"Chìa khóa" mở cửa cho startup Việt

Thảo Minh| 13/12/2020 08:00

Khi tìm kiếm cụm từ "đổi mới, sáng tạo" trên Google, có 990 triệu kết quả trả về bằng tiếng Việt và 1,19 tỷ kết quả trả về bằng tiếng Anh, cho thấy "đổi mới, sáng tạo" đang trở thành xu hướng, đặc biệt là với các startup  thì đây cũng là mục tiêu để họ khởi nghiệp.

Định nghĩa lại đổi mới, sáng tạo

Là một startup từng trải qua rất nhiều thăng trầm, ông Paul Nguyễn Hưng - Sáng lập và điều hành Goody Group cho rằng, trong cuộc sống, mỗi ngày luôn cần đổi mới, sáng tạo để phù hợp với cuộc sống. Nếu muốn kinh doanh hiệu quả thì phải luôn xem hoạt động kinh doanh của mình có phù hợp với những gì đang xảy ra ở xã hội hay không để từ đó thay đổi, tồn tại và phát triển. Điều đó được gọi là đổi mới và sáng tạo.

sangtao-1-9574-1607655530.jpg

Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm "Cơ hội và chiến lược đổi mới sáng tạo nào cho startup Việt" do Công ty TV Hub - phối hợp cùng Trung tâm tin tức VTV24 tổ chức, bà Thái Vân Linh - Nhà đầu tư và cố vấn cũng đưa ra định nghĩa về đổi mới. Bà nói: "Khi nói đổi mới, nhiều người thường nghĩ phải dùng công nghệ mới là đổi mới. Nhưng đổi mới không nhất thiết phải... dính đến công nghệ mà liên quan đến tư duy và cách phát triển công ty. Nghĩa là phải xem nhu cầu của khách hàng thay đổi như thế nào, lĩnh vực của mình và các công ty cạnh tranh đang thay đổi thế nào. Tất cả quy trình vận hành và hoạt động của mình đều có thể đổi mới sáng tạo". Theo bà Linh, để có tư duy sáng tạo, các công ty khởi nghiệp cần có nhiều hơn các trải nghiệm trong cùng một lĩnh vực. "Tư duy học hỏi sẽ là công cụ giúp chúng ta đổi mới và sáng tạo. Các bạn không nhất thiết phải có công nghệ nào cụ thể, các bạn phải luôn muốn học hỏi, phải tìm hiểu rất nhiều và rất sâu", bà nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, không phải cứ thay đổi cái có sẵn là sáng tạo. Điều này được minh chứng qua câu chuyện thành công của ông Bùi Quang Minh - CEO Beta Group (Minh Beta). Năm 2014, khi ngành rạp chiếu phim không có gì mới, mọi thứ đã gần như hoàn thiện và đã có rất nhiều chuỗi rạp chiếu phim trên thị trường. Tuy nhiên, khi thấy  giá của các rạp chiếu phim khá cao so với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam, thay vì tập trung vào các trung tâm thương mại đắt tiền, Minh Beta lại chọn ra những vùng xa hơn và tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập thấp hơn. Đó cũng là một sự lựa chọn đổi mới, sáng tạo. 

Khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành rạp chiếu phim, Minh Beta lại tiếp tục mở rộng mô hình nhượng quyền rạp chiếu phim. Đây là cách làm lạ ở Việt Nam và khu vực vì không ai đi nhượng quyền rạp chiếu phim. Nhưng Beta Group lại thành công và tiếp tục sáng tạo mô hình rạp chiếu phim lưu động cho người dân vùng ven với concept một chiếc xe tải, có thể đến các vùng ven, các xã huyện. Khi khán giả khu vực đấy đã xem hết thì mình dời đến những khu vực khác. Một đổi mới đầy tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hiệu quả cao.

Theo các chuyên gia marketing, có hai cách đổi mới sáng tạo: một là làm cái gì mới chưa ai làm, hai là làm cái cũ với cách tốt hơn. Vừa được một nhà đầu tư rót vốn 7 triệu USD vào Công ty Vntrip, câu chuyện của ông Lê Đắc Lâm - Đồng sáng lập và điều hành Vntrip  là một minh chứng. Ông kể: "Khi thành lập Vntrip được vài năm thì nhiều công ty nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, họ nhiều tiền hơn, tiềm lực mạnh hơn. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ đến việc đổi mới sáng tạo bằng cách chuyển sang khách hàng doanh nghiệp, giúp các công ty khác đổi mới, sáng tạo. Ví dụ trước đây, các đơn vị này đặt vé máy bay, booking khách sạn bằng cách thủ công, nay chúng tôi sẽ giúp họ cách đặt tự động, thay vì phải điền hàng loạt loại form thì nhờ giải pháp của Vntrip, họ chuyển sang làm hết bằng công nghệ đổi số và tự động hóa các quá trình kinh doanh".

Hay như mô hình Uber hay Grab cũng là một điển hình cho quan điểm "không nhất thiết phải tạo ra một cái gì đó mới là sáng tạo" . Thực tế, Uber và Grab không phát minh ra điều gì mới mà chỉ thay đổi cung cách làm nhưng sự sáng tạo đó đã mang lại hiệu quả lớn cho cả xã hội.

Luôn tìm động lực 

Theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp đã đổi mới, sáng tạo thành công thì động lực để doanh nghiệp sáng tạo, thay đổi có hai yếu tố: một là sợ, hai là thích. Sợ là vì thế giới luôn thay đổi. Nếu cứ làm cách cũ, lối đi cũ thì chúng ta sẽ bị loại trừ. Và thích thì mới có động lực và mục tiêu, từ đó mới nỗ lực thay đổi và tìm cách làm mới. 

startup-6636-1607655531.jpg

Có câu nói: "Nếu bạn đang đứng một chỗ có nghĩa là bạn đang đi lùi, vì những người xung quanh đang tiến lên phía trước. Với sáng tạo cũng vậy". Ví dụ, khi thấy Steve Jobs - ông chủ Apple ra mắt iPhone, CEO của BlackBerry tự tin tuyên bố sẽ không ai dùng tới iPhone vì không ai thích bấm bấm, lướt lướt trên màn hình. Và ngày hôm nay thì gần như không còn ai dùng BlackBerry chỉ vì người đứng đầu của thương hiệu này không chịu đổi mới sáng tạo, tin rằng sản phẩm của họ đã quá tốt rồi, trong khi các công ty công nghệ hàng đầu thế giới luôn có tư duy đổi mới sáng tạo và người dùng cũng sẵn sàng  thích ứng với sự thay đổi. 

Vậy nên, động lực lớn nhất để các starup đổi mới, sáng tạo chính là khách hàng và sự hài lòng của khách hàng. "Và để làm hài lòng khách hàng, phải xem khách hàng cần gì, đang gặp vấn đề gì để từ đó tìm ra giải pháp", ông Lâm nói. 

Tuy nhiên, trên con đường đổi mới, sáng tạo, nhiều startup cũng phải nếm trải những bài học... thất bại. Minh Beta kể: "Khi xây dựng rạp chiếu phim, nhận ra là khách hàng cũng có nhu cầu ăn uống nên xây dựng mô hình Beta Cineplex, tích hợp khu ăn uống vào bên cạnh cinema. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đối tác, vận hành các khâu và nhiều vấn đề... rắc rối khác trong quản lý của ngành F&B, trong khi doanh thu và lợi nhuận từ ăn uống mang lại không quá lớn. Đó cũng là một thất bại nhưng đó cũng là bài học: chúng ta phải thử và chấp nhận rủi ro mới biết điều đó có phù hợp hay không".

Một thực tế là trong giai đoạn khó khăn hiện tại do Covid-19, các công ty phải tính đến việc sinh tồn trước rồi mới tính đến việc sáng tạo, bởi sáng tạo chưa hẳn đã mang lại hiệu quả mà ngược lại khả năng rủi ro cao. Vậy  nên hay không copy các mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp thế giới? Theo ông Paul Nguyễn Hưng:  "Không nên nhầm lẫn vấn đề sáng tạo và copy. Copy là vi phạm về mặt pháp lý và xã hội. Ví dụ như việc copy toàn bộ nguyên xi của người khác từ logo, hình ảnh, màu sắc, tên gọi... Trong khi sáng tạo là học hỏi, cải tiến, làm nó hay hơn. Chỉ trừ số ít hiếm hoi những nhà bác học mới gọi là phát minh ra những thứ mới, còn đại đa số thế giới, kể cả Bill Gates hay Steve Jobs đều là học hỏi và cải tiến".  

Sáng tạo, đổi mới không phải là điều gì đó quá xa vời mà nó diễn ra hằng ngày trong chính doanh nghiệp, xuất phát từ chính những bài toán vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp và đối mặt. Đó cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp thay đổi cách làm, dựa trên tài nguyên đã có, bổ sung thêm công nghệ, nhiều giải pháp và rất nhiều công cụ khác để mang lại hiệu quả kinh doanh. Đây cũng được xem là "chìa khóa" mở đường cho cánh cửa khởi  nghiệp thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Chìa khóa" mở cửa cho startup Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO