Trong một báo cáo mới đây, James Bessen, nhà kinh tế học người Mỹ, giảng dạy tại Boston University School of Law, đã nhận thấy rằng, các doanh nghiệp dẫn đầu, có năng suất lao động và doanh thu vượt trội so với đối thủ, thường có một lợi thế vượt trội trong công nghệ thông tin - những điều đến từ một tư duy đề cao những tài sản vô hình trong doanh nghiệp của người điều hành.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư kinh tế Jonathan Haskel (hiện giảng dạy tại Imperial College Business School) cũng cho rằng đầu tư vào tài sản hữu hình (máy móc, nhà máy, thiết bị...) ngày nay sẽ mang về giá trị thấp hơn cho doanh nghiệp so với đầu tư vào những tài sản vô hình (phần mềm, dữ liệu, đào tạo nhân viên, quản lý...).
Bởi không chỉ có giá trị thặng dư lớn hơn, mà các tài sản vô hình thường có xu hướng bổ sung cho nhau. Ví dụ một doanh nghiệp với nền tảng công nghệ thông tin tốt thường đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng quản lý tốt đi kèm. Không chỉ để có thể vận hành hệ thống, mà còn để hoàn thiện nó.
Song song với đó, khi doanh nghiệp có một nền tảng công nghệ thông tin tốt, các CEO sẽ không tốn quá nhiều thời gian để quản lý đội ngũ của mình, qua đó tập trung hơn vào việc dẫn dắt và lãnh đạo đội ngũ họ thực hiện những mục tiêu trong công việc.
"McDonalds thành công không phải vì họ làm ra chiếc bánh hamburger ngon nhất. Tôi tin là vợ tôi có thể nướng một chiếc bánh hamburger ngon hơn họ. Nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh với McDonalds, vì chúng tôi không thể tạo ra quy trình nướng bánh nhanh, chính xác và hoàn hảo như họ. Chúng tôi cũng không thể vận hành một hệ thống cửa hàng với hàng ngàn nhân viên như vậy. Tất cả phải nhờ công nghệ hỗ trợ. Và khi bạn là một người điều hành hiệu quả, bạn sẽ là người chiếm lĩnh thị trường" - James Bessen kết luận.