Biến giấy thải thành gạch không nung

LẠC LÂM| 15/01/2015 04:33

Dự án này đã giành giải Bền vững Cuộc thi Holcim Prize 2014 và giải khuyến khích Giải thưởng Loa thành 2014.

Biến giấy thải thành gạch không nung

"Nghiên cứu chế tạo gạch không nung nhẹ bê tông gia cường từ sợi giấy phế thải" là dự án của tác giả Nguyễn Cao Hoàng Sang (Đại học Kiến trúc TP.HCM).

Đọc E-paper

Với dự án này, Hoàng Sang đã thử nghiệm thành công loại gạch không nung, có khả năng đáp ứng mọi tiêu chí trong xây dựng, có tính cạnh tranh cao và có thể thay thế các loại gạch thông thường. Dự án này đã giành giải Bền vững Cuộc thi Holcim Prize 2014 và giải khuyến khích Giải thưởng Loa thành 2014.

Sử dụng gạch không nung trong xây dựng là xu hướng đang dần phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề này đã được định hướng cụ thể. Theo quy hoạch của Chính phủ và Bộ Xây dựng, đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch nung đất sét.

Các công trình xây dựng có vốn ngân sách nhà nước hiện nay cũng phải dùng 30% gạch không nung để xây dựng. Những quy định này cho thấy tác dụng và nhu cầu của loại gạch không nung và đó cũng là lý do để Hoàng Sang tìm hiểu và chế tạo gạch không nung từ vật liệu giấy phế thải.

Theo tác giả, gạch không nung làm từ giấy phế thải có ưu điểm là sản xuất đơn giản, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp. Gạch không nung lại rất thân thiện với môi trường, giảm ô nhiễm từ giấy phế thải, lại đảm bảo các yếu tố về chịu nhiệt, chịu lực, cách âm... Chính vì vậy, ở nhiều nước tiên tiến, việc sử dụng gạch không nung và đưa hỗn hợp giấy vào sản xuất loại gạch này rất phổ biến.

Để làm gạch, Sang thu gom giấy phế thải đem xay nhỏ, sau đó trộn với cát và xi măng thành hỗn hợp bê tông để đúc gạch. Để gạch vẫn cứng mà không cần nung, viên gạch phải đảm bảo hai yếu tố là chất kết dính gồm xi măng và nước, cốt liệu là bột giấy và cát.

Tùy vào mục đích sử dụng mà có thể thay đổi tỷ lệ nguyên liệu để cho sản phẩm như mong muốn. Khó nhất là việc xác định được cường độ chịu lực của gạch để biết gạch có đạt chuẩn hay không.

Sau khi thử nghiệm, loại gạch không nung của Sang có thể chịu được 35kg lực (loại gạch xây vách ngăn, thay cho gạch nung 4 lỗ), và có loại chịu được đến 75kg (dùng để xây tường, thay cho loại gạch thẻ 2 lỗ). Cả hai loại gạch này sau đó được ngâm nước trong một tuần để kiểm tra độ bền. Kết quả cho thấy gạch không bị tróc, đảm bảo độ cứng, không bị cháy ngầm và bắt lửa, đảm bảo yếu tố chịu nhiệt.

Loại gạch không nung do Sang chế tạo có ưu điểm về giá và trọng lượng so với các loại gạch khác. Hiện nay trên thị trường, giá gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông khí chưng áp có giá khoảng 12.000 đồng/viên, gạch không nung của Sang theo tính toán chỉ 6.000 đồng/viên, lại nhẹ hơn hẳn, giúp thi công dễ dàng và giảm được chi phí nền móng.

Theo đánh giá của các giám khảo các cuộc thi Holcim Prize 2014 và Loa thành 2014, ưu điểm khác trong dự án của Sang là khi đưa vào sản xuất gạch không nung từ giấy phế liệu sẽ giúp tận dụng mùn thải ở các nhà máy giấy để sơ chế rồi ép thành giấy cuộn, dùng làm nguyên liệu để sản xuất gạch, giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Điều Hoàng Sang còn trăn trở trong dự án của mình là cần thêm thời gian nghiên cứu để đưa thêm chất phụ gia vào nguyên liệu nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

>Kimo đến "vì ước mơ con"
>Cầu nối khởi nghiệp
>Khởi nghiệp: Phải biết quản lý quyết tâm
>Giải pháp mới trong xây dựng nhà ở xã hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biến giấy thải thành gạch không nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO