Tuấn “V.I.P”

ĐẶNG QUÝ YÊN| 03/05/2010 00:01

Lấy bằng Thạc sĩ ở tuổi 26, điều hành cùng lúc hai doanh nghiệp, Nguyễn Mai Anh Tuấn đã biến những lý thuyết khô khan trên giảng đường thành bài học sống động chốn thương trường.

Tuấn “V.I.P”

Lấy bằng Thạc sĩ  ở tuổi 26, điều hành cùng lúc hai doanh nghiệp, Nguyễn Mai Anh Tuấn đã biến những lý thuyết khô khan trên giảng đường thành bài học sống động chốn thương trường.


Bài học thực tế

Nếu bằng lòng với việc học tập, nghiên cứu, du học rồi giảng dạy, có lẽ sự nghiệp của Nguyễn Mai Anh Tuấn sẽ dễ dàng phác họa bằng một vòng quay tròn trịa.

Ngay khi còn là sinh viên của FPT APTECH, Tuấn đã đầu quân về một công ty trực thuộc Hiệp hội Nhựa TP.HCM. Theo cách nói của anh là để được “vọc” máy, thực hành những kiến thức lĩnh hội được ở trường. Sau ba tháng làm việc, Tuấn được giao chức vụ trưởng nhóm IT của Công ty dù kinh nghiệm của anh khá “mỏng”.

“Hiện các công ty khi tuyển nhân viên đều lấy tiêu chí kinh nghiệm để xem xét. Thế nhưng, nếu biết chứng tỏ khả năng của mình, các bạn sinh viên dù mới ra trường vẫn có thể tìm được vị trí thích hợp”, Tuấn chia sẻ.

Liên thông lên đại học rồi sau đó sang Anh lấy bằng thạc sĩ, Tuấn trở về phụ trách vai trò quản lý dự án, chủ yếu là phát triển phần mềm cho thiết bị viễn thông. Được hơn 2 năm, anh lại thử sức trong lĩnh vực quảng bá thương hiệu cho Tập đoàn BAT.

“Nhìn vào quá trình nhảy việc của tôi, mọi người rất dễ “dị ứng”, Tuấn thật thà. Anh cho biết, đó chính là con đường anh xác định từ trước: lao động và học hỏi kinh nghiệm. Tuấn tiết lộ: “Tôi xác định nghề nghiệp của mình là giảng dạy, nhưng vẫn muốn điều hành một doanh nghiệp riêng. Không đủ vốn cũng như can đảm để thử nghiệm, cách tốt nhất là trải qua các vị trí trong những doanh nghiệp lớn, học hỏi thực tế để có thể tìm bài học cho mình”.

Tận dụng khách hàng từ đối tác

Gần gũi với sinh viên, Tuấn nhận ra, loại hình giải trí thu hút giới trẻ hiện nay là karaoke. Quan sát thị trường, rõ ràng, dù có nhiều doanh nghiệp chọn lĩnh vực này để đầu tư nhưng mô hình thì gần như giống nhau trong khi phân khúc cao cấp lại hoàn toàn bị bỏ trống. Vậy là, giảng viên trẻ chuyên ngành công nghệ thông tin của trường RMIT gom vốn, tìm tối tác, chính thức bước vào thương trường.

Không chỉ dùng đầu máy kỹ thuật số thông thường, Tuấn đầu tư thêm hệ thống máy đa chạm, nên Karaoke V.I.P. của anh hoạt động khác lạ. Khách hàng chọn bài hát trên kho dữ liệu thông qua màn hình cảm ứng. Toàn bộ bài hát được tách từ bản ghi âm của ca sĩ chuyên nghiệp nên đòi hỏi khách hàng phải tương đối “có nghề”.

Tuấn kể, ban đầu, khách hàng chưa quen với hệ thống máy này, liên tục đòi trở về máy hát truyền thống. Đó là lúc đội ngũ kỹ thuật viên của anh phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khách hàng đã dần quen và bắt đầu chấp nhận công nghệ giải trí mới. “Quy luật ngàn đời, cái mới lạ, dù khó được chấp nhận nhưng vẫn luôn hấp dẫn”, Tuấn khẳng định.

Gần hai năm hoạt động, Tuấn khoe, Karaoke V.I.P. tăng trưởng ở mức trên 30% mỗi năm, dù rằng kinh doanh dịch vụ luôn phải đối mặt với “thời gian chết” ở thời điểm ban đầu. Để làm được điều này, Tuấn cho biết, anh đã phải chuẩn bị nguồn khách hàng từ trước. Liên kết với các thương hiệu đã định hình như Viễn Thông A, Bánh xèo Ăn Là Ghiền, Café Bub, tạo ưu đãi về giá cho thành viên, khách hàng thân thiết của các đơn vị này... là cách Tuấn thu hút khách hàng có sẵn từ đối tác.

Anh cho biết, mỗi doanh nghiệp đều cần có chế độ chăm sóc khách hàng, nếu biết đưa dịch vụ của mình vào trong ưu đãi của đối tác thì sẽ tạo lợi thế cho cả hai. Lý thuyết là vậy nhưng triển khai cũng chẳng dễ dàng gì, ngoài những mối quan hệ sẵn có, Tuấn phải trổ tài thuyết phục từng đối tác. Điển hình như với Café Bub, anh phải mất gần cả tháng thương thảo. “Ai kinh doanh cũng quan tâm đến lợi nhuận, nếu xác định được nguồn lợi nhuận mà đối tác được hưởng, thương thảo mới có thể thành công”, Tuấn chia sẻ.

Liên tục tìm kiếm khách hàng mới, song Tuấn cũng tập trung giữ chân khách hàng cũ bằng cách lưu thông tin, gọi điện thăm hỏi và tặng quà mừng sinh nhật, ưu đãi khi khách đặt tiệc...

Đầu tư song song giữa máy móc và nhà hàng, phục vụ ăn uống, Tuấn dần thu được quả ngọt cho những thử nghiệm của mình. Khi hoạt động của Karaoke V.I.P. tạm ổn, Tuấn tiếp tục dấn thân đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, thế mạnh chuyên môn của mình. Công ty TNHH Giải pháp số iSolution của Tuấn chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế phần mềm chuyên dụng, thiết kế website... tuy đang ở giai đoạn xây dựng thương hiệu, nhưng cũng đã tìm được khách hàng.

Cho đời chút ơn

Bước qua tuổi 30, cái ngưỡng đẹp nhất của người đàn ông, Tuấn đã kịp xây dựng gia đình nhỏ của mình. Vừa lên bục giảng, vừa kinh doanh, vừa chăm chút cho mái ấm, Tuấn bảo, anh sắp quá tải. Thời gian tới, anh sẽ phải sắp xếp lại công việc một cách hợp lý hơn vì bây giờ, bên cạnh anh còn có người phụ nữ mà anh yêu thương.

Nói thế nhưng vẫn thấy anh xuất hiện trong những buổi sinh hoạt của Hội Cựu sinh viên Học viện RMIT với vai trò chủ tịch, say sưa vận động quyên góp vì trẻ em nghèo. Marathon chụp ảnh, đấu giá, đại nhạc hội..., chương trình từ thiện nào của trường cũng thấy cái dáng dong dỏng cao của Tuấn. Anh luôn bảo, đây là công trình và tấm lòng của cả tập thể, không riêng gì mình.

“Mỗi thành viên đều cố gắng một chút để quỹ của Loretto, hội từ thiện của Úc, đang hoạt động tại Việt Nam, có thêm kinh phí để hoàn thành sứ mệnh của mình", Tuấn nói vậy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuấn “V.I.P”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO