Thông thường, những tác phẩm điện ảnh được mang ra remake đều đã rất thành công, vì thế áp lực dành cho ekip remake là vô cùng lớn. Một mặt, họ phải đảm bảo giữ được tinh thần của tác phẩm gốc, mặt khác, họ phải có tính sáng tạo để câu chuyện phim có tính bản địa và phù hợp hơn với khán giả trong nước. Sự thành bại của một tác phẩm remake phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm đường dây câu chuyện, sức sáng tạo trong kịch bản, cách kể, diễn xuất của diễn viên...
Chọn một kịch bản mà bên trong có những câu chuyện có thể tự do sáng tạo là cách các đạo diễn thường làm. Thành công của phim Em là bà nội của anh (Phan Gia Nhật Linh) đã mở đường cho loạt phim Việt remake từ phim Hàn Quốc như: Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng), Yêu đi đừng sợ (Stephane Gauger), Sắc đẹp ngàn cân (James Ngô), Yêu em bất chấp (Văn Công Viễn), Anh trai yêu quái (Vũ Ngọc Phượng)... Tại Việt Nam, trong điều kiện khan hiếm kịch bản hay, chọn remake là cách nhà làm phim có thể an tâm một phần về nội dung.
Tất nhiên, không phải tất cả phim remake đều thành công. Ngoại trừ cách kể an toàn hoặc kém hơn bản gốc, dẫn đến thất bại về doanh thu, trường hợp của Anh trai yêu quái trong thời gian gần đây khá thú vị. Với cốt truyện mạch lạc, sáng tạo hơn bản gốc, dàn diễn viên tài năng, đồng đều, Anh trai yêu quái nhận được nhiều phản hồi tích cực từ truyền thông, khán giả Hàn (trong một số buổi chiếu tại Liên hoan phim Busan) và người nổi tiếng nhưng doanh thu phim lại không được như kỳ vọng. Nhiều yếu tố được đưa ra phân tích và lý giải.
“Khi tiến hành đo lường phản ứng của khán giả, chúng tôi nhận ra khâu quảng bá, truyền thông phim hiền quá nên ngay từ đầu, phim kém gây tò mò. Nhưng nhờ diễn xuất của các diễn viên, chất lượng phim và tổng hòa nhiều yếu tố khác, mỗi ngày phim lại có thêm tín hiệu vui, những con số nhích dần, chậm nhưng chắc, các suất chiếu ngày thường cũng đầy ắp”, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ.
Trong một khảo sát do Box Office Việt Nam thực hiện, ngoại trừ phản ứng tẩy chay Kiều Minh Tuấn, nam diễn viên chính của phim (vì scandal coi thường khán giả vào năm trước do PR quá đà) thì nguyên nhân chính đến từ việc: khán giả không thích xem phim chuyển thể từ kịch bản Hàn. “Người Việt không thể kể được một câu chuyện như vậy hay sao phải vay mượn kịch bản của Hàn?” - đó là phản ứng của số đông khán giả trên các diễn đàn điện ảnh, qua các khảo sát.
Tinh thần tự hào dân tộc và khát khao được xem phim thuần Việt, do người Việt sáng tạo, trong trường hợp này tạo động lực lớn cho các nhà làm phim. Phần việc còn lại của họ là, đừng để khán giả quay lưng với phim Việt trước khi đánh mất thị phần điện ảnh trong nước vào tay phim nước ngoài như trường hợp của Thái Lan.
Tinh thần tự hào dân tộc và khát khao được xem phim thuần Việt, do người Việt sáng tạo, trong trường hợp này tạo động lực lớn cho các nhà làm phim.
Vấn đề này cho thấy, thời gian qua, bên cạnh sự ngã ngựa của nhiều phim remake thì lý do cốt yếu vẫn là, sau một thời gian chứng kiến các phim nội địa tự lực và thành công, nỗ lực của các nhà làm phim Việt với Hai Phượng, Lật mặt, Thất Sơn tâm linh hay Bắc Kim Thang... đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của những phim có yếu tố văn hóa Việt, khán giả Việt cần những câu chuyện bản địa, thuần Việt hơn.