Vì đâu liên tục bán ròng?
Chỉ số VN-Index so với thời điểm đầu năm vẫn tăng gần 15% và đã vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm từ đầu tháng 4, trong khi chỉ số HNX Index tăng gần 50%, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để chấm dứt chuỗi bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 23.000 tỷ đồng, trong đó vẫn tập trung chủ yếu ở sàn HoSE.
Giá trị bán ròng đạt cao nhất vào tháng 3 với gần 11.400 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng lượng bán ròng kể trên. Trong hơn nửa đầu tháng 5 này, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.600 tỷ đồng, đang hướng đến tháng có lượng bán ròng cao thứ hai hoặc thậm chí có thể vượt qua mức bán ròng của tháng 3, trong đó riêng sàn HoSE đã bán ròng hơn 8.400 tỷ đồng và vẫn tập trung vào các mã vốn hóa lớn trong nhóm VN30.
Có nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho việc bán ròng không dứt của khối ngoại trong hơn một năm qua. Trong năm 2020 là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dù Việt Nam thuộc nhóm quốc gia chống dịch tốt nhất, nhưng trước nỗi lo ngại về khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra đã thúc đẩy dòng vốn chạy về các nền kinh tế mạnh nhất và các tài sản an toàn. Sự “lên ngôi” của nhóm cổ phiếu công nghệ cũng đã hút dòng tiền khắp nơi đổ về, mà những doanh nghiệp công nghệ mạnh nhất và lớn nhất đều đang niêm yết trên thị trường Mỹ.
Còn trong những tháng đầu năm nay, đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế đã tác động xấu đến các thị trường đang phát triển và mới nổi, khi có thể đẩy khối nợ ở những quốc gia này phình to hơn và đứng trước thách thức đồng bản tệ bị suy yếu, do đó càng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ra và chạy về các nền kinh tế phát triển.
Trong khi những nền kinh tế này vẫn đối mặt với rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại, thì một số quốc gia phát triển như Mỹ đã bắt đầu tiêm chủng vaccine trên diện rộng, tạo điều kiện mở cửa lại nền kinh tế và thúc đẩy kinh tế phục hồi sớm hơn và nhanh hơn trong năm nay, do đó dòng vốn quốc tế càng có lý do để lựa chọn những thị trường này.
Khi nào sẽ mua ròng trở lại?
Một khía cạnh đáng chú ý là tuy các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhưng chủ yếu là các quỹ chủ động khi đã trải qua 8 tháng liên tiếp rút ròng vốn, còn ở chiều ngược, lại dòng vốn từ các quỹ ETF tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến. Thống kê cho thấy trong tháng 4/2021, dòng vốn ETF đạt giá trị kỷ lục, với lượng vốn vào tăng ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng, ở 10 quỹ ETF chính đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Theo đó, Quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng 4/2021 đã có 7.800 tỷ đồng, lớn nhất trong các quỹ. Với tổng tài sản 8.200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, Quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO. Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên các chuyên gia nhận định, xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì không chỉ ở quỹ Fubon và cả các ETF khác. Nếu tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã tăng ròng dòng vốn vào TTCK Việt Nam, với tổng cộng 13.200 tỷ đồng.
Với triển vọng TTCK Việt Nam có thể được FTSE xét nâng hạng vào tháng 9 tới, giới phân tích kỳ vọng dòng vốn ngoại có thể đảo chiều và sớm quay trở lại, có thể là từ nửa cuối năm nay.
Với triển vọng TTCK Việt Nam có thể được FTSE xét nâng hạng vào tháng 9 tới, giới phân tích kỳ vọng dòng vốn ngoại có thể đảo chiều và sớm quay trở lại, có thể là từ nửa cuối năm nay. Hiện Việt Nam đã có ba năm trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE kể từ khi lần đầu tham gia vào tháng 9/2018. Cập nhật đến tháng 9/2020, TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng theo bộ tiêu chí FTSE Russel.
Còn trong Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế diễn ra vào giữa tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường, dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ thời gian tới là nền tảng để giữ chân dòng vốn dài hạn vào Việt Nam, trên cơ sở xuất siêu tiếp tục tăng và tiêu dùng phục hồi, cũng như chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong khi đó, theo ông Michael Kokalari - Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, việc Mỹ gỡ nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam trong báo cáo mới đây là điều tích cực đối với các nhà đầu tư vào TTCK Việt Nam. Cụ thể với tỷ giá hối đoái ổn định giúp thu hút các dòng vốn nước ngoài cũng như đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư. Tuy nguồn vốn nước ngoài dồi dào cũng gây áp lực giảm lãi suất và phần bù rủi ro, nhưng điều này lại có lợi cho các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Sự ổn định của tỷ giá cũng tự nó làm giảm phần bù rủi ro mà các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu đối với cổ phiếu Việt Nam.
Cuối cùng, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét tăng thuế vào tầng lớp giàu nhất ở nước này, với thuế suất tối đa thuế thu nhập cá nhân tăng từ 37% hiện nay lên 39,6%, thuế tài sản gia tăng đối với những người thu nhập từ trên 1 triệu USD trở lên sẽ tăng gần gấp đôi, lên 39,6%, cao nhất kể từ thập niên 1920, để có ngân sách triển khai các gói hỗ trợ kinh tế sắp tới, cũng có thể kích thích dòng vốn đầu tư rút khỏi Mỹ và chạy sang các thị trường khác.