Sấy bánh tráng ngày mưa

QUÝ YÊN| 22/07/2015 04:25

Một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của bánh tráng là thời tiết. Bánh phải được phơi vào những ngày nắng thì mới đạt được độ ngon, giòn, dẻo và hương vị hấp dẫn...

Sấy bánh tráng ngày mưa

Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nói đến bánh tráng người ta sẽ nhắc ngay đến bánh tráng Đại Lộc với hàng trăm lò bánh, cho ra hàng chục tấn bánh mỗi ngày, phân phối khắp các tỉnh, thành. Bánh tráng Đại Lộc ngon, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nhiều năm qua.

Đọc E-paper

Một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của bánh là thời tiết. Bánh phải được phơi vào những ngày nắng thì mới đạt được độ ngon, giòn, dẻo và hương vị hấp dẫn... Vì vậy, những ngày mưa dai dẳng trở thành nỗi lo của người dân làng nghề bánh tráng. Mỗi năm, miền Trung có 4 tháng cuối năm mưa thường xuyên.

Từ xưa đến nay, trong những tháng mưa đó, người làm bánh tráng phải sấy bánh thủ công bằng than hầm, tro trấu..., và cách sấy thủ công này đã trở thành truyền thống của các hộ làm bánh tráng tại Đại Lộc vào những ngày mưa. Dù trước đây đã từng thử nghiệm một lò sấy với công nghệ mới nhưng cuối cùng người dân vẫn quay về với phương pháp cũ.

Cách sấy thủ công có ưu điểm là sấy rất nhanh, chỉ mất 15 - 20 phút cho một mẻ bánh, tuy nhiên, lại có rất nhiều nhược điểm: gây ô nhiễm môi trường vì khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe người làm bánh, chất lượng bánh giảm rõ rệt. Chi phí cho cách sấy này cũng nhiều, bình quân một hộ gia đình tốn khoảng 15 triệu đồng/năm để mua nhiên liệu, chưa kể thêm chi phí nhân công.

Dự án của nhóm tác giả gồm: Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền và Lê Văn Viễn bắt nguồn từ việc đồng cảm với những khó khăn của bà con trong việc sấy bánh tráng ngày mưa.

Các bạn nhận ra nguồn nhiệt thải rất lớn từ lò tráng bánh (đến 400 độ C) cũng như nhiệt lượng có thể tận dụng được từ khói thải là 11,8kW, và nguồn nhiệt này nếu thải ra môi trường sẽ gây lãng phí lớn.

Mục tiêu của nhóm là vừa giải quyết khó khăn cho bà con, vừa tiết kiệm được nguồn nhiệt từ lò bằng phương pháp sử dụng công nghệ ống nhiệt trọng trường Calorifer. Các hộ dân làm bánh tráng tại Đại Lộc đã nhiệt tình ủng hộ khi biết được mục đích của dự án.

Với thiết kế cho quy mô sản xuất tại hộ gia đình, hệ thống sấy này có thể sấy được 25 - 30kg bánh tráng/ngày với thời gian sấy một mẻ (32 bánh) là từ 20 - 25 phút.

Nhược điểm (không đáng kể) của hệ thống là tuy phải tốn một khoản chi phí cho điện để vận hành hệ thống quạt, bộ thu chế tạo phức tạp, thời gian sấy lâu hơn so với phương pháp truyền thống nhưng bù lại đáp ứng được tất cả các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tận dụng được nhiệt thải, tiết kiệm chi phí. Bánh tráng đạt yêu cầu về hình dạng và màu sắc sau khi sấy.

Theo tính toán của nhóm, ngoài đáp ứng các tiêu chí không tác động xấu đến môi trường, tận dụng được nhiệt thải và hạn chế đốt nhiên liệu, khi so sánh với phương pháp sấy cũ, hệ thống này sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

Nếu sử dụng củi trấu (giá bình quân 20.000 đồng) và thuê nhân công 150.000 đồng/ngày, trong một năm, các hộ tốn đến gần 15 triệu đồng. Trong khi đó, hệ thống sấy Calorifer chỉ tiêu tốn 369.000 đồng/năm cho điện vận hành máy quạt. Với vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng, sau 1,5 năm, các hộ dân sẽ hoàn vốn.

Nếu tính toán kỹ, chi phí lắp đặt còn giảm thêm nữa. Dự án "Tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh để sấy bánh tráng cho các hộ dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam" đã đoạt giải Ứng dụng, Giải thưởng Holcim Prize 2015 với phần thưởng 70 triệu đồng. Nhóm sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng để triển khai dự án ứng dụng vào thực tế.

>Khởi nghiệp với tỏi đen

>Khai thác dịch nhựa từ dừa nước

>Sản xuất ethanol "giải cứu" cây cacao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sấy bánh tráng ngày mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO