Doanh nhân trẻ - Khát vọng lớn

24/04/2019 03:17

Từ cột mốc ngày 30/4/1975, một thế hệ startup Việt Nam, mà đặc biệt từ thời kỳ đổi mới, với hành trang tri thức hiện đại và khát vọng vươn ra biển lớn đã và đang nỗ lực chung tay mở ra một trang mới cho Việt Nam giàu mạnh. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua các thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, phát huy sức mạnh của toàn dân, vươn lên "sánh vai cùng các cường quốc năm châu".

Doanh nhân trẻ - Khát vọng lớn

Trần Văn Chính - TGĐ CTY CP giải pháp an toàn OLYM (OLYMSAFETY)

"Muốn ra biển lớn phải có tàu lớn"

Thuộc lớp doanh nhân trẻ sau 1975, Trần Văn Chính thuộc mẫu doanh nhân "làm nhiều, nói ít", năng động trong suy nghĩ, sáng tạo và mục tiêu kinh doanh là "làm nhiều hơn, góp nhiều sản phẩm thiết thực hơn cho cộng đồng".

chinh-olym11-9843-1556086601.jpg

Xuất phát điểm của Trần Văn Chính là dân kỹ thuật, sau khi ra trường Chính lại được đào tạo văn bằng 2 và trưởng thành trong lĩnh vực thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) - một lĩnh vực mà nhiều người cho rằng ít cạnh tranh và chuyên ngành nên người làm lĩnh vực này cũng ít năng động. Tuy nhiên, với suy nghĩ của một người trẻ, Chính luôn tìm hướng đi mới, đặc biệt là tìm tòi nhiều sản phẩm với công nghệ tiên tiến nhất. 

Chính nói: "Thế hệ cha chú đã giải phóng đất nước, mở cửa cho nền kinh tế phát triển và hội nhập thì thế hệ doanh nhân trẻ phải tiếp nối, thực hiện công cuộc hội nhập, làm hưng thịnh đất nước một cách thiết thực nhất".

Với trên 300 mặt hàng về thiết bị PCCC cung cấp cho thị trường và lắp đặt, thi công phần cơ điện cho nhiều công trình, Chính nhận ra, khi nền kinh tế đã mở cửa, sản phẩm cung ứng cũng phải tiên tiến, hiện đại nhất, vì vậy OlymSafety đã trở thành đơn vị thi công các công trình PCCC cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, như Nhà máy Samsung Electronics Bắc Ninh, Cảng Xăng dầu B12, Nhà máy Nhôm Lâm Đồng, Hóa chất mỏ Nam Bộ - MICCO, Nhà máy Thiết bị điện Đông Anh - EEMC, Làng Văn hóa du lịch Việt Nam...

Thiếu tướng, TS. Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhận xét: "Trên cả nước ngày càng xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu kinh tế tập trung với quy mô ngày càng lớn, dây truyền công nghệ ngày càng hiện đại, đắt tiền, khối lượng hàng hóa, vật tư của các cơ sở tập trung ngày càng nhiều, nên tính chất cháy, nổ của nhiều thiết bị, dây chuyền công nghệ, vật liệu mới cũng phức tạp và nguy hiểm hơn trước. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhiều khu dân cư, nhà cao tầng được xây dựng, nhiều loại vật liệu dễ cháy được sử dụng để xây dựng các công trình này, điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cháy, nhất là cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cũng ngày càng gia tăng. Thực tế, hơn 70% vụ cháy tại Việt Nam là do chập điện, 30% là do sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt, hóa chất. Nhận diện nguyên nhân và mức độ thiệt hại lớn cho cộng đồng, Giám đốc OlymSafety đã nghiên cứu kỹ các sản phẩm tiên tiến nhất trên thế giới và đưa công nghệ BlazeCut về thị trường Việt Nam".

Theo Trần Văn Chính, BlazeCut được phổ biến rộng rãi hơn 10 năm qua tại Mỹ, Anh, Úc, Slovakia, Singapore... Tuổi thọ 10 năm, không phải bảo trì, do vậy chi phí sửa chữa, bảo dưỡng BlazeCut gần như bằng không. Là công nghệ của Úc, được sản xuất theo tiêu chuẩn EU, giá sản phẩm chỉ chưa đến 0,005% giá trị của một chiếc xe hơi hay chưa đến 1 phần triệu giá trị của một trung tâm điều khiển. Nhờ các chất chữa cháy của công nghệ tự động khí (khí HFC-227ea, HFC-236fa) nên BlazeCut có thể ứng dụng trong khoang động cơ ô tô, khoang xe buýt, xe tải, máy công nghiệp, tủ điện, phòng máy tính và trung tâm dữ liệu, thiết bị y tế, phòng điều khiển, trung tâm viễn thông, khu vực lưu trữ, bảo tàng, thư viện, kho tiền, lĩnh vực quân sự, phòng máy, chung cư, nhà máy, công xưởng ...

Tuy nhiên, cái khó của Chính là không ít người dân, ngay cả chủ đầu tư căn hộ, nhà cao tầng cũng chưa chú trọng nhiều đến các thiết bị PCCC. Vì vậy, khi Công ty ứng dụng các sản phẩm đột phá trong lĩnh vực PCCC, nhiều sản phẩm không được chấp nhận tại Việt Nam vì tâm lý người dân, chủ doanh nghiệp và chủ đầu tư vẫn cho rằng, xác suất chấy nổ không cao.

Trần Văn Chính nói: "Tuy sản phẩm của Công ty rất tốt nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Một là tâm lý "chữa nhiều hơn phòng", trong khi đó, sản phẩm PCCC lại là sản phẩm bảo vệ cho tương lai chứ không phải trước mắt. Cái khó thứ hai là việc  đưa sản phẩm vào các công trình rất khó do đa số đều có mối "quan hệ”, nên tham gia đấu thầu, không có "quan hệ” thì khó tiếp cận được sản phẩm".

Chính chia sẻ: "Chính thế hệ doanh nhân trẻ  tạo ra nguồn năng lựợng tích cực để doanh nghiệp lớn nhận ra nếu họ không tâp trung vào giá trị hữu ích, lâu dài cho cộng đồng và xã hội, không tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới thì sẽ mất lợi thế và uy tín và sẽ bị đào thải. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến chúng tôi và OlymSafety trở thành bạn đồng hành của các công ty lớn như Samsung, Vinpearl, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Petroimex, Nhà máy Thiết bị điện Đông Anh, Bôxit Tây Nguyên tại Lâm Đồng".

Từ trải nghiệm và thành công của mình, Chính muốn chia sẻ với các bạn trẻ: "Lúc trước làm doanh nghiệp, tôi chỉ "nhắm mắt ném phi tiêu", bán sản phẩm càng nhiều càng tốt, nhưng kinh nghiệm thương trường đã cho tôi nhận ra, muốn vươn ra biển, phải có tàu lớn. Vì vậy, sản phẩm phải đúng nhu cầu, thiết thực với người tiêu dùng. Có thể, bước đầu sẽ khó, sẽ ít lợi nhuận nhưng về lâu dài, khi nhu cầu và tâm huyết của người làm kinh doanh gặp nhau, sẽ bùng nổ”.

Phạm Văn Tam- Chủ tịch HĐTV, TGĐ Công ty Asanzo: "Tham vọng doanh nghiệp tỷ đô”

Lĩnh vực điện tử, nhất là tivi luôn là một thị trường cạnh tranh khốc liệt với các tên tuổi lớn như Samsung, LG, Sony, TCL nên rất khó để phát triển một thương hiệu tivi made in Vietnam. Vì vậy, việc Phạm Văn Tam bước chân vào lĩnh vực sản xuất tivi thương hiệu Việt đã cho thấy bản lĩnh của một thế hệ doanh nhân mới: Tự tin, khát vọng, dám thử thách, sáng tạo.

tam-asanzo11-7879-1556086601.jpg

Hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, ông chủ trẻ Asanzo chia sẻ: "Trong khi một số doanh nghiệp chọn cách đi "theo đuôi" người khổng lồ, tôi lại chọn cách đi khác. Với thị trường trên 90 triệu dân, không phải ai cũng đủ điều kiện để chọn thương hiệu ngoại, vì vậy, nếu các hãng tivi lớn tại Việt Nam đều đi vào phân khúc trung cao cấp, kích thước màn hình 32-50inch, công nghệ OLED hay 4K thì Asanzo chọn phân khúc phổ thông, tập trung vào phân khúc TV LED và màn hình khoảng 25inch trở xuống". Nhiều người cho rằng Phạm Văn Tam đang đi ngược, dậm chân tại chỗ nhưng với Tam: "Các tập đoàn đa quốc gia đánh giá phân khúc người dùng trung bình thấp là không đáng kể, nhưng với một doanh nghiệp trẻ như tôi thì đó là miếng bánh lớn".

Để sản phẩm tiếp cận được với khách hàng với giá hợp lý, Asanzo đã cắt giảm giá thành bằng cách nhập khẩu linh kiện rồi tự sản xuất, tối giản các chức năng không cần thiết. Đặc biệt khi các thương hiệu nước ngoài sản xuất theo xu thế toàn cầu thì Asanzo làm theo xu thế địa phương, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng ở từng khu vực dân cư. Ví dụ, người dân Cà Mau gắn công việc với sông nước nên họ thích tivi màu đỏ, có bình ắc quy, loa phải to và nằm phía trước, nên tivi chạy bằng ắc quy rất được ưa chuộng. 

Từ thành công chiếc tivi 25inch, Asanzo làm tiếp tivi 32, 40, 43, 50 và 55inch với các chủng đa dạng như LED, màn hình cong.  Doanh thu và thị phần tivi của Asanzo liên tục phát triển.

Từ một nhà sản xuất TV quy mô nhỏ, Asanzo đã vươn mình trở thành tập đoàn điện tử hàng đầu được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Asanzo hiện có 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc. Ngoài sản phẩm chủ lực là TV đứng top 3 thị trường, Asanzo còn có hơn 70 sản phẩm thuộc các dòng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị thông minh.

Theo Hãng Nghiên cứu thị trường GfK, đến tháng 12/2017, Asanzo đứng thứ 4 trên thị trường tivi Việt Nam với thị phần 16%, sau Samsung (35%), Sony (25%) và LG (17%), độ phủ của thương hiệu tại nông thôn đến 70%. Asanzo đang lên kế hoạch xây dựng thêm nhà máy tại TP.HCM, đặt tại huyện Củ Chi, với diện tích khoảng 17.000m2, mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Trong quá trình phát triển, Asanzo không đi theo một đồ thị thẳng đứng và luôn chấp nhận "thử và sai". Vì vậy, Phạm Văn Tam gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, đã có lúc ý định bán lại một phần Asanzo để có vốn phát triển nhà máy mới. Tam kể: "Một doanh nghiệp điện tử từ châu Á khi đó muốn sang Việt Nam đầu tư mảng tivi đã đề nghị mua lại 51% Asanzo cùng nhà máy với giá 50 triệu USD. Nhưng tôi quyết định không bán".

Tuy nhiên,  hiện nay Phạm Văn Tam lại đang có kế hoạch bán 15% cổ phần để gọi vốn khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Kế hoạch của Asanzo là đưa tỷ lệ chất xám vào sản phẩm nhiều hơn, nâng cao giá trị sử dụng cho sản phẩm từ chính trí tuệ của người Việt. Đơn cử như dòng tivi ra lệnh bằng giọng nói, tích hợp phương ngữ ba miền mà Asanzo đang bán rất tốt, với giá hơn 3 triệu đồng. Hiện nhiều dòng sản phẩm của Asanzo đã có chỗ đứng tại ASEAN, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại các Nhật Bản, một số nước châu Âu...

Kinh doanh thành công, ông chủ trẻ Asanzo đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp có số vốn 200 tỷ đồng và trở thành "cá mập" trong chương trình Shark Tank mùa 3 năm 2019 để cố vấn, định hướng và sát cánh cùng các startup trong hành trình kinh doanh.  

Lê Đăng Khoa: "Trong kinh doanh, không có giả định"

Gần đây, cái tên "Shark Khoa" hay "Cá mập Khoa" đã trở thành tên gọi của doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa

khoa-211-3299-1556086601.jpg

Bắt đầu điều hành công ty từ năm 22 tuổi. Sau 14 năm trên thương trường, Lê Đăng Khoa trở thành  một trong những doanh nhân trẻ thành công. Từ CEO Công ty TNHH Phân bón Ba Lá Xanh, CEO Làng Du lịch sinh thái Tre Việt, Khoa tiếp tục làm Chủ tịch Công ty Bất động sản Lê Real và đồng sáng lập 38 Degree Flower Market Tea House, đầu tư vào Cooper&Co. - một doanh nghiệp ngành thời trang và đầu tư vào một số dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Năm 2017, Đăng Khoa tham gia tập 3 Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank nên "Cá mập Khoa" ngày càng được nhiều bạn trẻ biết đến.

Khoa nói: "Doanh nhân trẻ hiện nay có nhiều lợi thế  hơn thế hệ trước nhưng cũng có không ít thách thức. Thời đại công nghệ bùng nổ, người làm kinh doanh luôn phải theo sát thực tế, phải có tư duy logic để xâu chuỗi những mảng thông tin. Trong kinh doanh, không có giả định, cho dù là dự báo tương lai thì cũng phải dựa trên số liệu và tin tức có thật. Tuy nhiên, theo Khoa, một công ty muốn phát triển, trước hết phải minh bạch và tìm được đối tác tốt là vô cùng quan trọng.

Cách đầu tư đa ngành mà Khoa đang chọn đã gây không ít lo ngại cho người thân, nhưng Khoa tự tin vì cho rằng mình đang đi đúng xu hướng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp có định hướng cụ thể chứ không đầu tư lan man. Khoa nói: "Có hoa thì sẽ có trà (38 Flower Market Tea House & Flowers) và có bánh (The Cake Factory). Tiếp đến là các công ty công nghệ, truyền thông, xây dựng để hỗ trợ, kết hợp với nhau phát triển. Ví như Puzzle Studio kết hợp với Teso để tạo ra trang thương mại điện tử chuyên về nội thất, thiết kế và xây dựng. Gần đây nhất tôi đầu tư vào một công ty chuyên cây xanh trong nhà, và sắp tới sẽ là mảng vật liệu xây dựng".

Hành trình ra biển lớn, Khoa cho rằng phải biết tập hợp sức mạnh và lợi thế của các công ty khởi nghiệp, tạo sức mạnh để cùng nhau lớn lên. Theo Khoa, cái mà startup cần chưa phải là tiền, mà là kiến thức, kinh nghiệm. Như vậy, doanh nghiệp đầu tư sẽ giảm thiểu tổn thất ở các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, bí quyết đầu tư của Khoa với bất cứ lĩnh vực nào là phải đánh gía được tiềm năng thị trường.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân trẻ - Khát vọng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO