Cụ thể, họ sẽ mang lĩnh vực tài chính toàn diện (Financial Inclusion: cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương) đến hàng triệu người lao động tự do tại Ấn Độ thông qua dịch vụ thanh toán tiền công và hợp đồng lao động điện tử trên thiết bị di động.
Theo WIEGO - Tổ chức bảo vệ quyền lợi các lao động nữ làm việc phi chính thức: Toàn cầu hóa và Tổ chức hóa (WIEGO: Women in Informal Employment: Globalizing and Organizing), nhiều người lao động nội địa Ấn Độ làm việc mà không có hợp đồng chính thức hoặc không có các điều kiện làm việc theo quy chuẩn. Điều này khiến họ không có cơ sở pháp lý để yêu cầu thời gian nghỉ phép, nghỉ lễ, và cũng không biết cách đòi quyền lợi khi người chủ không trả lương.
“Người lao động tự do Ấn Độ không được đảm bảo rất nhiều quyền lợi, bao gồm cả thời gian làm việc và vấn đề an toàn lao động. Những định kiến và sự thiên vị có liên quan đến địa vị xã hội được phản ánh rất rõ nét tại nơi làm việc ở đất nước này”, WIEGO cho biết.
Việc không có hợp đồng lao động cũng khiến cho những người lao động có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc xây dựng một lịch sử tài chính. Và do đó, họ không thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức (như mở tài khoản ngân hàng), đồng thời khó tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm y tế và cũng như tìm được nhà ở giá rẻ.
Hiện đại hóa hợp đồng lao động
Mục tiêu của SERV’D là tìm giải pháp thay thế kiểu thỏa thuận bằng miệng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đó chính là thỏa thuận kỹ thuật số thông qua ứng dụng SERV'D. Nền tảng này cũng cho phép họ thực hiện luôn khâu chuyển khoản để thanh toán tiền công cho người lao động.
Quan trọng nhất, SERV’D tạo ra hồ sơ thu nhập cho người lao động nghèo không đủ khả năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Với đủ các thông tin thể hiện mức thu nhập trong quá khứ, cuối cùng, họ sẽ có khả năng mở tài khoản ngân hàng và tiếp cận được với các sản phẩm tài chính trước đây còn nằm ngoài tầm với.
“Về lâu dài, nhờ tạo ra những hồ sơ công việc và lịch sử tài chính cho người lao động tự do, sáng kiến này sẽ giúp họ tiếp cận các khoản vay để chi trả cho lĩnh vực y tế và nhà ở”, Seema Joshi - nhà đồng sáng lập, Chủ tịch của SERV’D cho biết.
Ở chiều ngược lại, SERV’D giúp người sử dụng lao động dễ dàng tìm kiếm những ứng viên tiềm năng cho các vị trí như đầu bếp, tài xế, người giữ trẻ..., đồng thời giảm bớt lo lắng rằng liệu các ứng viên này có đáng tin cậy hay không.
Trong khi người có nhu cầu tuyển dụng phải sử dụng smartphone để sử dụng dịch vụ thì người lao động chỉ cần có một chiếc điện thoại phổ thông để nhận thông báo từ SERV'D. Đây là cách để đội ngũ SERV'D giúp xóa bỏ rào cản tiếp cận dịch vụ của những người lao động không có đủ khả năng mua một thiết bị tiên tiến.
Seema Joshi tin rằng với cách làm đa chiều này, dịch vụ của SERV’D có thể xuất khẩu sang các nước khác, nhưng hiện tại SERV’D chỉ tập trung tối đa vào thị trường Ấn Độ.
Nâng cao giá trị của người lao động nội địa
Chủ tịch Seema Joshi xem SERV’D như một bước tiến quan trọng giúp cho những người lao động chưa thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng có cơ hội gia nhập tầng lớp trung lưu.
Trên thực tế, hiện tại, do không có hồ sơ thông tin về lịch sử công việc cũng như hiệu suất làm việc, người lao động tự do không thể chứng minh được lịch sử thu nhập, cũng không có căn cứ để thỏa thuận mức lương, dễ dẫn đến những bất đồng với người sử dụng lao động.
Bằng cách tạo ra các thỏa thuận công việc công bằng, minh bạch, SERV’D hứa hẹn tạo điều kiện giúp họ có được những công việc dài hạn hơn, từ đó có thu nhập ổn định, bền vững và sở hữu một mạng lưới các mối quan hệ công việc chất lượng.
Theo Liên Hiệp Quốc, người lao động tự do tại Ấn Độ phải đối mặt với nhiều thách thức: bị phân biệt đối xử, thiếu khả năng chi trả những nhu cầu cơ bản và bị ngược đãi. Nếu thành công, SERV’D có thể giúp giảm bớt phần nào những thách thức này, thông qua việc kết nối người lao động Ấn Độ với những người sử dụng lao động uy tín và giúp họ có được một tình trạng “sức khỏe tài chính” tốt.
(Nguồn: Forbes)