Nhà đầu tư thiên thần - “cứu tinh” của startup?

BÍCH TRÂM| 14/06/2016 01:04

Những quan điểm trái chiều này dễ khiến startup và nhà đầu tư lâm vào tình cảnh “đồng sàng dị mộng” trong quá trình hợp tác.

Nhà đầu tư thiên thần - “cứu tinh” của startup?

Hầu hết những người khởi nghiệp kinh doanh đều cho rằng nhà đầu tư thiên thần chính là lời giải tối ưu cho những khó khăn mình đang gặp phải, nhất là trong bài toán tài chính. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư thiên thần có thực sự là một vị cứu tinh cho các startup?

“Cơn dị mộng” của startup và nhà đầu tư thiên thần

Các startup thường nghĩ rằng khi mình đã có một sản phẩm hoặc dịch vụ tốt thì nhà đầu tư và thị trường dĩ nhiên sẽ chấp nhận, và tuy nhà đầu tư thiên thần là lời giải cho những khó khăn trước mắt nhưng họ không nên can thiệp quá sâu vào việc nghiên cứu và điều hành.

Trong khi đó, dưới góc độ là người từng khởi nghiệp và đến nay vừa là doanh nhân vừa là nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Ly, nhà sáng lập các công ty Komtek và VietUnion (doanh nghiệp xây dựng thành công ví điện tử Payoo) cho rằng, các nhà đầu tư thiên thần có những quan điểm ngược lại: Dù sản phẩm tốt đến đâu cũng phải được thị trường chấp nhận thì mới thương mại hóa được, startup phải nghe theo chuyên gia đầu tư và kinh doanh về cách vận hành công ty và cách tiếp thị vì thương trường không phải là một phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, vì là người đã chi tiền nên nhà đầu tư cũng phải có quyền sở hữu những phát minh, sáng chế của startup... Những quan điểm trái chiều này dễ khiến startup và nhà đầu tư lâm vào tình cảnh “đồng sàng dị mộng” trong quá trình hợp tác.

Dù thực tế là vậy, startup vẫn không nên có cái nhìn bi quan về các nhà đầu tư thiên thần. Phát biểu tại VSV Angel Camp ở TP.HCM (chương trình đào tạo kết hợp cắm trại nhằm kết nối nhà đầu tư và startup, được thực hiện bởi Vietnam Silicon Valley - đề án xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp ở Việt Nam, được bảo trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ), thạc sĩ Thạch Lê Anh, chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley cho biết: “Bản thân từ “thiên thần” đã nói lên tính “cứu tinh” của nhà đầu tư thiên thần.

Họ có thể mang đến nguồn vốn mồi cho startup một cách dễ dàng hơn so với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Quá trình thẩm định gần như không có, vì họ thích trực tiếp trao đổi với startup về dự án để xem xét khả năng tham gia của mình. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thiên thần thường là người có kinh nghiệm trong những lĩnh vực liên quan đến kinh doanh nên có thể trở thành những nhà cố vấn đắc lực cho startup. Các công ty từ khi khởi nghiệp đến giai đoạn IPO thường trải qua 5 hoặc thậm chí đến 7 vòng gọi vốn.

Thông thường, các nhà đầu tư thiên thần quan tâm nhiều nhất đến 2 vòng gọi vốn đầu tiên (gọi vốn mồi) với mức độ đầu tư trong khoảng 100.000 - 500.000 USD (ở Việt Nam, con số này khoảng 10.000 - 100.000 USD). Lúc này, quyền lợi của nhà đầu tư khá ít, thường chỉ từ 5 - 10% cổ phần trong khi sự cố vấn họ mang đến cho startup rất lớn”.

Trương Phi Cường, nhà sáng lập startup Utimai trong buổi thuyết trình mô phỏng với nhà đầu tư tại VSV Angel Camp

Khi nhà đầu tư thiên thần tham gia cuộc chơi

Sự tham gia của các nhà đầu tư thiên thần mang đến nhiều thuận lợi cho startup: Bớt đi gánh nặng tài chính, biết cách xây dựng doanh nghiệp một cách bài bản hơn và gia tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ... Tuy nhiên, những khó khăn do “va chạm” là không thể tránh khỏi đối với cả hai phía.

Chẳng hạn như sự bất đồng về định hướng sản phẩm, tranh chấp quyền điều hành và quyền sở hữu, hay những bất đồng về mục tiêu giữa các cổ đông… Đồng thời, startup cũng sẽ phải chịu áp lực về doanh thu, lợi nhuận vì nhà đầu tư luôn đặt mục tiêu rõ ràng cho từng quý, từng năm. Vì vậy, muốn đi đường dài với nhà đầu tư, startup phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những vấn đề đó.

Để tránh những khó khăn có thể gặp phải sau khi ký hợp đồng với nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Ly lưu ý các startup: “Khi đã tiếp nhận đầu tư, startup phải chấp nhận “mất lòng trước được lòng sau”, mọi thỏa thuận đều phải được ghi rõ trong văn bản, nhất là trong thỏa ước cổ đông, đồng thời phải có quan niệm đúng về quyền sở hữu, bởi vì có nhà đầu tư mới đồng nghĩa với việc phát minh/sáng chế đã trở thành tài sản chung.

Trong quá trình vận hành, startup nên tập trung vào định hướng sản phẩm, còn nhà đầu tư sẽ lo phần định hướng thị trường. Trường hợp hoàn hảo nhất là nhà sáng lập dự án đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật, còn các vị trí giám đốc kinh doanh, giám đốc vận hành nên để nhà đầu tư bổ nhiệm”.

Võ Hoàng Ân, nhà sáng lập startup TechBridge (hệ thống đào tạo điện tử cho khách hàng doanh nghiệp) chia sẻ kinh nghiệm sau khi thương mại hóa thành công dự án: “Startup thường xem nhà đầu tư giống như phao cứu sinh, nhưng chính suy nghĩ này khiến họ trở nên phụ thuộc quá nhiều.

Do đó, điều quan trọng là phải lường trước rủi ro để không phải chỉ tìm đến nhà đầu tư khi không còn con đường nào khác. Vì nhà đầu tư thiên thần sẽ đồng hành cùng startup trên một chặng đường rất dài, việc chọn lựa kỹ lưỡng nhà đầu tư không bao giờ thừa”.  

>Startup Việt thiếu "nhà đầu tư thiên thần"

>Cựu giám đốc Google: 3 điều nhà sáng lập startup cần tự làm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư thiên thần - “cứu tinh” của startup?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO