Khám phá thảo nguyên Ulan Bator

TUẤN NGUYỄN/DNSGCT| 09/12/2015 06:27

Bầu trời thẳm màu xanh trong vắt với một vài cụm mây trắng im lìm ở Ulan Bator như những khối kẹo bông gòn đang say ngủ, hai bên đường là những thảm cỏ nối tiếp nhau trên triền đồi...

Khám phá thảo nguyên Ulan Bator

Chiếc máy bay nho nhỏ của Mongolian Airline dần hạ độ cao thì bên cửa sổ, những ngọn đồi thoai thoải bắt đầu xuất hiện và nối tiếp nhau chạy chập chùng như những chiếc khăn lụa màu xanh kéo dài đến vô tận. Thế là chúng tôi đã đến sân bay Chinggis Khan (Thành Cát Tư Hãn), sân bay nằm tại thủ đô Ulan Bator của đất nước Mông Cổ.

Đọc E-paper

Phi trường khá nhỏ, tưởng chừng chỉ vừa đủ những thứ cơ bản nhất của một sân bay cần có. Bên ngoài hầu như có rất ít taxi, nhưng theo một lời chỉ dẫn trên internet thì bất kỳ một chiếc xe hơi nào tại Ulan Bator cũng có thể trở thành taxi. Điều đó không sai khi anh tài xế tôi chọn đã dẫn tôi đến chiếc xe của anh ta mà không có biển taxi hay mã số gì cả. 

Quang cảnh hai bên đường từ sân bay về khu trung tâm thủ đô thay đổi theo từng km đường. Đoạn ngoại ô nhà cửa thưa thớt, hai bên là những khu khai thác đá trơ trọi một màu xám xịt trên nền thảo nguyên tươi xanh.

Vào gần trung tâm hơn là những khu công trường với rất nhiều tòa nhà, công trình đang được xây dựng. Dường như thủ đô này đang trở mình, đang chạy đua để phát triển.

Vào khu vực trung tâm, mật độ xe cộ, nhà cửa hai bên đường nhiều hơn, và không biết sao nơi đây lại gợi nhớ cho tôi về những khu phố trong những bộ phim Liên Xô đã được xem từ lâu lắm.

Những tòa nhà cao vừa phải, kiểu dáng không hiện đại, một vài thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ loáng thoáng đâu đó trong thủ đô này cũng gợi nhớ một Việt Nam khoảng 20 năm về trước.

Lúc này tuy là tháng 7 nhưng Ulan Bator cũng khá lạnh (nơi đây là thủ đô có nhiệt độ trung bình thấp nhất so với bất kỳ thủ đô nào trên thế giới).

Miền xanh bao la

Đúng giờ hẹn, anh tài xế đến đón và chúng tôi bắt đầu di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố. Xe băng ngang quảng trường Thành Cát Tư Hãn rộng lớn, rồi di chuyển chầm chậm vì kẹt xe.

Tuy Mông Cổ là đất nước có diện tích rộng thứ 19 trên thế giới và có mật độ dân số thấp nhất hành tinh, nhưng hầu hết dân cư tập trung tại thủ đô vì thế việc tắc đường vào giờ cao điểm là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cơ sở hạ tầng còn đang được phát triển mỗi ngày.

Xe chạy chậm, vừa đủ để du khách có thể ngắm nhìn kỹ hơn những khu phố tuy không hiện đại và đẹp lung linh, nhưng được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp và hầu như rất ít thấy xe hai bánh và rác trên đường.

Hướng về khu National Park, những ngôi nhà dần lùi về phía sau nhường chỗ cho khoảng trời xanh bao la bát ngát. Nếu không tính những lúc ngồi trên máy bay thì đây là nơi đầu tiên tôi thấy được bầu trời rộng như thế, có thể nhìn thấy chỗ tiếp giáp của trời và đất cả bên phải lẫn bên trái, đằng trước và cả phía sau.

Bầu trời thẳm màu xanh trong vắt của mùa Hè với một vài cụm mây trắng im lìm như những khối kẹo bông gòn đang say ngủ. Hai bên đường là những thảm cỏ nối tiếp nhau trên triền đồi, thi thoảng lại có những dòng suối uốn quanh và những đàn gia súc bò, cừu, dê… đang nhởn nhơ gặm cỏ trên nền bức tranh xanh mướt là những cây thông xa xa.

Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Ger, kiểu lều hình tròn đặc trưng của người Mông Cổ

Chúng tôi ghé thăm một gia đình người địa phương. Đa số người Mông Cổ sống trong những cái lều hình tròn được gọi là ger. Mỗi ger là nơi sinh sống của một gia đình với đầy đủ bếp núc và chỗ ngủ bên trong.

Khi xe đến, chị chủ nhà đang làm bánh huushuur truyền thống (một dạng bánh xếp nhân thịt cừu hay bò) nên chúng tôi cũng được nếm thử bánh kèm theo ly rượu sữa ngựa có vị vừa chua vừa nồng.

Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Làm bánh huushuur

Huushuur là loại bánh rất phổ biến mà du khách có thể gặp bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, có cả trong bữa sáng tại nhiều khách sạn.

Có lẽ tập tính du mục cùng với điều kiện tự nhiên đã dẫn người Mông Cổ đến thói quen không ăn rau xanh, vì thế mà các món ăn sẽ hơi kém hấp dẫn đối với nhiều du khách.

Rời khỏi gia đình người địa phương, chúng tôi đến tham quan khu National Park với tảng đá hình con rùa và thử cưỡi lạc đà trên thảo nguyên rộng lớn.

Tuy là điểm du lịch được giới thiệu trong các ấn phẩm, nhưng National Park cũng gần giống như các điểm du lịch tại Việt Nam: sản phẩm du lịch nghèo nàn và kém hấp dẫn. Nhưng đôi khi cái đẹp nhất lại là cái tự nhiên, không có sự can thiệp của con người, và ở đây cũng vậy.

Tôi còn nhớ cảm giác hạnh phúc dâng trào sau khi leo mấy trăm bậc thang để đến một tu viện trên đỉnh đồi và từ đó phóng tầm mắt xuống nhìn toàn cảnh thung lũng xa xa, thỉnh thoảng lại có một vài chú đại bàng chao đến rồi bay thật xa hút tầm mắt như chứng tỏ sự tự do của mình.

Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Phần mái cầu kỳ của một tu viện
Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Những chiếc vòng luân hồi đặt quanh tu viện
Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Chiếc giày khổng lồ bên trong bảo tàng

Không xa National Park lắm là bảo tàng Thành Cát Tư Hãn với tòa nhà có hình dáng vị tướng này đang ngồi trên lưng ngựa. Trông Ngài thật uy nghi giữa trời và đất.

Toàn bộ bức tượng khổng lồ này được dát kim loại bên ngoài sáng lấp loáng, phản chiếu từng chùm nắng Hè. Bên trong là khu bảo tàng lịch sử, cung cấp nhiều thông tin lý thú và đầy ngưỡng mộ về một vị tướng tài ba từng chinh phạt từ Âu sáng Á.

Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Bảo tàng Thành Cát Tư Hãn

Bảo tàng có nhiều tầng và nơi cao nhất du khách có thể đứng quan sát chính là chóp đầu của chú ngựa mà Ngài đang cưỡi.

Cơ hội cho hàng Việt

Trên đường về, xe có ghé vào một siêu thị tại khu trung tâm. Thật bất ngờ khi siêu thị có một dãy quầy kệ trưng bày nhiều sản phẩm bánh kẹo "Made in Vietnam" của các thương hiệu trong nước.

Khám phá thảo nguyên Ulan Bator doanhnhansaigon
Du khách trên lưng lạc đà

Tuy không nhiều và đa dạng bằng các sản phẩm của Hàn Quốc ở quầy kế bên và giá bán có cao hơn hàng Trung Quốc nhưng hàng Việt Nam vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Mông Cổ.

Không chỉ bánh kẹo, chúng tôi còn bắt gặp một số sản phẩm hóa mỹ phẩm thương hiệu Việt. Các mặt hàng này hiện còn bị hàng của Nga áp đảo về số lượng lẫn kiểu mẫu. Có lẽ khi sản phẩm Việt bắt kịp hàng Nga về kiểu dáng và bao bì thì sẽ phát triển rất tốt tại những thị trường gần giống như Mông Cổ.

>16 lý do thôi thúc du khách tìm về Mông Cổ

>11 họa sĩ Việt mang tranh đến Mông Cổ

>Du ngoạn thảo nguyên Nội Mông

>Nội Mông lần đầu tôi đến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khám phá thảo nguyên Ulan Bator
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO