Bán sách Việt ở Mỹ không khó

Ý Nhi| 16/05/2021 09:00

Chạm được nhu cầu đọc sách tiếng Việt của người Việt ở Mỹ, Nguyễn Phạm Hồng Phước (Austin Nguyễn - Phước Nguyễn) đã có bước đầu khởi nghiệp thành công khi nhập sách từ Việt Nam sang và bán khắp các tiểu bang của xứ cờ hoa, đã có doanh thu mang về trên 100.000 USD/năm.

phuoc-nguyen-9581-1620807298.jpg

Bí quyết của... Sách Việt

11 giờ đêm, tin nhắn thông báo đơn hàng vừa đến. 5 phút sau, Phước Nguyễn đã có mặt ở bưu điện gần nhà. Đơn hàng giao xong, thêm một cuốn sách tiếng Việt nữa đã được chuyển đến cho bạn đọc trên đất Mỹ. 

Dù chỉ mới thành lập nhưng Công ty Sách Việt của Phước đã có những khách sỉ với số lượng đơn hàng lên đến vài trăm cuốn mỗi lần. "Xuất phát từ nhu cầu đọc sách tiếng Việt của bạn bè xa xứ, ban đầu tôi chỉ mua cho mình và mua dùm bạn bè tầm 5-10 cuốn từ Việt Nam ship sang Mỹ. Ấy vậy mà chỉ tầm hai năm sau, một chuyến ship sách của tôi đã chạm mốc cân nặng gần 2 tấn và doanh thu mang về cho Công ty Sách Việt đã đạt trên 100.000 USD Mỹ/năm", Phước kể.

Nếu hỏi điều gì làm cho công ty của Phước phát triển một cách nhanh chóng như vậy, trong khi anh chỉ là startup, cũng không phải là một người làm việc toàn thời gian cho sách, thì "bí quyết" nằm ở chất lượng cung ứng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. 

So với nhiều trang mạng bán sách hiện tại, giá sách tại Sách Việt không cao, khoảng tầm 12-20 USD Mỹ/cuốn. Bên cạnh đó, thời gian chờ đợi gần như là tối thiểu. Một đơn hàng chỉ mất tầm 2-3 ngày để đến được tay người đọc. Đó là chưa kể hầu hết mọi cuốn sách đều được bọc bìa cẩn thận. Và Sách Việt có chương trình giảm giá, quà tặng dành riêng cho khách hàng. 

Chỉ cần đặt lịch hẹn trước, người đọc có thể đến ngay trụ sở Sách Việt, cũng là nhà riêng của Phước, để xem sách. Và không cần phải đặt cọc trước nếu chẳng may họ muốn đổi ý không lấy cuốn đó nữa. Đơn hàng đến, ngay lập tức sách sẽ được chuyển đi, nếu đó không phải là những cuốn order từ Việt Nam gửi sang. 

Ngoài những cuốn sách được đặt mới riêng theo từng đơn, theo từng nhu cầu, Sách Việt có sẵn một danh mục hiện có để người đọc có thể nhận ngay và luôn, trên toàn nước Mỹ. Tính ra ở Mỹ, số người cung cấp dịch vụ Sách Việt không nhiều. Và ở quy mô đầu sách đa dạng như của Phước cũng là hiếm thấy. 

Thất bại và bài học 

Sinh ra trong gia đình không khá giả nhưng được học bổng của Trường SaigonTech, Phước qua Mỹ du học ngành công nghệ thông tin và phải làm rất nhiều việc để kiếm sống và đi học. Phước từng làm ở cây xăng, bán bánh mì Subway, làm ở phòng lab vi tính của trường, làm IT cho một số công ty, đi kéo dây cáp Internet, đi quay dựng phim... "Nhiều lúc gọi điện sang Mỹ, thấy con ngái ngủ xin mẹ cho con chợp mắt thêm chút nữa, thấy thương con. Chẳng là Phước chọn bán hàng ở cây xăng vào ca đêm và chỉ có thể ngủ trong vòng ba tiếng, sau đó là đến giờ vào lớp", mẹ Phước kể.  

Năm 2016, Phước thường quay và dựng những clip hành động cho diễn viên Peter Phạm. Sau đó, Phước cũng đi quay một số clip mảng YouTube cho Phạm Đình Quốc Vương - cũng là người khởi nghiệp triệu đô trên đất Mỹ. 

Ít ai ngờ những sự tiếp xúc thuần công việc này lại mở ra cho chàng IT ý tưởng làm chủ, thay vì chỉ định làm công với công việc ổn định ở công ty nào đó - như suy nghĩ của anh trước đó.  Một trong những người có sức ảnh hưởng đến Phước là anh Huân Phạm.

Trong một lần đi quay clip cho Vương, Phước gặp anh Huân Phạm. Phong thái ông chủ và quy trình chuyên nghiệp của tiệm nail này là một trong những điều gây ấn tượng mạnh với Phước. Có thể nói hiếm có tiệm nail nào xây dựng hệ thống lọc bụi ngay từ bàn làm nail ra đến bên ngoài tiệm. Không chỉ thế, cách anh này quản lý nhân viên, marketing cho cửa hàng cũng là điều làm Phước phục. Ai thắc mắc điều gì, Huân chia sẻ ngay. Tư duy phóng khoáng, cởi mở của một "ông chủ lớn" làm Phước ngưỡng mộ.

Từ thế giới của những tiệm nail, Phước nhận ra không phải ngẫu nhiên mà họ thành công. Những cửa hàng nào đông khách, tất nhiên họ đều sở hữu những bí mật kinh doanh riêng. Ngay cả từ người bạn làm cùng là Vương - giờ đã là ông chủ trẻ nổi tiếng, anh cũng đã học được rất nhiều bài học. Một trong những bài học cơ bản nhất, đó là hãy vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Và với việc cho phép mình chấp nhận rủi ro, kiểm soát rủi ro, Phước đã là mạnh dạn ra làm chủ. 

Một lần đi quay dựng phim tại tòa nhà Trump Tower về một buổi hội thảo dành cho những người khởi nghiệp. Một tinh thần dám nghĩ dám làm của những ông chủ trẻ, bà chủ trẻ đã làm Phước hoàn toàn thay đổi. Bất cứ ý tưởng nào giúp xã hội giải quyết được một nhu cầu và đều là những ý tưởng có thể hái ra tiền và Phước bắt đầu khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng sửa máy tính.

Tuy nhiên, cửa hàng vi tính lúc đó chỉ  lèo tèo vài khách, ngoài việc không biết quảng cáo, thiếu tiền, không biết vận hành business, chọn sai niché và sai thời điểm, vì lúc đó giá thành máy tính đã rẻ, hư người ta có thể mua đồ mới, không cần sửa. Và bài học đầu tiên Phước rút ra là phải tìm hiểu thị trường chứ không phải cứ làm điều mình thích. Dù vậy, những công việc này giúp Phuớc tích lũy kinh nghiệm khi chuyển hướng sang quay dựng phim. 

Truong-mau-giao-co-day-tieng-V-7913-9065

Niềm vui hơn cả tiền 

Khi thành lập Công ty Sách Việt, Phước tâm sự: "Những lần đến tham quan các trường tiểu học dạy tiếng Việt, những lần gửi sách cho những địa chỉ đôi khi là một trại tạm giam, những lần gặp gỡ tác giả trẻ ngay trên đất Mỹ, tôi nhận ra người Việt mình giỏi lắm và họ vẫn có thói quen đọc sách mỗi ngày. Rồi một lần nọ, nhận được đơn hàng giao sách đến địa chỉ là một trại tạm giam ở bang Georgia, tôi thực sự xúc động. Hóa ra công việc thầm lặng của mình cũng góp phần đem đến niềm vui, khỏa lấp sự trống trải và xóa nhòa biên giới đọc cho một người nào đó. Hóa ra, nhu cầu đọc sách Việt của người Việt xa xứ là rất nhiều. Và đó chính là món quà tinh thần và động lực để tôi mạnh dạn chọn Sách Việt khởi nghiệp".  

Song có lẽ niềm  vui lớn nhất hơn cả tiền là từ khi có Sách Việt, người Việt xa xứ không cần phải chờ đợi một thời gian quá lâu để được cầm trên tay cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Mặt khác, chi phí của Phước cũng khá dễ chịu. Trong khi một ký hàng gửi qua đường máy bay đã tốn tầm 50 USD Mỹ thì giá một cuốn sách tại Sách Việt trung bình chỉ tầm 12-20 USD Mỹ, tùy độ dày mỏng, nặng nhẹ của quyển sách. 

Khách hàng không cần đặt cọc trước. Thậm chí, họ có thể đổi ý. Vì nhu cầu đọc sách Việt ở Mỹ đang là khá nhiều. Khách đặt sách trên website sẽ được ship ngay trong ngày. Khách đặt sách từ Việt Nam có thể đổi ý khi sách đến Mỹ - lúc nào cũng có một bạn đọc khác với nhu cầu tương tự, không giúp được người này nhưng giúp được người khác có sách.

Để Sách Việt thành công, Phước nói quan trọng nhất là tối ưu hóa quy trình và chăm sóc khách hàng thật tốt. Ngay từ việc đặt trụ sở công ty ở đâu cũng phải tính toán nghiêm túc như khi chọn đặt trụ sở công ty, tôi tính sẽ là phải ở cạnh bưu điện. Như vậy sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian cho hành trình từ Sách Việt đến bạn đọc.

Không ít bạn trẻ thường ngại thất bại, nhưng Phước thì không. "Bạn hãy dành cho mình 20-30% thu nhập để thử sức mình với một ý tưởng kinh doanh nào đó. Chẳng ai thành công ngay từ đầu. Khởi nghiệp là một quá trình hoàn thiện dần và tôi học hỏi mỗi ngày từ chính đơn hàng của mình. Đôi khi rắc rối lại là điểm khởi đầu cho một giải pháp hữu hiệu", Phước chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán sách Việt ở Mỹ không khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO