Khám phá Titicaca kỳ diệu

NGUYỄN HOÀNG BẢO| 15/04/2016 06:57

Thuộc sở hữu của hai quốc gia Bolivia và Peru, TIticaca là một hồ nước ngọt có diện tích khoảng 8.300km2 nằm trên độ cao 3.813m so với mặt nước biển.

Khám phá Titicaca kỳ diệu

Thuộc sở hữu của hai quốc gia Bolivia và Peru, Titicaca là một hồ nước ngọt có diện tích khoảng 8.300km2, nằm trên độ cao 3.813m so với mặt nước biển. Hồ không chỉ là nơi sinh sống của cộng đồng người dân bản địa của hai nước mà còn chứa biết bao chuyện như huyền thoại...

Đọc E-paper

Tôi đến Titicaca từ phần đất thuộc lãnh thổ của Bolivia và tìm một hostel sao cho càng gần hồ càng tốt. Thị trấn Copacabana nhộn nhịp khách “du lịch bụi” từ khắp nơi trên thế giới. Khách sạn, quán bar, cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm, những phiên chợ địa phương san sát bên bờ hồ. Một số công trình kiến trúc về tôn giáo ở thị trấn phảng phất dấu ấn của người Tây Ban Nha từng có thời cai trị nơi này.

Titicaca có 41 đảo lớn nhỏ thuộc sở hữu của cả Peru và Bolivia, trong đó có một số đảo có đông dân cư sinh sống. Từ thị trấn Copacabana, du khách có thể khám phá đảo Mặt trời (Isla del Sol), đảo Mặt trăng (Isla de la Luna) với hàng trăm di tích thuộc nền văn minh Inca thế kỷ XIV. Nơi đây, tương truyền có sự hiện diện của các vị thần trong thần thoại của người Inca như thần Mặt trời và nữ thần Mặt trăng Mama Quilla. Tôi không đủ thời gian để trải nghiệm trên những hòn đảo từ Copacabana nên chỉ có thời gian ngắm hoàng hôn tím sẫm buông xuống trên mặt hồ ở thị trấn biên giới này.

Tôi chọn cách trải nghiệm hồ Titicaca từ Puno - thành phố ôm trọn phần phía Bắc của Titicaca thuộc Peru. Khi tàu rời bến thì trời cũng bắt đầu kéo những đám mây đen đến, làm cho Titicaca càng thêm huyền bí như những chuyện thần thoại về nó được truyền từ đời này sang đời khác.

Người Uro có trước thời Inca, bao gồm 3 nhóm là Uru-Chipayas, Uru-Muratos và Uru-Iruito. Họ sinh sống thành những gia đình tại hơn 40 hòn đảo nổi do chính họ tạo nên trên hồ Titicaca. Các nhà khoa học cho rằng nơi định cư đầu tiên của họ là phía bờ hồ Titicaca thuộc lãnh thổ Bolivia, nhưng ngôi làng nổi của người Uro đã di chuyển dần về phía thành phố Puno thuộc Peru.

Thăm quan làng nổi của người Uro

Tàu dừng lại trên một hòn đảo được làm bằng lau sậy của một gia đình người Uro. Anh Pana - chủ nhà cho biết: “Xưa kia những hòn đảo nổi của chúng tôi không nằm gần bờ của Puno như ngày nay. Do mực nước của hồ Titicaca ở vịnh quá thấp nên chúng tôi phải tiến vào gần bờ hơn, phía đảo Estevez. Một số gia đình khác di chuyển tới sông Huili - một trong những nguồn nước của hồ Titicaca, để đảm bảo độ sâu dưới bề mặt đảo nổi từ 12 đến 15 mét. Dần dà, người Uro đã mở rộng cộng đồng ra nhiều phía của vịnh Puno như ngày nay”.

Vợ Pana tết tóc đuôi sam trong trang phục truyền thống của người Puno, giới thiệu với chúng tôi cách thức làm nhà và những dụng cụ trong sinh hoạt hằng ngày. Với vật liệu là cây totoras, họ đã xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên hồ ven thành phố Puno. Loài sậy totoras khi bị phân hủy tạo ra khí, nhưng không thoát được ra khỏi mặt nước, dần dần rễ chứa khí này tập trung lại, hình thành một hòn đảo nổi.

Trải qua thời gian, người dân còn đan thêm lau sậy vào đám rễ để làm dày và chắc chắn hơn cho bề mặt đảo, tránh đảo bị tan rã. Họ còn buộc neo để giữ cố định những đảo nổi khi gió lớn, sóng to.

Người dân Uro giới thiệu cách xây dựng nhà bằng cây totoras
Chuẩn bị buổi trưa

Pana kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của họ. Rằng, anh cũng lên Lima học đại học nhưng sau đó lại quay về Puno để làm du lịch. Anh cùng với vợ con sống trên ụ nổi này giống như thời tuổi thơ, mặc dù thiếu thốn về tiện nghi hiện đại. Hằng ngày, vợ thêu thùa, đan những sản phẩm lưu niệm bằng lau sậy bán cho khách du lịch. Anh lo công việc tiếp đón khách và quản lý dịch vụ homestay khi du khách cần.

Những tháng du lịch ế ẩm, Pana câu cá, săn chim hay cắt cây totoras để sửa chữa nhà cửa cho gia đình. Con cái vẫn được đi học đầy đủ trên những ngôi trường nổi được tết bằng lau sậy trên mặt hồ. Cuộc sống tuy không dư dả nhưng tinh thần thoải mái...

Tàu tiếp tục đưa chúng tôi đến với hòn đảo Taquile, cách thị trấn Puno khoảng 45km. Taquile là hòn đảo có khoảng 2.000 cư dân sinh sống. Trong thời kì còn là thuộc địa Tây Ban Nha, Taquile được sử dụng như một nhà tù. Từ thập niên 1970, Taquile thuộc quyền sở hữu của người dân nơi đây. Lối sống của họ khá truyền thống, không bị ảnh hưởng bởi văn minh các tiện nghi hiện đại.

Trước khi lên đảo, anh chủ thuyền nhắc nhỡ du khách nên đi vệ sinh trên thuyền và khi uống nước phải mang vỏ chai về lại thuyền. Họ muốn giữ cho hòn đảo không bị ô nhiễm bởi rác thải từ lượng khách du lịch ngày một nhiều.

Hoàng hôn trên hồ từ thị trấn Copacabana thuộc Bolivia

Chúng tôi đi bộ dọc theo chiều dài của Taquile. Không gian thanh bình giữa bốn bề là mặt hồ Titicaca trong xanh. Người dân vẫn trồng một số cây lương thực trước nhà hoặc trên các sườn dốc dẫn xuống mặt hồ. Một số hộ gia đình còn chăn thả gia súc trên những bãi cỏ ven hồ, bên lối đi nhỏ hẹp lót bằng đá theo cách của người Inca xưa.

Tôi đang ngỡ mình đi giữa hòn đảo hoang sơ cách đây hàng trăm năm mà thế giới văn minh vừa mới phát hiện. Không chỉ thiên nhiên hoang sơ, trong lành, Taquile còn nổi tiếng với trang phục truyền thống và nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo của dân đảo. Nghệ thuật dệt ở Taquile đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.

Trong khi đàn ông trên thế giới không mấy mặn mà với chiếc kim, sợi chỉ, thì chắc chắn đây là một công việc và cũng là một trò tiêu khiển độc quyền của nam giới đảo Taquile. Với các chàng trai, họ bắt đầu công việc truyền thống này khi chỉ mới 7 tuổi, còn nhiệm vụ của phụ nữ là dệt vải và sợi.

Chúng tôi thấy có nhiều trẻ nhỏ bán dây đeo tay, túi xách, thảm ven lối đi với giá rất rẻ được dệt và thêu thủ công mà hướng dẫn viên du lịch giới thiệu do cánh đàn ông nơi đây làm ra.

Những đứa trẻ bán đồ lưu niệm

Chính lối sống truyền thống của người Taquile là điểm thú vị nhất khiến du khách tò mò khám phá. Ví dụ như người dân sẽ hướng dẫn cho du khách nhận diện họ qua trang phục. Người phụ nữ có chồng thì diện trang phục thế nào, một anh chàng có vợ hay chưa được phân biệt ra sao. Xã hội Taquile dựa trên quy củ của nền văn minh Inca. Tiêu chí đạo đức của họ là không trộm cắp, không nói dối và không được lười biếng. Đó cũng là những tiêu chí đạo đức của người Taquile.

Hồ Titicaca ngày nay vẫn chứa đựng bao câu chuyện như huyền thoại cũng như lối sống xa xưa của người bản địa. Tôi rất tiếc là chưa có dịp ở lại nhà người Uro để hiểu thêm về họ...

>Chút tình nơi đất bạn

>Một Ấn Độ phù hoa và diễm lệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khám phá Titicaca kỳ diệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO