Làm thế nào khởi nghiệp thành công và trở thành doanh nhân tử tế?

Khởi Vũ| 17/09/2019 04:00

Khởi nghiệp sáng tạo và thành công liên quan nhiều đến sự thay đổi tâm thức của chúng ta hơn là việc bản thân có bao nhiêu tiền trong túi.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF); quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình tại tọa đàm khởi nghiệp “Hành trình trở thành doanh nhân tử tế”, vừa diễn ra sáng ngày 17/9/2019 tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

la-m-the-na-o-kho-i-nghie-p-th-9886-9998

Đại diện SVF và HUTECH ký kết biên bản hợp tác tại sự kiện

Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ lễ ký kết hợp tác giữa SVF và Đại học HUTECH, nhằm chính thức thiết lập mối quan hệ đồng hành giữa hai bên trong việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sinh viên HUTECH nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung. 

Đồng thời, thông qua hợp tác tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng, cải thiện nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối cộng đồng, SVF mong muốn nâng tầm cả về lượng lẫn chất cho các thành tố quan trọng thuộc hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhằm hướng đến giấc mơ một Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thế giới.

Tại tọa đàm, thông qua các câu chuyện về gương doanh nhân cùng những ví dụ thực tế, Phó chủ tịch SVF Phạm Duy Hiếu cho biết, bí quyết để người trẻ thay đổi cuộc đời, khởi nghiệp thành công và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, đều nằm ở ba sự lựa chọn:

- Lựa chọn dựa vào bản thân thay vì chỉ dựa vào người khác

- Lựa chọn làm người giải quyết vấn đề thay vì làm nạn nhân của vấn đề

- Lựa chọn làm “cầu thủ” thay vì “khán giả” trong cuộc đời

la-m-the-na-o-kho-i-nghie-p-th-7029-7117

Phó chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF); quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình Phạm Duy Hiếu

Theo ông Hiếu, ba sự lựa chọn này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì chỉ khi lựa chọn đúng, người ta mới có thể sử dụng toàn bộ nguồn năng lượng tích cực của mình để tập trung giải quyết vấn đề, vì “không thể có chỗ cho giải pháp kinh doanh trong một cái đầu chỉ nghĩ đến điều tiêu cực”; và bạn càng phàn nàn với cuộc sống bao nhiêu, thì cuộc sống lại càng mang đến cho bạn nhiều thứ để phàn nàn bấy nhiêu.

Dẫn chứng cho lập luận của mình qua câu chuyện về người sáng lập Tập đoàn Virgin - tỷ phú Richard Branson, ông Hiếu cho biết, vị tỷ phú này đã từng bị mắc kẹt trên một chuyến bay từ Puerto Rico đến quần đảo Virgin thuộc Anh.

Song, thay vì phàn nàn và kêu ca như phần lớn các hành khách trên chuyến bay đó, Branson với tâm thế của một người “lựa chọn giải quyết vấn đề” đã nhìn ra cơ hội kiếm tiền ngay lập tức.

Sau khi thuê được một chuyến bay charter, Branson cứ thế đi dọc khoang máy bay với một tấm bảng đen cùng dòng chữ “39 USD một chiều đến quần đảo Virgin”. Sau này, cũng chính trải nghiệm từ lần bay đó đã tạo cảm hứng cho vị tỷ phú thành lập hãng hàng không Virgin Atlantic.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch SVF cũng khuyên, người khởi nghiệp đừng sợ khó khăn, bế tắc và cần thiết vượt qua hai nỗi sợ lớn là sợ bị từ chối và sợ bị đánh giá. Cần nhớ rằng, tỷ lệ khởi nghiệp thất bại 90% là thất bại của ý tưởng, chứ không phải của con người. Do đó, hãy biết cởi mở chào đón sự bế tắc và kiên trì với nó, vì đó chính là nơi bật ra những ý tưởng tốt hơn, cũng như là bàn đạp để vươn đến thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm thế nào khởi nghiệp thành công và trở thành doanh nhân tử tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO