Không dạy con làm kinh doanh là một thiệt thòi

Ngọc Thoại| 10/10/2020 07:33

Tại buổi tọa đàm “Ý nghĩa tư tưởng kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày nay” do Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức chiều 10/10, ông Nguyễn Kiểm - Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản nói: Không ai dạy con mình phải ra đời làm doanh nhân. Đây là một thiệt thòi lớn cho các thế hệ trước.

Không dạy con làm kinh doanh là một thiệt thòi

Ông Nguyễn Kiểm (thứ 2 từ phải sang).

Theo ông Nguyễn Kiểm, tư tưởng kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can mang giá trị di sản, không có thương học thì không có đội ngũ doanh thương vững bền làm tiền đề cho giới doanh nhân Việt Nam vươn ra biển lớn.

Triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can ra đời đã gần 100 năm, trong bối cảnh các nước phương Tây đang đi theo con đường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và đã thu được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó Việt Nam vẫn phát triển nền kinh tế tự cung tự cấp, chưa thấy rõ vai trò của thương mại, vai trò của kinh doanh. Cụ Lương Văn Can đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh doanh trong phát triển kinh tế và mong muốn mọi người phải học cách làm giàu chân chính.

Đây là cống hiến to lớn về triết lý kinh doanh của Lương Văn Can cho các doanh nhân Việt Nam. Ngày nay các doanh nhân Việt Nam đang sống trong nền kinh tế thị trường hiện đại, những triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can vẫn cần phải được thấm sâu vào sứ mạng của các doanh nhân hậu thế.

Theo ông Kiểm, ""Thương học phương châm" là một quyển sách rất đáng chú ý bởi vì nó không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế gia đình và quốc gia.

T.S Lý Tùng Hiếu - người viết chú giải và giới thiệu sách "Thương học phương châm" và "Kim cổ cách ngôn" tặng sách cho độc giả.

T.S Lý Tùng Hiếu - người viết chú giải và giới thiệu sách "Thương học phương châm" và "Kim cổ cách ngôn" tặng sách cho độc giả.

Trước năm 1975, theo Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, các trường đại học phía Bắc lẫn phía Nam vốn không có môn học về tư tưởng doanh thương. Nền giáo dục Việt Nam trước và đầu thế kỉ 20 chỉ chú trọng đào tạo quan lại hành chính, dân gian gọi là ông Cử hay ông Nghè. Không ai dạy con mình phải ra đời làm doanh nhân. Đây là một thiệt thòi lớn cho các thế hệ trước.

Hiện nay, việc đưa kiến thức kinh doanh vào chương trình giáo dục phổ thông đã áp dụng từ năm 2018, với nền tảng giáo dục cơ bản về tài chính cho học sinh, sinh viên. “Ngay cả học sinh lớp 1 cũng đã được dạy phân biệt đồng tiền các quốc gia trên thế giới và chương trình này được nâng cao dần trong suốt 12 năm học”, theo ông Kiểm.

“Với các bước đi này, chúng ta đã phá tục lệ coi thường việc kinh doanh, doanh nhân vốn chỉ được gọi là con buôn trong xã hội xưa. Doanh nhân nên có vị trí quan trọng trong 4 giai tầng chính, gồm: trí thức - doanh nhân - người làm chính sách và người làm ra của cải vật chất".

Ngoài ra, cần chú trọng việc xây dựng và tiếp nối cơ nghiệp của dòng họ, gia đình như cách các quốc gia hàng đầu đã và đang làm.

“Thế hệ sau, khi họ nhận thức trọng trách phải gánh vác cơ nghiệp gia đình sẽ tự mình biết được vai trò và trách nhiệm gìn giữ và phát triển cơ nghiệp đó. Càng có nhiều gia đình và dòng họ như thế thì đất nước đi lên chỉ là vấn đề thời gian”, ông Kiểm khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không dạy con làm kinh doanh là một thiệt thòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO