Chàng trai Huế với pháp lam

BÍCH HỒNG| 16/12/2010 00:11

Hiện nay Thái Hưng là công ty duy nhất ở Việt Nam nhận được hợp đồng phục chế pháp lam trong các cung điện của nhà Nguyễn. Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty, người đã chuyển tải những hoài niệm về nền văn hóa cố đô thành những sản phẩm tinh xảo bằng pháp lam.

Chàng trai Huế với pháp lam

Hiện nay Thái Hưng là công ty duy nhất ở Việt Nam nhận được hợp đồng phục chế pháp lam (*) trong các cung điện của nhà Nguyễn. Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty, người đã chuyển tải những hoài niệm về nền văn hóa cố đô thành những sản phẩm tinh xảo bằng pháp lam.

Khu trưng bày của Công ty Thái Hưng ở đường Bà Triệu, thành phố Huế lúc nào cũng đông khách nước ngoài. Họ mải mê nhìn ngắm những tranh pháp lam, những chiếc hộp đựng nữ trang hay đĩa có trang trí pháp lam.

Rất nhiều người đã ở lại đây hàng buổi để xem quy trình làm pháp lam và muốn tự tay làm pháp lam trên một sản phẩm mỹ nghệ.

Công ty Thái Hưng đón khá nhiều khách Pháp, là những người có nhiều hoài niệm về Đông Dương, và pháp lam (công nghệ vẽ trên nền men màu) chính là một phát minh vào thế kỷ XV của người Pháp.

Tuy nhiên, không dừng lại ở chuyện hợp tác làm tour cho du khách châu Âu và Nhật Bản, Công ty Thái Hưng đã thành công trong việc đưa công nghệ vẽ trên nền men lam vào hàng loạt sản phẩm nội thất, mang tính trang trí mỹ thuật cao, được khách hàng trong nước ưa thích bởi vẻ lạ mắt, sang trọng kiểu cung đình nhưng vẫn phù hợp với không gian kiến trúc hiện đại.

Hiện nay, Thái Hưng là công ty duy nhất ở Việt Nam nhận được hợp đồng phục chế pháp lam trong các cung điện của nhà Nguyễn, đồng thời sản phẩm của Công ty đã có mặt ở rất nhiều công trình kiến trúc của ngành du lịch cũng như được khách hàng trên thị trường biết đến và sử dụng trong trang trí nội thất.

Pháp lam mang vẻ đẹp của vàng son cung cấm và người khơi dậy vẻ đẹp một thời bị quên lãng ấy cũng như khôi phục lại kỹ thuật làm ra nó là anh Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty Thái Hưng.

Trước khi bước vào thương trường, Đỗ Hữu Triết là một cán bộ nghiên cứu trẻ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, có cơ hội nhìn ngắm hằng ngày các cổ vật.

Số phận run rủi gắn Triết vào những sản phẩm pháp lam trong quá trình tìm kiếm giải pháp phục chế các công trình kiến trúc cổ do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện.

Và nghệ thuật pháp lam đã khiến anh say mê đến mức bỏ công nghiên cứu, thí nghiệm, tìm kiếm những bí mật của công thức tạo nước men cũng như quá trình chế tác pháp lam.

Phải mất bảy năm Triết mới có được sản phẩm đầu tiên được coi là tạm đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật pha màu và giữ màu trên lớp men lót. Đạt được kết quả khả quan, Triết chọn luôn đề tài này làm luận văn thạc sĩ.

Và để chứng minh lựa chọn của mình không viển vông, Triết quyết định bước vào thương trường, cùng một người bạn thành lập Công ty CP Kỹ thuật Sao Khuê với ước vọng làm sống lại nghề sản xuất mỹ nghệ độc đáo của Huế, đưa nó trở lại với đời sống bằng các giải pháp cải tiến và ứng dụng phù hợp.

Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Sao Khuê phải giải tán vì các thành viên sáng lập không thể thống nhất quan điểm kinh doanh.

Không nản chí, Triết thành lập một cơ sở sản xuất của riêng mình, chính là Công ty Thái Hưng bây giờ.

Ngoài sản xuất các tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm mỹ nghệ lưu niệm theo phong cách “Họa pháp lam” và “Kháp ty pháp lam”, Thái Hưng còn là điểm trình diễn kỹ thuật chế tác pháp lam với mục đích phổ biến cho du khách những kiến thức về vẻ đẹp của men màu cũng như kỹ thuật nung kim loại phủ men.

Đến xem cách làm sản phẩm, du khách được nhìn tận mắt toàn bộ quá trình chế tác công phu, tỉ mỉ của từng công đoạn thủ công, cách gắn những sợi tơ đồng mong manh lên phần cốt đồng của một bức tranh, cách phủ các lớp men màu giữa những ô ngăn do sợi đồng tạo ra.

Tùy theo tính năng của sản phẩm, nghệ nhân có thể mạ vàng lên các chi tiết bề mặt để làm tăng thêm sự sang trọng.

Nếu thích, với sự hỗ trợ của những thợ thủ công và nghệ nhân, du khách có thể tự tay vẽ, viết tên hoặc ký họa hình ảnh của chính mình trên nền sản phẩm và đem sản phẩm đã hoàn thành về làm kỷ niệm.

Sản phẩm pháp lam được sản xuất tại Công ty Thái Hưng khá đa dạng về chủng loại, từ những bức tranh khổ vừa và nhỏ, những tấm lát có hoa văn, màu sắc hiện đại để trang trí chân tường hoặc mặt bàn, ghế, giường, tủ...., những chiếc đĩa với gờ nổi trên bề mặt được thực hiện công phu đến các loại bình, mặt nạ tuồng, ấm, chén được phối màu một cách tinh xảo.

Hiện tại, kỹ thuật tạo màu men của Thái Hưng không hạn chế đối với tất cả các loại màu, chứng tỏ công nghệ tạo nước men đã có bước tiến dài, cho phép nghệ nhân tự do hơn trong quá trình thiết kế một sản phẩm hoàn toàn mới.

Triết cho biết, hiện anh đang nghiên cứu những sản phẩm phối hợp kỹ thuật sơn mài với hình họa trang trí theo phong cách “kháp ty pháp lam” mà màu men chủ đạo là xanh lam, một loại nước men đã được sử dụng trên các sản phẩm gốm sứ và là đỉnh cao của nghệ thuật men màu, cho đến nay vẫn là thử thách đối với các cơ sở sản xuất gốm sứ lẫn chế tác pháp lam trong nước.

Từ một công trình nghiên cứu, một công ty đã ra đời. Hiện nay Thái Hưng là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất sản phẩm mỹ nghệ pháp lam kiểu cung đình Huế, đưa vẻ đẹp vàng son một thuở vào đời sống người Việt. 

(*) Pháp lam nên hiểu là "Pháp lam Huế" hay "Đồ đồng tráng men thời Nguyễn"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chàng trai Huế với pháp lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO