Mô hình khởi nghiệp tối ưu: Sáng tạo + kinh nghiệm

Theo Trí Thức Trẻ| 22/11/2016 00:25

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình khẳng định rằng để khởi nghiệp thành công, mô hình nhân sự hoàn hảo nhất là kết hợp giữa tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ với kinh nghiệm của tuổi già.

Mô hình khởi nghiệp tối ưu: Sáng tạo + kinh nghiệm

Google được khai sinh bởi 2 chàng nghiên cứu sinh trẻ - Larry Page và Sergey Brin khi làm bài toán sắp xếp lại thư viện. Thay vì chỉ sắp sách trong thư viện, họ đã có ước mơ sắp lại toàn bộ thông tin của thế giới. Sau một giai đoạn hoạt động, họ mời Eric Schmidt – một người lớn tuổi cùng cộng tác. Một Google lớn mạnh như hôm nay bắt đầu từ đó.

Tại tọa đàm “Startup - Đường nào tới thành công?”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT lấy ví dụ trường hợp Google như trên để khẳng định rằng để khởi nghiệp thành công, mô hình nhân sự hoàn hảo nhất là kết hợp giữa tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ với kinh nghiệm của tuổi già.

Ông Bình nói: “Mô hình tốt nhất là kết hợp giữa đam mê tuổi trẻ và kinh nghiệm tuổi già. Còn nếu tự thân khởi nghiệp, thì tôi cho rằng nên bắt đầu khi trẻ, tốt nhất là nên bắt đầu khởi nghiệp trước 35 tuổi”, vì đây là thời kỳ có những ý tưởng, phát kiến lớn nhất.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT doanhnhansaigon
Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng độ tuổi thích hợp để khởi nghiệp là trước 35, vì đây là thời kỳ có những ý tưởng, phát kiến lớn nhất. Ảnh: Minh Quân/ttvn.vn

Chủ tịch FPT khuyên những người trẻ không nên sợ thất bại mà cần giữ tâm lý sẵn sàng với hành trình khởi nghiệp - thất bại - khởi nghiệp lại - tiếp tục thất bại... Thành công sẽ đến với những người quyết liệt và bền bỉ. Và theo ông, trong trường hợp vẫn chưa thể thành công trên con đường khởi nghiệp thì những người dám khởi nghiệp rồi thất bại như vậy khi đi xin việc vẫn sẽ được nhận vào vị trí cấp cao và tương lai rộng mở hơn so với những người vừa ra trường đi xin việc ngay lập tức.

Về vốn đầu tư, ông Bình cho biết, trong khi nhiều startup kêu “đói vốn” thì cũng có rất nhiều các quỹ đầu tư đang thắp đuốc tìm kiếm các startup có những ý tưởng xuất sắc. Ông nói: “Các quỹ đầu tư đang thắp đuốc để đi tìm các bạn. Vấn đề là các bạn có đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư hay không”.

Dẫn chứng tổng kết của Đại học Harvard: những startup thành công thông thường xuất phát ở số vốn trung bình 50.000 USD, ông Bình cho rằng startup Việt Nam sẽ cần khoảng 5.000 USD.

>>5 điều cần chuẩn bị trước khi khởi nghiệp

“5.000 USD này kiếm đâu ra? Nếu bắt đầu từ 3 bạn chắc cũng có 6 bố mẹ, chúng ta có thể xin mỗi người 1.000 USD là có đủ vốn khởi nghiệp”, ông Bình khuyên các bạn trẻ, “Khi dấn thân vào startup, các bạn không chỉ lập ra một doanh nghiệp mà đó là doanh nghiệp để tạo ra những giá trị mới, có thể chưa từng có, tất nhiên độ mạo hiểm rất cao, nhưng khi bạn thắng lợi thì bạn có thể trở thành Nguyễn Hà Đông. Tỷ lệ “10 ăn 1” là tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp trên toàn thế giới. Và chúng ta hãy chấp nhận nó chứ đừng sợ nó, vì khởi nghiệp 10 lần thế nào cũng có 1 lần thành công”.

Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một quốc gia khởi nghiệp, bởi 65% trong tổng số 94 triệu người Việt Nam là thế hệ internet, những người lớn lên từ internet, nên có sức sáng tạo rất lớn.

Ông chia sẻ, 28 năm trước, FPT là một công ty lẻ loi trên thị trường, trong bối cảnh đất nước bị cấm vận, Việt Nam không được dùng máy tính, những chiếc máy tính đầu tiên đều được nhập lậu về Việt Nam. Còn ngày nay Việt Nam được xếp hạng là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về xuất khẩu phần mềm.

Theo ông Bình, có một quan niệm sai lầm rằng "khi tôi startup, tôi sẽ là chủ doanh nghiệp mãi mãi". Thực tế, các doanh nghiệp startup hàng đầu thường chỉ giữ lại một phần vốn chiếm tỷ trọng nhỏ cho mình, phần còn lại thuộc về các quỹ đầu tư. Ông cho biết, các quỹ đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp startup.

"Các startup có thành công hay không được thể hiện ở việc có bán được cho các quỹ đầu tư lớn hay không. Một startup nhỏ bán được mình là một startup thành công", ông Bình nhấn mạnh.

>>Những lời khuyên khởi nghiệp không thể bỏ qua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mô hình khởi nghiệp tối ưu: Sáng tạo + kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO