Chắp cánh cho hương sen bay xa

LẠC LÂM| 09/11/2016 07:06

Đồng Tháp được mệnh danh là xứ sở của sen. Sản lượng các sản phẩm từ sen mỗi năm tuy nhiều nhưng giá trị kinh tế lại bấp bênh và chưa được khai thác đúng kỳ vọng.

Chắp cánh cho hương sen bay xa

Đồng Tháp được mệnh danh là xứ sở của sen. Sản lượng các sản phẩm từ sen mỗi năm tuy nhiều nhưng giá trị kinh tế lại bấp bênh và chưa được khai thác đúng kỳ vọng. Một du học sinh đã thấy được giá trị của loại hoa này, bằng kiến thức hóa học có được, anh đã tìm ra cách giữ hương, sắc hoa lâu hơn và khởi nghiệp cũng với chính loại hoa này.  

Đọc E-paper

Về nước sau 7 năm du học ngành hóa học tại UPMC (Université Paris 6 - Pierre et Marie Curie), chàng trai quê Đồng Tháp Ngô Chí Công không làm việc theo chuyên môn mà quyết định rẽ sang kinh doanh với một cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh ngọt tại TP.HCM. Sau một thời gian, áp lực từ vốn và thị trường khiến kế hoạch của Công lung lay, anh quyết định tìm hướng khác.

Tìm ra cách ướp sen tươi

Trở về Đồng Tháp, Công mở cơ sở sản xuất gốm Phú Quý với công nghệ in nước hydroat và sơn nhúng hydrographics. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra còn quá mới mẻ, không tìm được thị trường, một lần nữa Công lại thay đổi hướng đi. "Lúc đó tôi nghĩ thật uổng phí nếu không tận dụng kiến thức về ngành hóa được đào tạo bài bản.

Và sau một lần đi du lịch ở Đà Lạt, tôi tận mắt nhìn thấy loại hoa hồng ướp tươi ở đây. Cánh hoa gần như tươi nguyên và có thể giữ được rất lâu. Giá rất cao và bán rất chạy. Tôi nghĩ ngay đến hoa sen ở quê mình", Công chia sẻ.

Công quay lại Đà Lạt và tìm đến nghệ nhân Nguyễn Công Hóa, người tìm ra kỹ thuật ướp hoa tươi để đặt vấn đề nhờ gia công và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Công kể: "Sen ở Đồng Tháp rất nhiều, lại khác biệt so với sen ở các vùng khác vì cánh mỏng, có hương thơm dễ chịu. Khi biết UBND tỉnh Đồng Tháp chọn sen làm biểu tượng của tỉnh, chúng tôi muốn đồng hành với chính quyền để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, mà đã chọn là phải đi đến cùng".

Việc hợp tác với các nghệ nhân ở Đà Lạt tốt đẹp nhưng cái khó là chi phí đầu tư quá lớn và do Đà Lạt ở quá xa Đồng Tháp là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất mất nhiều thời gian khiến lượng hàng bán ra không như mong đợi. Sen hái từ vườn ở Đồng Tháp phải vận chuyển lên Đà Lạt để ướp, sau 27 - 28 ngày mới có thành phẩm chuyển về lại Đồng Tháp để phân phối.

Mà sen vốn "đỏng đảnh", cánh hoa rất dễ rụng và hư vì là loài rụng lá để lấy đài, tỷ lệ hao hụt có khi đến 30 - 40%. Đến lúc này, những kiến thức về hóa học của Công mới tỏ ra hữu dụng. Anh mày mò tìm công thức và kỹ thuật ướp tươi. Thuận lợi lớn là ở gần vùng nguyên liệu Tháp Mười và Cao Lãnh, hoa sen sau khi cắt ngoài đồng sẽ đem ngay về phòng ướp trong 2 giờ đồng hồ, càng tươi xử lý càng đẹp.

Sau 3 tháng, Công đã ướp được những cành sen đầu tiên và tung ra thị trường vào tháng 8/2015. Chi phí bỏ vào dự án này lên đến gần một tỷ đồng. Vừa làm vừa lắng nghe ý kiến khách hàng để cải tiến, tăng dần độ khó trong kỹ thuật xử lý các bộ phận thân, lá, hoa và gương sen.

Sau 15 ngày ướp tươi, sen lại được xử lý để nổi gân trên cánh hoa, mềm như hoa thật, gương sen non phải tạo được màu vàng. Nếu hoa sen bình thường chỉ để được 1 - 2 ngày thì sen ướp tươi thành phẩm có thể giữ được 6 tháng đến 1 năm.

Mang sen Việt đi khắp năm châu

Không muốn bó hẹp trong quy mô cơ sở nhỏ lẻ, Công và các cộng sự thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khởi Minh Thành Công (KMTC), theo cắt nghĩa của anh là "Khởi nghiệp - Quang minh - Thành công". Những sản phẩm đầu tiên của sen ướp tươi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Tuy nhiên, thời gian đầu cũng khá chật vật vì sản phẩm còn lạ lẫm với thị trường và chưa được quảng bá nhiều.

Công và cộng sự phải đa dạng hóa sản phẩm làm từ sen với nón lá sen, tranh 3D sen ướp tươi, viết thư pháp lên sen, trang trí kết hợp với các chậu gốm. Lúc này, việc làm gốm tạm gác lại ngày trước được Công tái khởi động, sen ướp tươi và gốm Phú Quý với công nghệ sơn nhúng hydrographics trở thành hai dòng sản phẩm chính của KMTC.

Vừa trở về từ Campuchia sau Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, Công lại tham gia ngay Diễn đàn doanh nhân Mekong Connect CEO Forum 2016 để tìm cơ hội kết nối. Những sản phẩm từ sen ướp tươi của Công hiện đã được phân phối ở khắp các điểm du lịch tại Đồng Tháp và một cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm được mở trên đường Lê Quang Định (Q. Bình Thạnh, TP.HCM).

Mỗi tháng Công đưa ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm sen ướp tươi và khoảng 500 sản phẩm gốm sơn nhúng với giá bán trên 100.000 đồng/cành sen và từ 200 ngàn đến trên 1 triệu đồng/sản phẩm gốm. Chàng du học sinh này cũng bày tỏ mong muốn "mang sen Việt đi khắp năm châu".

Bước đầu, anh đã mang được hoa sen ướp tươi sang Pháp để trưng bày trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm Việt tại Paris. Công cũng đang chuẩn bị đưa sản phẩm sang Myanmar, Campuchia trong năm 2017.

Mặc dù sản phẩm đã được biết đến khá rộng rãi nhưng Công cho biết lợi nhuận thu được mới chỉ bù đắp được phần nào chi phí ban đầu. Công sẽ ưu tiên cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, hoàn thiện quy trình sản xuất và xây dựng nhà xưởng để có thể đi đường dài.

Với những tín hiệu khả quan ban đầu, chàng trai sinh năm 1989 này có nhiều ấp ủ cho chặng đường phía trước: "Tôi luôn trăn trở tại sao chúng ta có khả năng làm sản phẩm tốt, chất lượng cao, giá thành lý tưởng mà không làm? Hy vọng dự án này sẽ tìm ra một giải pháp nữa để nâng cao giá trị hoa sen gấp nhiều lần, nông dân có thêm nguồn thu nhập để không phải phá sen trồng lúa như nhiều năm nay. Đồng Tháp cũng có nguồn nguyên liệu hoa dồi dào ở Sa Đéc, chúng tôi cũng coi đây là định hướng để đa dạng hóa sản phẩm và nâng giá trị các loại hoa hồng, cát tường...".

>>Những đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chắp cánh cho hương sen bay xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO