Quyển sách gỡ thế lưỡng nan cho người khởi nghiệp

TRƯƠNG LÝ HOÀNG PHI - Giám đốc trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp| 20/05/2015 03:00

The Founders Dilemmas (tên tiếng Việt: "Thế lưỡng nan của các nhà sáng lập doanh nghiệp") là quyển sách tuyệt vời của giáo sư Noam Wasserman mà tôi vô cùng yêu thích.

Quyển sách gỡ thế lưỡng nan cho người khởi nghiệp

Công việc của tôi hằng ngày là tiếp xúc, làm việc với các nhà sáng lập doanh nghiệp (DN) trẻ tuổi, họ có lúc xem tôi như người thầy, người bạn nhưng rất tự nhiên họ cũng xem tôi là người đồng hành. Với đặc thù công việc, tôi đặc biệt ưu ái các quyển sách viết về đề tài khởi nghiệp và quản trị khởi nghiệp.

Với quyển sáchThe Founder's Dilemmas (tên tiếng Việt là "Thế lưỡng nan của các nhà sáng lập DN), tôi thấy như mọi suy nghĩ của người khởi nghiệp từ những góc khuất nhất đều được tác giả chạm đến và phơi bày ra ánh sáng một cách kiên quyết.

Tác giả Trương Lý Hoàng Phi

Bằng những ví dụ thực tế đầy thuyết phục, tác giả nhận định, "những vấn đề quan trọng liên quan đến con người" đã làm "điêu đứng các nhà sáng lập doanh nhân và các công ty mới thành lập của họ”. Nhưng quả thực không may mắn khi các nhà sáng lập thường dấn thân vào một cuộc hành trình mà chính họ cũng "không có tấm bản đồ trong tay".

Nghiệm lại hành trình khoảng 5 năm tiếp cận với các gương mặt khởi nghiệp Việt Nam và xem lại quá trình khởi nghiệp của mình, tôi thấy điều này vô cùng chính xác.

Tôi cũng nhận thấy, những bài học từ sự thất bại của nhiều DN khởi nghiệp thường lặp lại liên tục, thế nhưng, điều đáng tiếc là, các nhà sáng lập DN ít khi xem đó như là bài học điển hình.

Hãy nghĩ xem, quán tính luôn tồn tại trong con người chúng ta, do vậy, đa số những nhà sáng lập DN thường giải quyết bài toán của mình theo bản năng, tiền lệ. Những vấn đề càng phổ biến, sự chủ quan và quán tính càng lớn hơn và bằng cách đó, con đường đó, chúng ta đã rơi vào những "cạm bẫy" được "giăng sẵn".

Rõ ràng, "cạm bẫy" luôn được che đậy bởi rất nhiều hình thức khác nhau, có những lúc rất phức tạp để tìm ra chúng, nhưng cũng có lúc rất đơn giản. Rắc rối là, dù không nhìn thấy hay nhìn thấy mà giải pháp không hữu hiệu thì chúng đều là nguy cơ.

Những "cạm bẫy" mà tác giả nêu trong tác phẩm của mình, tôi nhận thấy, chúng bao hàm cả "cạm bẫy" đơn giản như "cạm bẫy" sự nghiệp - một loại "cạm bẫy" thuộc về nhà sáng lập DN, hay những "cạm bẫy" tương đối khó nhận diện hơn như "cạm bẫy" đội ngũ sáng lập và "cạm bẫy" ngoài đội ngũ sáng lập. Các loại "cạm bẫy" này không xuất hiện theo trình tự, một lần, mà xuất hiện nhiều lần trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Thông qua quyển sách này, tôi nghĩ nhà sáng lập DN có thể rút ra một vài bài học cho mình để thoát khỏi những cái "bẫy" và các "thế lưỡng nan":

- "Cạm bẫy" sự nghiệp: "Hãy làm theo đam mê” nhưng nên nhớ rằng "trái tim có thể làm người lý trí trở thành kẻ ngốc nghếch". Để chắc chắn, lý trí là một phần của quyết định trong sự nghiệp, bạn cần phải xem xét khả năng kết hợp của ba yếu tố: hoàn cảnh sự nghiệp thuận lợi, hoàn cảnh cá nhân thuận lợi và hoàn cảnh thị trường thuận lợi.

- "Cạm bẫy" đội ngũ sáng lập: Bạn sẽ có khá nhiều vấn đề phải giải quyết: Một mình hay nhiều thành viên sáng lập, mối quan hệ, các vai trò trong nhóm sáng lập - vị trí và quyền ra quyết định, lợi nhuận và cổ phần... Tuy nhiên, cần lưu ý 3 vấn đề phổ biến:

• Bạn nên chắc chắn rằng nhà đồng sáng lập tiềm năng sẽ bổ sung một mảnh ghép quan trọng vào cuộc chơi khởi nghiệp.

• Việc né tránh những xung đột, chấp nhận vai trò CEO thiếu cân nhắc kỹ, phớt lờ những động lực không tương thích trong đội ngũ sẽ gây ảnh hưởng đến sự sống còn của DN.

• Việc phân chia cổ phần cần thực hiện trong thời gian phù hợp. Thời điểm quá sớm có thể dẫn đến mâu thuẫn kéo dài liên miên khi mà vai trò và sự đóng góp của các thành viên là không tương xứng sau thời gian hoạt động thực tế.

- "Cạm bẫy" ngoài đội ngũ sáng lập (nhân sự được thuê, nhà đầu tư, CEO ngoài đội ngũ sáng lập). Với nhóm "cạm bẫy" này, tôi nghĩ, điều những người khởi nghiệp Việt thường quan tâm nhất là nhà đầu tư. Lời khuyên cho bạn là nên hiểu rõ những ảnh hưởng của việc nhận đầu tư từ bên ngoài, đấu tranh với sự lạc quan của bản thân và trang bị cho mình kỹ năng đàm phán lại vào bất kỳ lúc nào.

Tôi tin rằng, sách vừa là "thầy", vừa là "bạn" của tất cả chúng ta. Vậy nên, hãy tìm kiếm cho mình thật nhiều "thầy" giỏi và mở rộng "mối quan hệ bạn bè” với sách. Nếu ai đó nói rằng, người khởi nghiệp không cần phải đọc nhiều hay học nhiều, theo tôi, đó là sai lầm lớn.

>Ông tổ gà rán KFC khởi nghiệp lại ở tuổi 60
>7 sai lầm khi khởi nghiệp kinh doanh
>Cổ vũ tinh thần khởi nghiệp
> Những bài học khởi nghiệp từ Trung Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyển sách gỡ thế lưỡng nan cho người khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO