Làm chủ bản thân, tạo sự khác biệt

TUYẾT NHUNG| 16/04/2013 04:50

Sáng 13/4, buổi giao lưu doanh nhân - sinh viên với chủ đề “Khởi nghiệp như thế nào?” đã diễn ra sôi nổi tại giảng đường I - Đại học (ĐH) Đồng Tháp.

Làm chủ bản thân, tạo sự khác biệt

Sáng 13/4, buổi giao lưu doanh nhân - sinh viên với chủ đề “Khởi nghiệp như thế nào?” đã diễn ra sôi nổi tại giảng đường I - Đại học (ĐH) Đồng Tháp, với sự tham gia của đoàn doanh nhân - diễn giả đến từ TP.HCM cùng các thầy cô và hơn 300 sinh viên thuộc Khoa Kinh tế của trường.

Đọc E-paper

Đây là lần thứ hai chương trình giao lưu doanh nhân - sinh viên nằm trong chuỗi hoạt động của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn (DNSG) và Câu lạc bộ DNSG phối hợp tổ chức tại ĐH Đồng Tháp.

Sinh viên nêu thắc mắc với các diễn giả

Các sinh viên đã không ngần ngại bày tỏ băn khoăn về những vấn đề cụ thể liên quan đến những thách thức, cơ hội, giải pháp để khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: “Với những người mới khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất là có quá nhiều thứ cần làm mà không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?”.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - ông Văn Đức Mười cho rằng trước hết, các bạn sinh viên cần phải có hoài bão, niềm tin, khát vọng thành công, và tri thức sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa khởi nghiệp.

Đồng thời, các bạn cũng cần tích lũy kinh nghiệm, tài chính và trau dồi các kỹ năng. Ông Mười gợi ý, môi trường đi làm thuê là nơi tốt nhất giúp sinh viên tích lũy những điều này.

Đồng quan điểm với ông Mười, ông Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia chia sẻ, ông cũng khởi nghiệp từ đi làm thuê, và dù ở bất cứ vị trí nào trong công ty, ông cũng luôn luôn đặt cho mình mục tiêu là phải làm chủ công việc của mình, làm chủ chính bản thân mình. Đó là chìa khóa để làm chủ một doanh nghiệp (DN), cũng chính là bí quyết giúp ông thành công như ngày hôm nay.

Ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ du lịch và Thương mại TST, nói thêm: “Các bạn trẻ nên đánh giá đầy đủ, khách quan điều kiện, khả năng và sở thích của mình để vạch ra kế hoạch khởi nghiệp phù hợp. Các bạn có thể đi nhanh hay chậm, thành công sớm hay muộn, nhưng hãy chắc chắn là mỗi bước đi của bạn đều được tính toán cẩn thận và sau mỗi bước đi, các bạn đều học được những bài học quý giá cho bản thân”.

Sinh viên thắc mắc: Muốn đi nhanh thì phải đi một mình, muốn đi xa thì phải đi nhiều người. Vậy có cần tìm một đối tác để cùng khởi nghiệp hay không? Và chọn đối tác đó như thế nào?

“Khi khởi nghiệp, chúng ta cần xem xét tất cả các khía cạnh, liệu chúng ta có đúng và đủ điều kiện để khởi nghiệp một mình hay không, nếu không thì việc tìm một đối tác cộng lực với mình để khởi nghiệp là điều tất yếu” - ông Văn Đức Mười giải đáp.

Đại diện Ban giám hiệu, các thầy cô và hơn 300 sinh viên Đại học Đồng Tháp đã tham dự chương trình giao lưu

Theo ông Lại Minh Duy, khi chọn đối tác khởi nghiệp, bạn phải tìm đúng người có những điểm mạnh, yếu có thể bổ sung cho nhau. Bạn nên chọn người mà bạn tôn trọng và ngược lại, chọn người có cùng đam mê và điều quan trọng là cả hai có thể dung hòa được cá tính của nhau.

Các bạn trẻ băn khoăn: Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, sự non trẻ của những DN mới thành lập luôn là một trở ngại, cụ thể là trong việc đàm phán, giao dịch với các DN khác, vậy có giải pháp nào để vượt qua được trở ngại này?

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Tài Nguyên, chia sẻ: Hãy tạo cho mình một điểm riêng, một điểm khác biệt so với các DN khác, khi đó các đối tác sẽ tự tìm đến với chúng ta.

Ông Hồ Thanh Tuấn cũng chia sẻ một kinh nghiệm của bản thân cách đây 10 năm, khi ông đem sản phẩm ra nước ngoài giới thiệu, câu hỏi mà ông luôn nhận được đó là: “Sản phẩm này có gì đặc biệt?”, và ông đã không trả lời được.

Sau đó, ông trở về Việt Nam và cho ngưng hết các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tập trung vào nghiên cứu làm sao để tạo ra được sự khác biệt cho sản phẩm của mình, và ông đã thành công.

Ông Mười nói thêm: Bên cạnh việc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, khi thương thuyết, chúng ta cần có sự tự tin và chủ động tạo được thế cân bằng với đối tác.

Một câu hỏi khác của sinh viên: Nên chọn con đường nào để khởi nghiệp, thị trường cạnh tranh hay một thị trường hoàn toàn mới?

Theo ông Lại Minh Duy, vẫn phải đồng hành cùng thị trường để duy trì DN, nhưng luôn tạo sự khác biệt, luôn đổi mới, tạo ra những sản phẩm mới bắt kịp được xu thế phát triển của thị trường. Thị trường luôn thay đổi và biến hóa không ngừng, việc thích ứng với nó là cách để DN tồn tại bền vững.

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để có thể đứng dậy sau khi thất bại?”, bà Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Tam Hà khuyên các bạn trẻ: Trước tiên, cần phải rèn luyện sức khỏe để có một thể lực tốt, hãy tập cho mình cách tư duy tích cực để giữ vững ý chí. Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy vốn sống, trong đó sự thất bại cũng là một trong những vốn sống quý giá giúp bạn thành công.

TS. Phạm Minh Giản - Phó bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp (bìa trái) và nhà báo Nguyễn Thanh Minh - Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can trao học bổng Doanh Nhân Sài Gòn cho các sinh viên

Nếu có nhiệt huyết, có đam mê thì có thể thành công hay không? Thực tế hiện nay là nghề chọn mình, chứ mình không chọn nghề? Ngoài ra, xếp loại bằng cấp có phải là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn ứng viên của các DN?

Trả lời cho các thắc mắc trên, ông Mười khẳng định: Có nhiệt huyết, có đam mê là chưa đủ nếu không có tri thức, kế hoạch, sự rèn luyện và trau dồi các kỹ năng cũng như tập cho mình thói quen “nghĩ khác” để tạo nên sự khác biệt. Chính sự khác biệt trong tư duy sáng tạo mới giúp người trẻ thành công.

Theo ông, việc mình chọn công việc hay công việc chọn mình không quan trọng, con đường nào cũng có sự thử thách, khó khăn của nó, nhưng đó cũng chính là cơ hội, là môi trường để rèn luyện cho mình tính kiên trì phấn đấu, không ngừng học hỏi để làm chủ chính mình, làm chủ mục tiêu và con đường của bản thân.

Bằng cấp rất quan trọng, nó đại diện cho nền tảng kiến thức của bạn, nhưng đó cũng chỉ là một trong rất nhiều yếu tố thuyết phục nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, bạn cần phải có sự khác biệt, sự tự tin, chủ động thể hiện lòng đam mê, năng lực của bản thân và nguyện vọng gắn bó với DN đó.

Trong khuôn khổ của chương trình, 20 sinh viên đã được nhận học bổng Doanh Nhân Sài Gòn (mỗi suất 2.500.000 đồng). Đây là sự ghi nhận và động viên của các doanh nhân, DN dành cho sự nỗ lực vượt khó để đạt thành tích cao trong học tập của sinh viên Đại học Đồng Tháp.

Ông Hồ Thanh Tuấn bổ sung: Cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, nhưng chỉ ở lại với người có khả năng nắm giữ nó.

Trước câu hỏi “Làm sao để có thể tiếp cận, thuyết phục một DN nào đó tuyển dụng sinh viên mới ra trường?”, ông Văn Đức Mười thừa nhận thực tế là hiện nay rất ít DN tiếp nhận các sinh viên mới ra trường.

Đồng thời, ông cũng đưa ra gợi ý là hãy viết thư tiếp cận người đứng đầu DN mà bạn quan tâm, bằng cách này bạn sẽ thể hiện được sự chân thành, nhiệt huyết và năng lực của bản thân.

Ông Lại Minh Duy tư vấn thêm: Cần tìm hiểu thông tin của DN, qua đó thể hiện nguyện vọng muốn gắn bó, cống hiến cho DN và quan trọng hơn hết là bạn phải luôn biết cách tự tạo cơ hội cho bản thân...

Trong suốt chương trình giao lưu, những câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nhân đã đem đến nhiều cảm xúc và khơi gợi nhiệt huyết khởi nghiệp, lập thân cho các sinh viên ở Đại học Đồng Tháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm chủ bản thân, tạo sự khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO