Khi được tôn trọng và lắng nghe, họ sẽ chia sẻ nhiều hơn

DNSG| 11/03/2023 08:00

Tôi tin là một cuốn sách hoặc chỉ một dòng trong cuốn sách cũng có thể lay động chúng ta. Nó không thay đổi cuộc sống chúng ta trong một đêm nhưng thay đổi niềm tin, định hướng, sự quyết tâm và thay đổi hoàn toàn cách mình chuyển động. Đó là sức mạnh của sách”, anh Trần Tiến Công - CEO Học viện đào tạo Coach Việt Nam (VCI), tác giả của cuốn sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp” đã chia sẻ như vậy trong chương trình “Cuốn sách cuộc đời”. Chương trình do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM VOH và Công ty CP Tập đoàn Hành Trình Kim Cương thực hiện, nhằm lan toả mạnh mẽ văn hóa đọc và viết sách trong cộng đồng.

* Coaching là việc như thế nào ạ? 

- Coaching là việc giúp một người thiết lập ra những mục tiêu trong cuộc đời, cũng như những điều mà họ muốn tạo dựng trong cuộc sống của họ, họ muốn sống cuộc sống ra sao và điều gì là quan trọng đối với họ? Điều quan trọng nhất là trong quá trình làm việc với người coach, khách hàng phải có mục tiêu rõ ràng về cuộc sống của họ. Tôi nhận thấy là nhiều người trong cuộc sống hôm nay không có mục tiêu, không biết điều gì là quan trọng. Đó là lý do tại sao cần coach giúp đỡ.

* Coaching là ngành khá mới và được định hình rõ nét ở Việt Nam một vài năm nay, tuy nhiên trong đợt dịch Covid vừa qua thì nghề Coach đắt khách hơn, anh nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển của nghề này tại Việt Nam?

- Khi tôi bắt đầu hành trình này khoảng năm 2012, tức là hơn 10 năm trước, ở Việt Nam mới bắt đầu manh nha, trong khi nghề này ở thế giới có từ thập niên 90, tức là 30 năm rồi. Đến năm 2018, tương đối nhiều người và doanh nghiệp biết đến nghề coach. Trong thời điểm khi mà cả xã hội “lockdown” vì dịch bệnh Covid, khi mà mọi người ở trong nhà nghĩ về điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, mọi người mới nghĩ về định hướng cuộc sống, sự nghiệp. Covid cũng “cắt đi” nhiều công việc khác, lúc đó người ta mới nghĩ cần làm một nghề gì đó để chăm sóc đời sống tinh thần và chuyển nghề để làm một công việc tự do. Đó là lý do tại sao nghề coach bùng nổ. 

Thị trường coach trên thế giới rất lớn, theo nghiên cứu hiện nay thị trường này trị giá 300 tỷ USD, bao gồm những ngành chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, phát triển bản thân. Bởi vì những người coach không chỉ làm coach không mà còn tham gia những công việc chăm sóc sức khỏe và họ chia sẻ những khoá học, những kiến thức cho mọi người. 

* Trong sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp”, anh có dẫn lời khuyên của coach Kolby: “Truyền cảm hứng giỏi không phải do bạn là người giỏi nói mà do bạn là người giỏi lắng nghe”, vậy giỏi lắng nghe có phải là tố chất cần phải có để trở thành coach? 

- Chắc chắn rồi, đó là 1 trong 5 kỹ năng mà tôi từng chia sẻ trong cuốn sách của mình. Biết lắng nghe là kỹ năng nền tảng, không chỉ cho Coach, mà còn cho những người lãnh đạo, cho vợ chồng, cho những mối quan hệ của chúng ta. Bạn thử nghĩ xem, khi bạn ở bên một ai đó biết lắng nghe thì mình cảm thấy thế nào? Điều đầu tiên là mình cảm thấy được tôn trọng, mình có giá trị thì mình chia sẻ nhiều hơn. Chúng ta có thể thấy giá trị của việc lắng nghe là sẽ tạo nên những mối quan hệ rất mật thiết, đó là giá trị đầu tiên. Thứ hai là lắng nghe để giúp mình kết nối với người khác và đặc biệt là những ai đang làm công việc kinh doanh để giúp cho mình hiểu khách hàng hơn và kết quả là mình có thể bán hàng tốt hơn,  tạo ra kết quả trong công việc. Đặc biệt là những anh chị em nào đang làm quản lý và phát triển con người thì nếu nhân viên cảm thấy “sếp tôi không biết lắng nghe” chắc chắn sẽ tạo ra khoảng cách giữa sếp và nhân viên.

Khi người lãnh đạo có khả năng lắng nghe, thấu hiểu được những vấn đề của nhân viên thì sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết với nhân viên, tạo được động lực phát triển cho nhân viên của mình. Do đó, lắng nghe là kỹ năng cần thiết, cần phải phát triển, chỉ cần chúng ta nỗ lực.

Trần Tiến Công - CEO Học viện đào tạo Coach Việt Nam (VCI), tác giả của cuốn sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp”

Anh Trần Tiến Công - CEO Học viện đào tạo Coach Việt Nam (VCI), tác giả của cuốn sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp”

* Coach giúp phát triển bản thân, vậy với những CEO hoặc là leader đã thành công và khẳng định được vị trí trong xã hội, điều gì khiến họ vẫn cần coach? 

- Giống như làm bác sĩ không có nghĩa là không bị bệnh, làm CEO không có nghĩa là mình đã giỏi và không cần sự hỗ trợ. Trong quá trình làm coach, tôi đã từng coach cho các CEO, các leader ở góc độ như sau: họ là những người rất cô đơn. Tuy có hình ảnh rực sáng trên báo chí nhưng các CEO cũng có những “bài toán” của riêng họ cần giải quyết. Khi làm việc với coach, họ có không gian an toàn để chia sẻ tầm nhìn, định hướng về cuộc sống cũng như về công ty. Và vai trò của tôi là đưa ra những phản hồi cho họ thấy được mô thức trong suy nghĩ của họ, mô thức trong cảm xúc của họ, mô thức trong hành động mà bản thân họ không thấy được. 

Tôi từng làm việc với 80% khách hàng là những người giỏi hơn tôi rất nhiều. Sở dĩ họ giỏi là bởi vì họ làm việc với những người giỏi và luôn tôn trọng đóng góp của những người xung quanh. 

* Từng huấn luyện coach cho hàng nghìn học viên thì có rất nhiều người thay đổi tích cực và thành công, nhưng có trường hợp nào ông coach mà bị thất bại?

- Có chứ, tôi nghĩ có vài khách hàng. Lộ trình coach một cá nhân thường là một năm, bởi vì coach là quá trình dài hạn và phải cam kết hỗ trợ cho họ. Nhưng có những khách hàng chỉ gắn bó với coach được vài tháng thì mục tiêu của họ thay đổi, sự cam kết của họ thay đổi và đó là lựa chọn của họ. Coach không bao giờ rời bỏ khách hàng của mình và luôn chăm lo cho khách hàng, trừ khi họ quyết định rời bỏ. Còn những khách hàng quyết tâm theo đúng lộ trình và kiên trì theo coach thì tôi không có thất bại. 

* Có ý kiến cho rằng coach chỉ giỏi hướng dẫn người khác, khi gặp những vấn đề của mình thì lại không giỏi giải quyết, với anh thì sao? 

- Một người coach sẽ không giỏi công việc coach nếu họ không có coach. Hy vọng bạn hiểu được thông điệp đó. Từ năm 2011 đến thời điểm hiện tại, tôi từng có rất nhiều người coach. Có những lúc tôi có 2 người coach: một người coach về mặt phát triển kinh doanh, một người coach về kỹ năng coach của tôi. Nghĩa là sau những buổi coach, tôi gửi phần ghi âm qua cho thầy. Thầy sẽ lắng nghe và hướng dẫn trong tình huống này tôi nên làm gì. Có một điều tôi muốn chia sẻ là coach không phải là một người hoàn hảo. Họ chỉ có khát khao với cuộc sống, có niềm đam mê và sống tốt hơn mỗi ngày, đó là lý do tại sao mà mọi người thấy tôi vẫn phải học tập rất nhiều. Hằng tháng tôi đều học tập. Một năm tôi học tập khoảng 400-500 giờ, còn tôi dạy hàng ngàn giờ.  

Bản thân tôi cũng có những thách thức trong cuộc sống, thách thức trong công việc kinh doanh, đó là lý do tại sao tôi làm nghề coach, chính vì nghề này giúp mình có nhiều chất liệu để giúp khách hàng của mình hơn. Người ta nói là coach là người giỏi nói, tôi không nghĩ như vậy. Nếu mình chỉ nói không, khách hàng của mình họ là những người lãnh đạo, những người quản lý doanh nghiệp, họ đủ thông thái để họ biết ai là người có khả năng mang lại kết quả. Nếu mình chỉ nói không, mình không có trải nghiệm hay không biết làm gì thì họ sẽ rời bỏ mình và kết quả là mình sẽ không sống được với nghề này. 

cuốn sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp”

Bìa cuốn sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp”

* Một câu hỏi của một độc giả: Có phải chỉ cần đọc cuốn sách “Hành trình trở thành coach chuyên nghiệp” và phát triển sâu hơn những kỹ năng này thì ai cũng có thể trở thành coach chuyên nghiệp không?   

- Khi mình đọc sách thì đầu tiên là mình có kiến thức về coach, có kiến thức về lắng nghe, về tạo kết nối. Nhưng để thực hành được những năng lực của người coach thì bước kế tiếp là phải làm sao có kỹ năng coach. Đọc sách giúp chúng ta có kiến thức, có kỹ năng thì quay ngược trở lại câu hỏi là liệu mình có nỗ lực đưa nó vào cuộc sống hằng ngày, có nhắm là tuần này tôi sẽ đem kỹ năng lắng nghe và tôi thực hành xuyên suốt một tuần trong tất cả các tương tác, tôi xem mọi người quan tâm đến điều gì, mục tiêu của mọi người là gì, thách thức mọi người làm gì để tôi nhớ? Tương tự như vậy là kỹ năng đặt câu hỏi. 

Một khi độc giả có thể biến được kiến thức từ trong sách thành kỹ năng thì đó là một cấp độ. Cuốn sách cho chúng ta kiến thức, nếu chúng ta được truyền cảm hứng, quyết tâm đưa vào thực hành thì rõ ràng chúng ta sẽ có kỹ năng. Và tôi vẫn tin rằng một trong những cách để học nhanh nhất là có thể tìm cho mình những người thầy để coach, những người đi trước, bên cạnh những cuốn sách.  

* Cảm ơn anh đã có nhiều chia sẻ hữu ích!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi được tôn trọng và lắng nghe, họ sẽ chia sẻ nhiều hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO