Thú cưng mở lối kinh doanh

MINH NGUYỄN| 16/07/2013 04:40

Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, không có nhiều bạn bè thân quen ở xứ lạ quê người, thế nhưng một doanh nhân trẻ người Việt đã bước đầu thành công trong kinh doanh dịch vụ dành cho thú cưng trên đất Mỹ.

Thú cưng mở lối kinh doanh

Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, không có nhiều bạn bè thân quen ở xứ lạ quê người, thế nhưng một doanh nhân trẻ người Việt đã bước đầu thành công trong kinh doanh dịch vụ dành cho thú cưng trên đất Mỹ.

>> Bỏ tập đoàn lớn, khởi nghiệp chăm sóc thú cưng

Đọc E-paper

Bỏ HSBC tìm thị trường nuôi chó, mèo

Trang phục giản dị và với giọng Huế nhẹ nhàng, Trương Minh Thắng, Giám đốc Pawalla, đã khiến không ít người ngạc nhiên khi biết anh không ngần ngại từ bỏ cơ hội làm quản lý cho nhiều công ty lớn để theo đuổi đam mê. Và từ sự liều lĩnh đó anh lại làm được điều ít ai làm được, đặc biệt là ở đất nước mà thị trường cạnh tranh khá khốc liệt.

Tốt nghiệp MBA Haas School of Business và làm việc ở vị trí quản lý cho nhiều thương hiệu quốc tế, như từng làm Giám đốc Tiếp thị cho Ngân hàng HSBC chi nhánh Chicago (Mỹ), thế nhưng anh lại từ bỏ tất cả để tìm một cơ hội mới.

Thắng kể: "Khoảng năm 2011, cảm thấy không phù hợp với ngành ngân hàng, tôi chuyển sang làm việc cho công ty chuyên cung cấp các dịch vụ dành cho thú cưng là Colgate-Palmolive, một công ty chăm sóc thú cưng hàng đầu ở Mỹ. Nhưng rồi tại đây, nhận thấy môi trường làm việc có nhiều giới hạn, đặc biệt là các dịch vụ cần phải cải tiến, thế là tôi nảy ra ý tưởng và quyết định tự đứng ra kinh doanh dù kinh tế không được dư dả lắm".

Thắng cho biết, ngoại trừ mục đích là tìm các phương thức kinh doanh mới, điều khiến anh muốn gắn liền với dịch vụ chăm sóc thú cưng chính là tiềm năng của ngành này. Mặc dù kinh tế suy thoái nhưng doanh thu của ngành vẫn không sụt giảm. Và hiện nay, trong số 100 triệu hộ gia đình ở Mỹ có đến 70% hộ có nuôi chó, mèo.

"Thực hiện ý tưởng trên không đơn giản chút nào, và từ bỏ công việc với lương cao tại một công ty lớn để xây dựng sự nghiệp của riêng mình từ con số không thực sự là một quyết định rất mạo hiểm. Khởi đầu gian nan đã khiến tôi gần như muốn bỏ cuộc, ba người đồng sáng lập đã quyết định rút lui, quay lại với công việc trước đây sau một vài tháng công ty ra đời, để lại tôi một mình tiếp tục xây dựng công ty", Thắng bùi ngùi nhớ lại.

Không nản lòng, Thắng bỏ hơn bốn tháng trời để thuyết phục hai đồng sự tài giỏi người Mỹ khác cùng tham gia công ty. Bởi theo anh, thành công của một công ty ít nhiều cũng do đội ngũ nhân sự quyết định.

Nếu có được nhiều người tài chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, doanh nghiệp của người Việt ở Mỹ vẫn bị phân biệt đối xử, thế nên việc tìm một nhân sự giỏi người Mỹ để mời hợp tác là chuyện không hề đơn giản.

Vậy mà anh đã thuyết phục được hai chuyên gia từng làm ở Myspace, Target về làm cho mình với mức lương chỉ bằng 25 - 30% tiền lương họ nhận được khi làm ở hai công ty tên tuổi lẫy lừng trước đây.

Điều đặc biệt nhất ở Pawalla là ngoại trừ các cộng sự người Mỹ, những kỹ sư thiết kế trang web, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật thanh toán lại là những bạn trẻ người Việt chính gốc và đang sinh sống ở Đà Nẵng. Thắng đã xây dựng một đội ngũ gồm ba kỹ sư có khả năng và kinh nghiệm điều hành trang web hoàn toàn tại Việt Nam.

Chiến thuật liều lĩnh

Có được nhân sự tốt, Thắng bắt đầu triển khai ý tưởng, anh kết hợp thương mại điện tử với dịch vụ chăm sóc thú cưng theo dạng thuê bao tháng. Đến khoảng 6/2012, anh sáng lập Pawalla.com, một trong những doanh nghiệp đầu tiên chuyên về thương mại điện tử dựa trên việc đăng ký hội viên, tập trung vào sản phẩm chăm sóc vật nuôi.

Ý tưởng về sản phẩm của Pawalla lại là điểm mấu chốt để thu hút người dùng. Theo đó, với mức giá khoảng 20 - 30 USD/thuê bao, mỗi tháng Pawalla sẽ gởi đến khách hàng gói thực phẩm gồm 4 - 9 món mới khác nhau.

Trang web Pawalla.com hiện nay có hơn 3.000 khách hàng ở Mỹ, riêng Facebook của Pawalla cũng có hơn 25.000 thành viên tích cực chia sẻ các hoạt động liên quan đến thú cưng. Theo dự tính, đến năm 2014, Pawalla.com sẽ có khoảng 30.000 thành viên là khách hàng thường xuyên. Sau Mỹ, thị trường tiếp theo của Pawalla.com có thể là Nhật và một vài nước châu Âu.

Và các món mới được sắp xếp một cách bất ngờ, hoàn toàn không có trong thực đơn của thú cưng. Sau khi thú cưng dùng thử và thích thì chủ nhân của chúng có thể đặt hàng thêm. Thông qua một chuyên gia về dinh dưỡng, các sản phẩm giới thiệu cho khách được cân đong đo đếm phù hợp với độ tuổi của vật nuôi.

Thắng bày tỏ: "Do luôn tung ra những sản phẩm mới nên chúng tôi dễ dàng tìm được các nhà sản xuất muốn giới thiệu các sản phẩm mới của họ. Thế nên chúng tôi luôn có được mức giá rẻ, và khách hàng cũng được hưởng lợi".

Bên cạnh dịch vụ, ý tưởng tốt, việc marketing dịch vụ cũng là sự sáng tạo độc đáo của Thắng. Do ít tiền, anh đã quyết định chọn giải pháp tặng không sản phẩm cho các chủ Facebook chuyên viết về thú cưng. Tuy nhiên, với sự đầu tư khá tỉ mỉ từ vỏ hộp đến chất lượng, giá cả, các sản phẩm quảng cáo đã được các chủ Facebook đánh giá cao.

Sau đó Thắng xây dựng thêm các trang cá nhân như Facebook, Twitter và gửi thêm các sản phẩm đến những trang web chuyên viết về thú cưng. Chiến lược tiếp thị không tốn nhiều chi phí của Thắng tạo nên hiệu quả khá bất ngờ, lượng người tham gia ngày càng đông.

"Đó là ý tưởng quảng cáo thú vị nhưng cũng là sự liều lĩnh, bởi những người viết blog hoàn toàn có quyền khen, chê sản phẩm của chúng tôi mà chúng tôi không thể can thiệp được. Nếu thời gian đầu sản phẩm bị chê thì chắc chắn công ty đã không thể tồn tại", Thắng chia sẻ.

Với lượng thuê bao hiện có, công ty vẫn chỉ hoạt động ở mức trung bình, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Thắng. Tuy nhiên, với tốc độ lan truyền như hiện nay, chắc chắn Pawalla sẽ thực sự chuyển mình trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thú cưng mở lối kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO