Bẫy khởi nghiệp có thể gần hơn bạn nghĩ. Ảnh: Inc-Asean |
Báo cáo Business Employment Dynamics (khảo sát năm 1994 - 2015) do Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cung cấp cho biết: Chỉ gần 50% trong số công ty khởi nghiệp trụ vững cho đến năm thứ 5.
Khi lý giải nguyên nhân đằng sau thất bại của mình, các doanh nhân vừa mới bước ra thương trường đều cho rằng “cái chết yểu” của startup thường xuất phát từ những yếu tố như: Thiếu vốn, đánh giá thấp năng lực cạnh tranh của đối thủ hoặc hiểu sai thị trường.
Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau thất bại của startup không phải chỉ đơn thuần đến từ những yếu tố kể trên, mà còn xuất phát từ 3 cái bẫy có phần ít được ngờ tới dưới đây nữa.
1. Thừa ý tưởng tư duy, thiếu hoạch định chiến lược
Hầu như mọi mô hình kinh doanh phát đạt đều có xuất phát điểm là một ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, chỉ sở hữu ý tưởng không thôi là chưa đủ để đưa startup đến với thành công. Cũng theo số liệu từ báo cáo Business Employment Dynamics, một phần ba trong số các công ty khởi nghiệp đã “chết yểu” chỉ trong vòng 2 năm đầu tiên - giai đoạn mà ý tưởng và nhiệt huyết khởi nghiệp của startup đầy tràn, song kế hoạch lâu dài lại chưa được trọn vẹn. Thế nên, việc biến ý tưởng xuất sắc ban đầu trở thành một bản kế hoạch mang tính chiến lược về lâu dài là cực kỳ quan trọng.
Trong bản kế hoạch này, các startup cần thiết phải trả lời một cách chi tiết và rõ ràng những câu hỏi sau: Làm thế nào để sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, làm thế nào để định giá sản phẩm, ai sẽ là khách hàng của doanh nghiệp và làm thế nào để sản phẩm tiếp cận được với người tiêu dùng.
Link bài viết
Đặc biệt, bản kế hoạch lâu dài của startup cần phải trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để kinh doanh có lãi? Vấn đề này đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì nó có tác động to lớn đến việc quản lý dòng tiền cũng như việc đặt nguồn sản phẩm với các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, startup nên đề ra phương án xử lý hàng bị trả lại cũng như tìm người đảm nhiệm vai trò hỗ trợ và chăm sóc khách hàng khi có sự cố.
Ngoài ra, trong khi lên kế hoạch marketing cũng như cách thức vận hành doanh nghiệp, hãy suy nghĩ trước về vấn đề tài chính của bạn. Trong lúc này, liệu bạn đã sẵn sàng để tập trung toàn lực cho dự án khởi nghiệp chưa, hay vẫn sẽ tiếp tục với công việc hiện tại, ít nhất là cho đến khi kinh doanh có lãi.
Chiến lược kinh doanh được hoạch định một cách kỹ lưỡng và chi tiết bao nhiêu thì sẽ giúp lấp đi những lỗ hổng không đáng có trong quá trình marketing, sản xuất và phân phối bấy nhiêu. Một kế hoạch kinh doanh cụ thể cũng giúp startup phát hiện ra các đối thủ có thể sẽ cạnh tranh với bạn, đồng thời hé lộ nhiều cơ hội bất ngờ.
2. Làm quá nhiều việc một mình
Một khi đã dám khởi nghiệp, ắt hẳn người doanh nhân trẻ phải có sự hiểu biết kha khá trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, dù có đa tài đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không thể nào thông thạo hết mọi thứ có liên quan đến công việc kinh doanh của mình.
Khởi nghiệp trong thời đại số ngày nay đòi hỏi khả năng giải quyết khá nhiều vấn đề. Có thể kể đến một số như phát triển web, marketing mạng xã hội, phương thức thanh toán, quảng cáo, vận chuyển hay thậm chí là cả chính sách bảo mật và quyền riêng tư của khách hàng. Những doanh nhân thành công nhất thường là những người thành thật nhất với chính mình, nghĩa là, họ có sự nhận thức đúng đắn và dám thừa nhận điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân.
Điều hành một doanh nghiệp thực sự là công việc bất khả thi đối với những ai chỉ muốn ôm đồm mọi thứ một mình. Thay vì “tham chiến” trên mọi mặt trận, hãy tập trung vào những việc mà bạn thực sự làm tốt và phát huy tối đa điểm mạnh của mình.
3. Sợ thất bại và ngại thay đổi
Con số hơn 50% startup không thể sống sót cho đến năm thứ 5 là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, các doanh nhân trẻ có thể góp phần giảm thiểu tỷ lệ này nếu biết chú ý quan sát và sẵn sàng chấp nhận thay đổi khi phát hiện ra cơ hội mới. Cơ hội này có thể là những sản phẩm bạn chưa bao giờ nghĩ tới hoặc một phân khúc thị trường mà bạn chưa từng nhắm đến.
Trên thực tế, hành trình kinh doanh của các doanh nghiệp thành công thường trải qua những sự kiện như vậy - thất bại thuở ban đầu và tiếp nhận sự thay đổi lớn. Ví dụ, trước khi đưa Macy's trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, nhà sáng lập của nó - Rowland Hussey Macy - đã từng có thời gian cố gắng mở 4 cửa hàng bán thực phẩm khô trong hơn 10 năm nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
Một ví dụ khác nữa là Sony. Trong những ngày đầu mới thành lập, sản phẩm của công ty này rất khác so với ngày nay. Khi đó, Sony chuyên sản xuất các bộ phận phát sóng ngắn radio cũng như cung cấp dịch vụ sửa chữa và thiết lập lại mạng lưới thông tin liên lạc trong bối cảnh hậu Thế chiến thứ II tại Nhật Bản.
Sau đó, Sony hy vọng sẽ thành công lớn với sản phẩm tiếp theo, vốn không mấy liên quan đến cái trước, là… nồi cơm điện. Song, sản phẩm tiếp theo này đã thất bại hoàn toàn khi cơm vừa không ngon mà nồi lại vừa khó chùi rửa.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Sony đã không vì thế mà e sợ thất bại cũng như ngại thay đổi. Và, bằng chứng thiết thực nhất cho điều này chính là sự đa dạng trong kinh doanh cũng như sự thành công của tập đoàn này cho đến ngày hôm nay.
(Nguồn: Inc-Asean)