Giải cứu hành tím với Chitosan

ANH KHOA| 17/06/2015 03:55

Củ hành tím là đặc sản nổi bật của tỉnh Sóc Trăng với diện tích gieo trồng hằng năm lên đến 4.000ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Vĩnh Châu.

Giải cứu hành tím với Chitosan

Củ hành tím là đặc sản nổi bật của tỉnh Sóc Trăng với diện tích gieo trồng hằng năm lên đến 4.000ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Vĩnh Châu. Dự án "Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và thử nghiệm một số phương pháp bảo quản củ hành tím Vĩnh Châu, Sóc Trăng" của ba sinh viên Đại học Cần Thơ là Phạm Chí Tín, Tiêu Triển Đạt, Nguyễn Sơn Tùng hướng đến giải quyết nỗi trăn trở tìm phương cách nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch giúp tồn trữ hành với thời gian lâu hơn, bởi tỷ lệ hao hụt khi tích trữ cao gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân.

Đọc E-paper

Hành tím là loại nông sản đặc biệt, tinh dầu có chứa lưu huỳnh nên gây ra mùi hắc, làm cay mắt. Hành còn có độ ẩm cao, nước trong hành dễ bị bay hơi, làm mất trọng lượng. Theo các tác giả dự án, mặc dù trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu được một số phương pháp giúp tồn trữ hành tím lâu hơn nhưng đa phần vẫn sử dụng biện pháp xử lý bằng thuốc hóa học.

Những biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời và yêu cầu về một phương pháp thích hợp hơn trong bảo quản vẫn là một thách thức. Trong điều kiện tồn trữ như hiện nay, sau 2 tháng, tỷ lệ hao hụt là 10%, sau 4 tháng là 20% và chất lượng củ hành giảm đáng kể.

Để bảo quản hành tím, người dân thường sử dụng một số thuốc trừ sâu, như isoprocab hay cypermethrin trộn với bột đất phủ lên củ hành để giữ củ hành được lâu. Dù biết cách làm này là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.

Đặc biệt, các loại hóa chất trừ sâu, trừ mối có chứa methyl parathion độc hại và không thể sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Khi con người tiếp xúc với các loại hóa chất này có thể bị xâm nhiễm qua da, nếu dùng tay có dính các chất này dụi vào mắt sẽ dẫn đến viêm tấy, gây loét giác mạc, nhiễm trùng và mù mắt.

Hiểu được nỗi khổ của người nông dân, dự án của ba chàng trai không chỉ hướng đến mục tiêu tìm ra phương pháp tồn trữ mới mà còn phải bảo đảm an toàn, không độc hại cho người dân lẫn môi trường sống. Kết quả phân tích chứng minh phương pháp bảo quản truyền thống có dư lượng thuốc trừ sâu trong củ hành tím vượt mức hơn 30 lần so với quy định cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Cả nhóm đã quyết định sử dụng chế phẩm sinh học Chitosan làm chất bao phủ củ hành. Chitosan là một chất rắn, xốp, nhẹ, hình vảy, có màu trắng hay vàng nhạt, không mùi vị, không tan trong nước, không độc hại, sản xuất từ vỏ tôm, một nguồn nguyên liệu tự nhiên, rẻ tiền và thân thiện với môi trường.

Bảo quản bằng phương pháp này có ưu điểm an toàn cho môi trường, có hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với các phương pháp truyền thống. Kết quả nghiên cứu của dự án được đánh giá cao và đoạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng.

>Khai thác dịch nhựa từ dừa nước

>Sản xuất ethanol "giải cứu" cây cacao

>Nhân giống cây nắp ấm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải cứu hành tím với Chitosan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO