Cần hiểu đúng về doanh nghiệp xã hội

PHẠM THỦY| 06/10/2016 09:50

Lợi thế của doanh nghiệp xã hội (DNXH) là có thể tiếp cận nguồn vốn từ những nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ... Dù vậy, hiện nay tỷ lệ người trưởng thành bắt đầu khởi nghiệp, tham gia vào các hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn còn rất thấp.

Cần hiểu đúng về doanh nghiệp xã hội

Lợi thế của doanh nghiệp xã hội (DNXH) là có thể tiếp cận nguồn vốn từ những nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ... Dù vậy, hiện nay tỷ lệ người trưởng thành bắt đầu khởi nghiệp, tham gia vào các hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn còn rất thấp. 

Đọc E-paper

Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 18 triệu người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ và những người yếu thế khác cần sự trợ giúp của xã hội. Đây là đối tượng phục vụ, là sứ mệnh đặc thù của các DNXH.

Với điều kiện thực tế này, Chính phủ cần phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó có DNXH mới có thể hoàn thành mục tiêu dân sinh đề ra. Tuy nhiên, theo báo cáo Chỉ số kinh doanh toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM 2015), năm 2015, Việt Nam có 1,12% người trưởng thành bắt đầu khởi nghiệp và tham gia vào các hoạt động xã hội, trong đó tỷ lệ khởi nghiệp chuyên về DNXH năm 2015 chỉ đạt 0,45%.

Tỷ lệ người trưởng thành đang lãnh đạo, điều hành các hoạt động xã hội ở Việt Nam ở mức 0,65% so với trung bình 3,7% trên thế giới. Điều này cho thấy các hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn chưa phát triển.

Theo PGS-TS. Trương Thị Nam Thắng, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu được đánh giá đúng vai trò, vị trí, DNXH có thể trở thành những đối tác hiệu quả của Chính phủ trong việc hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ giảm áp lực nguồn thu ngân sách. Các DNXH có thể tham gia vào các hoạt động về tư vấn, dạy học, dạy nghề, chăm sóc y tế..., qua đó tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mỗi năm.

Và trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xã hội đã bắt đầu tăng lên, các điển hình thành công cũng bắt đầu được biết, chẳng hạn như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO, DNXH Kymviet, DNXH Thiên Tâm...

Nguồn nhân lực cũng được bổ sung hằng năm từ sinh viên tham gia vào các tổ chức tình nguyện trong nước và quốc tế cùng các du học sinh từ nước ngoài về. Lực lượng trẻ này mang theo kiến thức và kỹ năng tổ chức, điều hành các hoạt động xã hội mới hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về vai trò của DNXH và các hoạt động xã hội còn rất yếu. Thậm chí, ngay cả các cơ quan quản lý cũng chưa ban hành, phổ biến những thông tin pháp luật một cách thấu đáo đến người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, GS-TS. Trương Thị Nam Thắng cho biết: "Việt Nam hiện có hơn 1.000 DNXH nhưng chính các doanh nghiệp này cũng không biết tổ chức doanh nghiệp của mình là DNXH. Kể từ năm 2014, khi Luật Doanh nghiệp ra đời, đến nay mới có khoảng 10 DNXH đăng ký theo luật này".

Ở Việt Nam, hơn 3/4 các hoạt động xã hội có sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thực hiện các mục tiêu xã hội. Riêng các DNXH khởi nghiệp vẫn đang lúng túng giữa việc lựa chọn mục tiêu xã hội và mục tiêu tài chính.

Bà Thiên Trà cho biết, Thuận Thiên Tâm - một DNXH sử dụng lao động là những người khiếm thính, sản xuất khẩu trang có mùi quế, giảm stress, tốt cho hệ hô hấp và bán với giá 100 ngàn đồng/cái, trong khi có thể bán với giá 200 - 300 ngàn/cái. Tuy nhiên, vì là DNXH nên họ quyết định bán giá ưu đãi cho người tiêu dùng.

Vấn đề cốt lõi, theo PGS-TS. Trương Nam Thắng, DNXH phải xác định mục tiêu xã hội và kiên trì theo đuổi mục tiêu này, đồng thời kết nối với Chính phủ để tìm cơ hội phát triển doanh nghiệp trong mục tiêu chung của Nhà nước.

>Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tiếp nhận vốn đầu tư

>Doanh nghiệp xã hội chính thức "vào" luật

>Doanh nghiệp xã hội Việt Nam chập chững bước đi

>Tính pháp lý cho doanh nghiệp xã hội 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần hiểu đúng về doanh nghiệp xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO