thực hiện 3T đều tổ chức lấy mẫu xét nghiệm người lao động định kỳ vài lần một tuần, chưa kể áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch khác nhưng không thể tránh khỏi rủi ro, khi vẫn phải tiếp xúc với người cung ứng nguyên vật liệu và tiếp xúc với nhà cung cấp thực phẩm hoặc cung ứng các suất ăn phục vụ 3T.
Sau ba tuần thực hiện 3T, tâm lý người lao động hiện vẫn ổn nhưng các DN đều khẳng định họ chỉ có thể cầm cự trong vòng một tháng tới. Nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng và kéo dài, các DN đang thực hiện 3T cũng rất khó duy trì được sản xuất. Vì ngoài những bất tiện trong sinh hoạt khi ăn ngủ tại nhà máy, người lao động còn bị tác động tâm lý từ người thân, gia đình. Thậm chí, chính sách kêu gọi người lao động về quê của một số tỉnh cũng tác động không nhỏ đến công nhân và ảnh hưởng dây chuyền lên nhiều người.
Ông Phạm Văn Việt nói: “Rất khó để duy trì mô hình sản xuất 3T trong dài hạn. Hiện nay, tâm lý công nhân đang ổn và vẫn bảo đảm được năng suất nhưng tôi cho rằng chỉ có tiếp tục trong thời gian một tháng tới. Vì nói gì thì nói, người công nhân nào cũng có gia đình nên không thể ở lại nhà máy lâu dài”.
Cũng đồng ý kiến với ông Việt, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng rất khó để DN kéo dài phương án sản xuất 3T, đồng thời cảnh báo: “Nếu tình hình này kéo dài hơn một tháng nữa, các DN ngành thực phẩm sẽ kiệt quệ và đứt gãy".