Năm 2011, mảng du lịch tàu biển khá thầm lặng nhưng bước sang năm nay, nhiều tín hiệu khởi sắc. Ngày càng có nhiều đoàn tàu du lịch cập cảng Việt Nam.
Đón du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển. |
Nhộn nhịp tàu du lịch
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong những tháng đầu năm, mảng du lịch tàu biển bắt đầu nhộn nhịp khi các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước như Cần Thơ, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh liên tục đón nhiều đoàn du lịch tàu biển nổi tiếng trên thế giới.
Chỉ trong tháng 1/2012, Việt Nam đã đón 19 chuyến tàu biển và 12 chuyến tàu sông của các hãng tàu nổi tiếng trên thế giới như Costa Classica, SuperStar Aquarius, Indochine… với hàng nghìn du khách quốc tế đến từ Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc...
Trong tháng 2 vừa qua, đoàn tàu 5 sao Costa Classica 5 lần cập bến vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đưa khoảng 10.000 du khách đến tham quan. Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết trong tháng này Saigontourist sẽ liên tục đón tiếp các tàu biển quốc tế cao cấp đến Việt Nam như tàu Europa, Spirit Of Adventure, Columbus, Saga Ruby, Amadea…
Đối với các du khách tàu biển, vịnh Hạ Long là một điểm đến được yêu thích, hầu hết đều dành thời gian thực hiện tour du lịch với hành trình tham quan vịnh Hạ Long, dạo chợ Hòn Gai, thăm chùa Yên Tử, thưởng thức múa rối nước và các chương trình văn nghệ đậm chất dân tộc của Việt Nam…
Những tháng cuối năm 2011, vịnh Hạ Long đã đón hơn 51.000 lượt du khách đến từ các tàu du lịch biển, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước.
Dự kiến trong năm nay lượng khách đến Hạ Long sẽ tăng hơn 30% so với năm ngoái. Song song đó, các địa điểm như Nha Trang và Vũng Tàu cũng đang là đích nhắm của nhiều tàu du lịch biển.
Tháng 11/2011, đoàn tàu Sun Princess với 2.000 du khách đã cập bến tại những nơi này để khám phá vẻ đẹp biển Việt Nam và hứa hẹn sẽ quay lại trong năm 2012.
Các hãng tàu biển quốc tế Costa Classica, Costa Romantica, SuperStar Virgo, SuperStar Aquarius, Princess Daphne, Amadea, Pacific Venus, Europa, Bremen… đã bày tỏ mối quan tâm hơn đến Việt Nam thông qua một số hợp đồng ký kết dài hạn hoặc thường xuyên tổ chức các chuyến tàu du lịch cập cảng Việt Nam với số lượng du khách ngày càng tăng.
Để hút khách, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đang từng bước được nâng cấp. Ngoài việc khách du lịch được tham quan vẻ đẹp của miền biển Việt Nam, các đơn vị lữ hành còn xây dựng hành trình tham quan tìm hiểu văn hóa truyền thống, thăm thú những vùng đồng quê, tìm hiểu đời sống của người dân ở các địa phương đó để lưu lại dấu ấn trong lòng du khách.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang chờ Chính phủ phê duyệt, Tổng cục đã ưu tiên quy hoạch phát triển du lịch biển đảo, xây dựng các khu du lịch biển quy mô lớn có thể cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực.
Cần đầu tư đồng bộ
Hạn chế hiện nay của du lịch nước ta, theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Mê Kông, các đoàn tàu biển du lịch đến lưu trú thời gian còn quá ngắn, một số tàu còn đến dưới dạng quá cảnh.
Như vậy, ngành du lịch phải đầu tư hoặc tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng cốt yếu và nâng cao chất lượng các dịch vụ, xây dựng hành trình khám phá độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách lưu trú thời gian dài hơn và không chỉ đến một lần mà sẽ trở lại nhiều lần.
Nắm bắt yêu cầu này, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du thuyền tại TP.HCM đã thành lập Câu lạc bộ Du thuyền Việt Nam gắn với nhiều hoạt động đầu tư khác như liên kết với các địa điểm du lịch để xây dựng hành trình tham quan, khám phá dài ngày bằng đường sông để tạo dấu ấn trong lòng khách du lịch.
Dẫn đầu các hãng lữ hành trong loại hình du lịch tàu biển, Saigontourist đã đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng các bến du thuyền ở các địa điểm du lịch biển nổi tiếng để các tàu biển có điều kiện cập bến dễ dàng hơn. Dự án đầu tiên được Saigontourist đưa ra để kêu gọi các nhà đầu tư là khu giải trí và bến du thuyền tại huyện Nhà Bè, rộng 10ha với vốn gọi đầu tư 64 triệu USD.
Dự kiến dự án này bao gồm cao ốc 15 tầng, với 300 phòng khách sạn và căn hộ, 15 biệt thự, bến du thuyền...
Tuy vậy, mức độ đầu tư để thu hút du lịch tàu biển còn riêng lẻ, chưa đồng bộ, thiếu hệ thống cảng du lịch. Đa số cảng ở nước ta hiện nay là cảng hàng hóa nên nhiều hãng tàu du lịch còn ngần ngại. Trong khi đó, ở các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, chiến lược phát triển du lịch tàu biển được vạch ra rất cụ thể và chi tiết.
Các cảng du lịch của họ tích hợp nhiều chức năng quốc tế và quốc nội, thiết kế sang trọng, đẹp mắt, khi du khách vừa lên tàu có thể tận hưởng ngay một không gian thoải mái để tham quan, mua sắm, ăn uống, thư giãn nên luôn thu hút được nhiều hãng tàu và du khách lưu trú dài ngày và tiêu tiền cho các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, muốn phát triển du lịch tàu biển cần có sự đầu tư đồng bộ từ Nhà nước đến doanh nghiệp, vì hiện nay chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch tàu biển còn đơn điệu, chưa hấp dẫn.
Ở Singapore, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước trong lĩnh vực quảng bá thông tin, đồng thời chính phủ nước này còn thành lập quỹ phát triển du lịch tàu biển để khuyến khích các hãng tàu biển hợp tác với các đơn vị lữ hành trong nước.
Trong khi đó, ở Việt Nam các doanh nghiệp phải tự liên hệ tìm kiếm đối tác, bộ phận nhân viên phụ trách dịch vụ khách hàng tàu biển của các hãng lữ hành còn hạn chế.
Ngoài Saigontourist và Công ty Tân Hồng thường đón du khách từ các tàu đến từ Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Nam Á, còn lại một số doanh nghiệp nhỏ đón khách Trung Quốc hoặc nhận khách từ 2 công ty lớn này khi họ có nhu cầu cập bến ở các tỉnh miền Trung.