6 sự thật bất ngờ về các startup kỳ lân

khởi vũ| 24/01/2019 07:00

Không cần kinh nghiệm, không cần là người đầu tiên xuất hiện trên thị trường hay không cần phải tham gia các chương trình tăng tốc khởi nghiệp để thành công... 6 sự thật dưới đây về các startup kỳ lân sẽ khiến bạn bất ngờ.

6 sự thật bất ngờ về các startup kỳ lân

Từng là một founder trước khi trở thành nhà đầu tư mạo hiểm tại quỹ Data Collective VC, Ali Tamaseb đã dành hơn 15 tháng thu thập dữ liệu từ những startup kỳ lân - các công ty khởi nghiệp đạt mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Khai thác từ lịch sử, tình hình tài chính, thông tin nhà sáng lập, cho tới lợi thế cạnh tranh, Tamaseb mong muốn vẽ nên bức tranh toàn diện nhất về các startup tỷ đô lúc mới vừa thành lập.

Dữ liệu được Tamaseb thu thập dựa trên 65 yếu tố then chốt, với đối tượng nghiên cứu là tất cả 195 startup tại Hoa Kỳ đã công khai mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên kể từ năm 2005. Trong đó, gần 60% startup được sáng lập bởi các doanh nhân đã từng nhiều lần khởi nghiệp thành công.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 70% nhà sáng lập của các startup kỳ lân là những người đã từng rút khỏi ít nhất một dự án khởi nghiệp trước đó với hơn 50 triệu USD trong tay. Dưới đây là 6 sự thật bất ngờ về các startup kỳ lân từ nghiên cứu của Tamaseb, đã được đăng trên tạp chí Inc.

1. Sở hữu kinh nghiệm trong ngành là không cần thiết

Trái ngược với quan niệm chung, Tamaseb phát hiện, hầu hết nhà sáng lập của startup kỳ lân đều không sở hữu kinh nghiệm thực tế trong ngành hay lĩnh vực kinh doanh mà họ mong muốn tạo ra giải pháp đột phá. Trường hợp cá biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, nơi 80% nhà sáng lập từng trực tiếp làm việc trong thị trường mục tiêu.

2. Các CEO là “dân kỹ thuật” chưa hẳn đã thành công hơn

Nghiên cứu cũng mang đến câu trả lời cho một vấn đề thường được đưa ra bàn luận rộng rãi: Khi sáng lập một startup tỷ đô, CEO xuất thân từ “dân kỹ thuật” có dễ thành công hơn các CEO khác hay không? Dữ liệu cho thấy kết quả 50 - 50. Nhiều người tin rằng, startup hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật (công nghệ sinh học, dịch vụ phần mềm, ứng dụng di động…) nên được dẫn dắt bởi một người thực sự biết cách làm ra sản phẩm, song kết quả nghiên cứu này cho thấy, các CEO khác hoàn toàn đủ sức thành công. 

Link bài viết

3. Startup không nhất thiết phải biết sử dụng vốn hiệu quả

Sử dụng vốn hiệu quả ám chỉ số tiền mà một công ty khởi nghiệp cần chi tiêu để có thể sống sót và duy trì hoạt động, và được đặt bên cạnh nguồn tiền kiếm được. Một startup được nhận định là “sử dụng vốn hiệu quả” khi chi tiêu rất ít, nhưng lại kiếm được rất nhiều tiền.

Dù các nhà đầu tư mạo hiểm thường ưu ái rót tiền vào những công ty khởi nghiệp biết sử dụng vốn hiệu quả, có chưa tới 45% startup kỳ lân trong nghiên cứu của Tamaseb đáp ứng tiêu chí này. Số còn lại đều cần một lượng đầu tư khổng lồ để mở rộng quy mô; đồng nghĩa, một startup kỳ lân không nhất thiết phải biết sử dụng vốn hiệu quả mới có thể chạm đến mức định giá 1 tỷ USD.

4. Sao chép (thường) không dẫn đến kết quả tốt

Theo nghiên cứu, hơn 60% startup kỳ lân sở hữu sự khác biệt lớn trong sản phẩm so với những gì đã có trên thị trường. Tamaseb nhận thấy, những trường hợp cạnh tranh gặp phải thất bại thảm hại đều xuất phát từ việc bê y nguyên những gì người khác đang làm thành của mình, nhất là khi startup bị sao chép sở hữu nguồn vốn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có vài trường hợp cá biệt như một số startup kỳ lân được thành lập tại Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và một số nơi khác trong vòng 10 năm qua. Ngoài ra, các phiên bản sao chép của eBay, Amazon, Tinder, và Facebook cũng đứng ngoài danh sách những kẻ thất bại.

5. Startup không cần là người đầu tiên xuất hiện trên thị trường

Đáng chú ý, chỉ 30% startup kỳ lân thuộc nghiên cứu là các công ty đầu tiên trong lĩnh vực nào đó xuất hiện trên thị trường. Trên thực tế, gần 40% startup thâm nhập thị trường với ít nhất từ 5 đối thủ cạnh tranh trở lên. Trái với quan niệm thông thường, thị trường tốt nhất dành cho các startup tỷ đô đã tồn tại những công ty lớn; và startup thành công ở chỗ biết khai thác những điểm yếu kém từ các công ty này.

Thêm vào đó, việc chọn thời điểm luôn là yếu tố then chốt khi ra mắt startup. Quá sớm, thị trường sẽ không cắn câu; quá trễ thì hầu hết khách hàng đã sử dụng sản phẩm của người khác.

6. Startup không cần phải tham gia chương trình tăng tốc để thành công

Ở thời điểm hiện tại, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp dường như đang là xu hướng trên toàn cầu. Tính đến năm 2018, đã có hơn 1.500 chương trình tăng tốc khởi nghiệp hỗ trợ startup. Dù vậy, theo nghiên cứu, phần lớn các startup tại Mỹ đều không tham gia vào bất kỳ một chương trình tăng tốc khởi nghiệp nào. Đây là một phát hiện đáng chú ý, trong bối cảnh các kỳ lân như Airbnb, Dropbox, Quora, Stripe, hay Twilio đều xuất thân từ các chương trình tăng tốc.

Dù vậy, câu trả lời có thể đến từ việc 70% nhà sáng lập của các startup kỳ lân đều là những người từng thành công trước đó. Có thể, những founder đã thành công thoái vốn khỏi một dự án không còn cần đến mạng lưới quan hệ, kiến thức hay sự đào tạo mà các chương trình tăng tốc khởi nghiệp mang lại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 sự thật bất ngờ về các startup kỳ lân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO