“Kỹ sư vườn” tìm đầu ra cho sản phẩm

PHẠM THỦY| 19/10/2016 04:10

Thành công với mô hình trồng trái cây “sạch” bền vững sau khi đưa công nghệ vào quy trình trồng trọt, anh Huỳnh Biển Chiêu đã chủ động tìm đầu ra cho trái mãng cầu “sạch” đạt tiêu chuẩn VietGap, thay vì trông chờ vào nhà phân phối.

“Kỹ sư vườn” tìm đầu ra cho sản phẩm

Thành công với mô hình trồng trái cây “sạch” bền vững sau khi đưa công nghệ vào quy trình trồng trọt, anh Huỳnh Biển Chiêu đã chủ động tìm đầu ra cho trái mãng cầu “sạch” đạt tiêu chuẩn VietGap, thay vì trông chờ vào nhà phân phối.  

Đọc E-paper

Gia đình anh Huỳnh Biển Chiêu ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đã trồng mãng cầu hơn 13 năm. Núi Bà Đen ở Tây Ninh nổi tiếng với loại trái ngọt, thơm ngon này, và mãng cầu trồng ở đây còn cho năng suất cao hơn trồng ở nơi khác. Mỗi năm gia đình anh Chiêu trồng hai vụ, cung cấp ra thị trường gần 500 tấn mãng cầu, vậy nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.

Kỹ sư không bằng cấp

Năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh có chương trình hướng dẫn nông dân trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGap và hộ anh Chiêu được chọn tham gia chương trình. Để có 5ha mãng cầu đạt chứng nhận VietGap, anh Chiêu đã tham dự tất cả các hội thảo về trồng trọt và còn lên mạng tìm đọc tài liệu để ứng dụng vào vườn cây của mình.

Trò chuyện với anh, điều thú vị không phải thấy anh sử dụng thành thạo những thuật ngữ của ngành nông nghiệp hay những thông tin về công nghệ tưới tiêu hiện đại của các nước như Israel, Hà Lan được anh cập nhật như một nhà khoa học, mà là khi nghe anh giới thiệu về hệ thống tưới tiêu do chính anh thiết kế, thành quả không phải kỹ sư nào cũng dễ dàng đạt được.

Anh chia sẻ: “Cây mãng cầu trồng trên vùng đất cao nên cần tưới nước đều đặn, phân bón được hòa tan trong đất cũng giúp cây hấp thu các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Do vậy, công nghệ tưới quyết định phần lớn kết quả của vụ thu hoạch”.

Đến tham quan hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel do một người bạn nhập về để dùng cho vườn thanh long, anh thấy điều bất tiện là hệ thống đòi hỏi phải dùng phân bón nhập từ Israel nên giá thành rất cao. Thêm vào đó, khí hậu khô nóng của Israel hoàn toàn khác với khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam cũng khiến việc sử dụng khó khăn hơn nhiều.

Muốn khắc phục những bất lợi của hệ thống tưới này, anh Chiêu lao vào tìm hiểu, tham khảo thiết kế của các hệ thống tưới nhỏ giọt nhập ngoại khác qua internet, tài liệu thu thập được và cả gặp trực tiếp những chuyên gia về công nghệ trong các hội thảo. Sau 6 tháng, anh tạo ra một hệ thống tưới tiêu sử dụng loại ống nhựa sản xuất trong nước.

Điểm đặc biệt của hệ thống này là có thể sử dụng phân bón trong nước với công suất ít hao điện, nước hơn hệ thống tưới tiêu của nước ngoài. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống tưới này khoảng 20 triệu đồng/ha, chỉ bằng 1/5 giá thành của hệ thống tưới ngoại nhập. Quan trọng hơn, sau khi đưa vào sử dụng, năng suất đã tăng lên vài lần.

“Trước đây, cứ 1,5ha mãng cầu phải mất 30 tiếng tưới với một môtơ 2 ngựa, tiêu thụ 60KW điện. Từ khi đưa hệ thống tưới mới vào sử dụng, chỉ cần 9 tiếng với môtơ 1 ngựa và chỉ tốn 9KW điện. Trước chỉ biết rải phân ra vườn, 1ha mãng cầu phải dùng 70kg phân bón, nay lượng phân bón cần dùng chỉ còn 20kg. Trước không quản lý được sản lượng, tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nay 1ha mãng cầu tiêu chuẩn VietGap cho từ 15 - 25 tấn”, anh Chiêu cho biết.

Anh Huỳnh Biển Chiêu

Nỗ lực tìm đầu ra cho trái mãng cầu “sạch”

Nhà nông nào cũng trải qua nỗi khổ là khi cây trồng không đạt năng suất, hoặc đạt năng suất thì lại gặp khó về đầu ra cho sản phẩm. Anh Chiêu bảo rất xót xa khi phải bán mãng cầu “sạch” với giá “đại trà”. Hồi đầu, chỉ 20% trên 200 tấn mãng cầu VietGap bán được giá.

Lúc được mùa trúng vụ gia đình anh cũng phải chi li trong đầu tư, tiêu dùng mới có thể trồng tiếp vụ sau. Tiếc công sức, chất xám, vốn liếng, tâm huyết bỏ vào những ha mãng cầu nhiều hơn trước, nhưng thu nhập lại không tăng lên bao nhiêu, anh quyết tâm thay đổi thực tế một lần nữa thay vì ngồi chờ vận may.

Không ngại xa xôi, thử thách, bên cạnh việc duy trì những đơn hàng truyền thống từ một đến vài ba tấn của các thương lái trong vùng, vợ chồng anh đã khăn gói lên TP.HCM tìm thị trường. Nói đi tìm thị trường chứ thực ra là chở mãng cầu lên thành phố bán dạo, rong ruổi theo các phiên chợ nông sản, đến các hội chợ bán hàng của nông dân.

Tại những nơi này, anh trực tiếp bán từng ký mãng cầu, trực tiếp nghe phản hồi từ người mua. Người ăn khen ngon, tin tưởng, người mua sỉ, thương lái lần lượt tìm đến. Hiện nay, mỗi năm vườn anh Chiêu cung cấp 20 tấn mãng cầu vào Co.opmart thông qua thương lái. Cửa hàng rau quả sạch bác Tôn ngoài Hà Nội cũng tìm đến đặt 5 tấn mỗi vụ để chuyển ra ngoài đó.

Tất cả đơn hàng đều được bán với giá của trái cây “sạch”. Giờ vườn mãng cầu của anh đã có được đầu mối tiêu thụ cho 30 - 40% sản lượng. Tuy vậy, “để có thể tự tin nói về thành công của mình, tôi mong sớm tìm được mối tiêu thụ 60 - 70% sản lượng còn lại, khi đó mới có thể yên tâm”, anh Chiêu bộc bạch.

Ngay trong tháng 10 này, vườn nhà anh Chiêu đang chuẩn bị đón tiếp một khách hàng lớn là đại diện Vingroup xuống khảo sát quy trình trồng trọt cũng như chất lượng trái mãng cầu. Anh hy vọng có thể đạt được thỏa thuận về giá thu mua mãng cầu từ 40.000 - 42.000 đồng/kg để có thể an tâm đầu tư cho những trái mãng cầu đạt chất lượng xứng với danh tiếng “mãng cầu núi Bà Đen”.

>Israel hỗ trợ TP.HCM phát triển nông nghiệp công nghệ cao

>Tăng nguồn cung thực phẩm VietGap 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Kỹ sư vườn” tìm đầu ra cho sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO