Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bình ổn thị trường

Hồng Nga| 30/06/2022 06:00

Xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN tham gia bình ổn thị trường đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Nhà sản xuất, phân phối cùng khó

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, các DN trong ngành lương thực, thực phẩm đang phải ứng phó khó khăn với "bão giá” khi đầu vào nguyên liệu tăng mạnh. Tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%, trong khi giá xăng dầu trong mức tăng cao kỷ lục.

"Hiện nay, các DN sản xuất ngành lương thực, thực phẩm đang rất khát vốn. Trước đây, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng, DN có thể dự trữ được nguồn nguyên vật liệu, nhưng nay chi phí tăng quá cao, để dự trữ được nguồn nguyên liệu như vậy, DN cần số tiền lên đến 150 tỷ đồng và  không biết xoay sở ra sao. Đã vậy, do dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều DN ở Mỹ, châu Âu, cả những thị trường khó tính đặt rất nhiều hàng thực phẩm từ bún, miến, mì ăn liền... nhưng DN không dám nhận đơn hàng. Vì nhận thì đơn giá xuất khẩu không tăng nhưng chi phí đầu vào biến động quá nhanh, thiếu vốn để mua dự trữ nguyên liệu", bà Lý Kim Chi nêu thực trạng khó khăn.

-7474-1656044923.jpg

Theo các DN, chi phí đầu vào (hộp nhựa, bao bì, lương công nhân, xăng dầu...) đồng loạt tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy nhưng, giá bán trứng trong chương trình bình ổn thị trường thấp hơn giá thành của DN và thấp hơn giá bán sản phẩm cùng loại ở thị trường bên ngoài khoảng 12-15%. Để giảm lỗ và tiếp tục cầm cự, các DN bình ổn thị trường đã đề xuất và cũng đã được thành phố cho điều chỉnh tăng giá bán lên mức 31.500 đồng/chục trứng gà và 37.000 đồng/chục trứng vịt. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn chênh lệch rất nhiều so với giá bên ngoài thị trường và vẫn gây không ít khó khăn cho DN trong việc tìm nguồn cung.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận, các DN TP.HCM đang đứng trước sức ép rất lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí đầu vào gia tăng và lạm phát ở các khu vực. Giá dầu và biến động về nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất tác động lớn đến mọi mặt sản xuất. Và không phải đến thời điểm này mà ngay từ năm 2021, các DN bình ổn thị trường thành phố đã chịu áp lực lớn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh làm chuỗi cung ứng đứt gãy. Dịch bệnh làm bộc lộ những vấn đề trong hợp tác thương mại, kết nối vùng nguyên liệu - thị trường tiêu thụ giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.

Nhưng không chỉ có nhà sản xuất, các DN phân phối cũng gặp khó khăn. Giám đốc truyền thông một tập đoàn bán lẻ nước ngoài có 3 chuỗi kinh doanh lớn tại Việt Nam cho biết, nguyên liệu đầu vào tăng, nhà sản xuất điều chỉnh giá bán nên chúng tôi phải tìm mọi cách thương lượng để có giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Trong điều kiện sức mua thấp như hiện nay, phải tìm các nhà cung cấp đáp ứng được điều kiện thuận lợi cho cả nhà phân phối và người tiêu dùng là rất khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, tham gia chương trình bình ổn thị trường, Saigon Co.op không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà đồng hành với thành phố để chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng. Thế nhưng năm 2022, những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước khiến việc bình ổn giá trở nên thách thức hơn, buộc DN phải thay đổi cách làm. Saigon Co.op phải tập trung nguồn lực để thực hiện việc kết nối cung - cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, giảm bớt các khâu phân phối trung gian để giảm giá thành...

"Chúng tôi nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất tìm giải pháp cân đối để giá điều chỉnh ở mức thấp nhất nhằm duy trì sản xuất và kinh doanh. Bản thân Saigon Co.op cũng đang triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm tối đa chi phí, mục đích là giữ giá bán hàng hóa hoặc không tăng quá cao vì càng tăng nhiều thì thiệt hại về doanh thu càng lớn", ông Nguyễn Anh Đức nói.

Khó giữ giá

DN bình ổn giá lại khó giữ giá, đó là thế khó của các DN hiện nay. Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, giá trứng bình ổn thị trường của công ty thấp hơn giá thành của DN và chênh lệch khoảng 12-15% so với giá bán trên thị trường. Khi có sự chênh lệch lớn như vậy nên số lượng bán trong kênh bình ổn tăng khá nhiều. Và để đáp ứng nhu cầu tăng này, công ty phải thu mua thêm từ bên ngoài với giá cao và đó là những khoảng mà công ty gồng gánh lỗ.

-6840-1656044923.jpg

Trong khi đó, sau hơn một năm không tăng giá bán bình ổn, Công ty Vissan buộc phải điều chỉnh tăng từ 5-15% giá thực phẩm chế biến do chi phí tăng cao. Công ty chỉ có thể chia sẻ với người tiêu dùng bằng cách giữ nguyên giá thực phẩm tươi sống, thấp hơn giá thị trường 12%. Lợi nhuận giảm và mảng kinh doanh thực phẩm tươi sống gặp khó khăn nhưng Vissan vẫn cầm cự, theo dõi diễn biến thị trường. Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong điều kiện này, công ty không tăng giá sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và thu nhập người lao động và như vậy sẽ khó khăn trong việc giữ chân người lao động.

Theo lãnh đạo Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, hiện nay các DN tham gia chương trình bình ổn đang ở thế rất khó. Nếu đầu tháng 4/2022, khi đặt vấn đề tăng giá bán, nhiều DN tỏ ra ngần ngại thì nay với áp lực chi phí ngày càng tăng không ít DN thẳng thắn đặt vấn đề điều chỉnh giá. Tuy nhiên, với nhiệm vụ điều tiết thị trường, các DN phải tính toán rất cẩn thận.

Bà Lý Kim Chi cho biết, chi phí đầu vào tăng cao nhưng nếu các DN áp vào giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát... Trong khi đó, ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng không bù đắp hết được và DN đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn như hiện nay, chắc chắn các DN sẽ đề nghị xin phép được tăng giá để điều chỉnh từ 5-10% chứ không theo mặt bằng giá mới. 

Chia sẻ về những khó khăn của các DN bình ổn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận, hiện nay sự chênh lệch giữa giá bán bình ổn và giá bán bên ngoài đã cao hơn mức quy định. Các DN tham gia chương trình bình ổn phải rất khó khăn mới đề xuất tăng giá. Bởi lẽ hiện tại sức mua của người dân và DN chưa phục hồi mạnh mẽ được như trước dịch, do đó việc tăng giá sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bình ổn thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO