Không bảo tồn di sản là xóa bỏ lịch sử đô thị

TS.NGUYỄN THỊ HẬU| 06/02/2015 03:48

Thách thức lớn nhất đối với TP.HCM là khẳng định được đặc trưng và bản sắc văn hóa trong quá trình lịch sử và sự phát triển hướng đến thành phố hiện đại...

Không bảo tồn di sản là xóa bỏ lịch sử đô thị

Thách thức lớn nhất đối với TP.HCM là khẳng định được đặc trưng và bản sắc văn hóa trong quá trình lịch sử và sự phát triển hướng đến thành phố hiện đại...

Do trình độ quản lý đô thị chưa tốt, nhận thức không đầy đủ về di sản văn hoá thời thuộc địa, quy hoạch phát triển thành phố chưa mang tầm chiến lược... dẫn đến việc thu hẹp các công viên, tận dụng tất cả khuôn viên của các kiến trúc cổ, cảnh quan tự nhiên bị thay thế bởi các công trình dân sinh phần nhiều là “tự phát”.

Đô thị hóa ào ạt làm cho rất nhiều giá trị của đô thị vốn có dần mất đi. Áp lực sinh lợi kinh tế tức thời và sự thiếu khôn ngoan, thiều tầm nhìn xa trong hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị tất dẫn tới việc khai thác triệt để đất đai khu vực trung tâm của đô thị cũ.

Quá trình này tại các nước đang phát triển như Việt Nam dưới áp lực toàn cầu hoá cả về địa – kinh tế lẫn áp lực của “nghệ thuật kiến trúc hiện đại” mang lại cái lợi trước mắt (cho một nhóm người) nhưng đồng thời đã xóa bỏ linh hồn văn hoá và làm biến mất bản sắc văn hoá của các đô thị.

Những năm vừa qua đã có một số dự án bảo tồn di sản văn hóa đô thị được tiến hành. Về nghiên cứu cơ bản có cuộc tổng điều tra di sản văn hóa thành phố, khảo sát những di sản đã được công nhận cấp quốc gia, cấp thành phố, nghiên cứu đề xuất danh sách 180 công trình cần bảo tồn, ban hành quy chế bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị...

Về việc lập Dự án bảo tồn di sản văn hóa có việc phối hợp với Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị vùng Lyon (Cộng hòa Pháp) - PADDI điều tra nghiên cứu bảo tồn khu vực trung tâm thành phố, phối hợp với một cơ quan tư vấn của Tây Ban Nha điều tra nghiên cứu bảo tồn khu vực Chợ Lớn.

Trong các quy hoạch chung toàn thành phố đến năm 2025, quy hoạch đô thị khu trung tâm 930ha do Công ty Nikken Seikei Nhật Bản thiết kế, quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm do một công ty tư vấn Pháp thiết kế... đều lưu ý và đặt vấn đề bảo tồn di sản văn hóa lên hàng đầu.

Tượng Trần Hưng Đạo tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

Tất cả những nghiên cứu và dự án đều nhằm một mục tiêu: Bảo tồn di sản gắn với việc phát huy giá trị di sản qua du lịch văn hóa, đưa cộng đồng tham gia và trực tiếp được lợi từ việc bảo tồn di sản thông qua việc nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cho người dân. Xây dựng cho cư dân nếp sống văn minh đô thị là một yếu tố quan trọng làm cho người dân có ý thức bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời với việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa đô thị có tri thức và kỹ năng.

Khi các đô thị phát triển nhanh, thay đổi hằng ngày thì giá trị di sản văn hóa có giúp người dân, giúp nền kinh tế “sinh lợi” hay không?
Di sản văn hóa cần được coi là một loại “vốn xã hội”, có giá trị văn hóa - tinh thần đồng thời cũng có giá trị kinh tế - vật chất. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một gia đình hay một ngành nghề. Cần lưu ý là “lợi nhuận” từ việc khai thác giá trị di sản văn hóa không phải lúc nào và ở đâu cũng là “tiền tươi thóc thật” mà khai thác vừa phải, cũng như mọi nguồn tài nguyên khác.

Kinh nghiệm của nhiều đô thị, nhiều quốc gia trong việc khai thác “lợi nhuận” từ di sản văn hóa là:

- Tạo dựng cảnh quan cho khu vực di sản văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa đặc thù của một thời. Nơi đây giữ vai trò truyền tải thông điệp của quá khứ đến hiện tại, thông điệp của cộng đồng cư dân đến những cộng đồng khác. Sự tồn tại của di sản trong cảnh quan phù hợp góp phần làm tăng giá trị của cả khu vực và là điểm nhấn cho cả vùng.

- Tăng cường không gian công cộng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, qua đó truyền tải ý nghĩa và giá trị di sản đến với cộng đồng, tạo thói quen và ký ức cho cộng đồng về di sản văn hóa.

- Phát triển du lịch địa phương, các dịch vụ cho du lịch, các nghề thủ công, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, thậm chí cả lối sống nếp sống của cộng đồng cũng là một sản phẩm du lịch.

- Gia tăng giá trị bất động sản tại khu vực di sản văn hóa, bởi sự thu hút khách du lịch và phát triển thương mại, dịch vụ cho du lịch. Ngày nay, khu vực trung tâm đô thị, nơi lưu giữ đậm đặc các giá trị văn hóa còn mang lại cho bất động sản giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần, vì chủ nhân ở đó không chỉ là người giàu có mà còn là người có kiến thức về văn hóa.

Vẫn có thể sửa sai, làm lại những kiến trúc, cảnh quan giá trị, hay, đẹp của văn hóa đô thị do ngẫu nhiên hay cố ý sai phạm trong quy hoạch, xây dựng, quản trị... nhưng phải tuân thủ nguyên tắc khoa học của việc phục dựng hay tôn tạo, trùng tu.

Và luôn nhớ mục đích là lưu lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa đích thực chứ không phải những “giá trị” mới được tạo dựng, lắp ghép, xa lạ với lịch sử tồn tại của di sản văn hóa. Không bảo tồn di sản văn hóa tức là xóa bỏ lịch sử đô thị.

Các cơ quan truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và cứu vãn giá trị di sản văn hóa. Đó là nhờ chức năng phản ánh, thông tin kịp thời những kiến thức khoa học về di sản văn hóa, phản ánh ý kiến nhiều chiều (người dân, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư...) khi có một sự việc vi phạm hay phá hoại di sản văn hóa.

Khi cần có tiếng nói “trái chiều” để bảo vệ di sản văn hóa thì báo chí, truyền thông có trách nhiệm kêu gọi dư luận xã hội chú ý và lên tiếng. 

>Hai mặt của đô thị hóa 
>WB: Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng
>Những "ông chủ nghèo" của di sản
>Nỗi lo "tầm thường hóa" di sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không bảo tồn di sản là xóa bỏ lịch sử đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO