Đơn vị quản lý chung cư Keangnam, trong cùng một ngày (28/3) đã ra 2 quyết định đáng chú ý: Sáng có công văn "trả Keaangnam về Hà Nội", chiều ra thông báo tiếp tục áp dụng mức phí dịch vụ 15.080 đồng/m2/tháng tại chung cư này.
Thông báo về việc áp dụng mức thu - từng bị kêu là phí cao nhưng chất lượng thấp - này được chủ đầu tư Keangnam (Công ty Chestnut) đưa ra sau khi đại diện cơ quan quản lý của thành phố Hà Nội cho biết, Công ty TNHH Keangnam-Vina phải có trách nhiệm quản lý - vận hành tòa nhà cho đến khi thành lập được ban quản trị mới và thành phố tìm được đơn vị cung cấp dịch vụ khác.
Theo đại diện đơn vị quản lý tòa nhà, mức phí mới trên là căn cứ vào mặt bằng chung của những khu chung cư cao cấp khác đang áp dụng tại Hà Nội. Còn mức trần 4.000 đồng/m2 theo quy định của Hà Nội chỉ áp dụng đối với các chung cư bình thường khác.
Công ty Chestnut cũng cho hay, những hộ chưa thanh toán dịch vụ sẽ phải hoàn thành trước ngày 7/4. Sau thời điểm này, nếu hộ nào không thanh toán phí quản lý, công ty sẽ buộc phải áp dụng chế tài đúng như quy định trong hợp đồng.
“Dồn dập trong một ngày, chúng tôi tiếp nhận quá nhiều thông tin khác nhau của chủ đầu tư và công ty quản lý khiến chúng tôi không biết đằng nào mà lần”, chị Hoa - cư dân tòa Keangnam A hoang mang.
Tâm trạng này cũng là của nhiều hộ dân, anh Nguyên cư dân căn A906 than phiền: “Keangnam cứ như "ông giời", sớm nắng chiều mưa, không biết muốn gì nữa?!".
"Thành phố đã có văn bản yêu cầu Keangnam phải cung cấp đầy đủ dịch vụ thiết yếu theo giá trần đã được thành phố quy định. Nếu thu hơn phải thỏa thuận đàm phán với cư dân. Nhưng, Keangnam-Chestnut vẫn cứ tùy tiện áp đặt cư dân, lúc thì 21 nghìn, lúc thì 18 nghìn, nay lại 15 nghìn chẳng dựa trên cơ sở nào. Cư dân có mặc cả với họ đâu! Đã thế, lại còn dọa "áp dụng chế tài", anh Nguyên nói.
Trên diễn đàn chung của cộng đồng cư dân, đa số các hộ dân đều tỏ ra bức xúc với cùng một quan điểm: cư dân chỉ cần minh bạch thu chi, cơ sở cấu thành giá phí, còn không bàn đến đắt rẻ, cao thấp.
Chị Quyên, nhà A610 thẳng thắn: “Chúng tôi cần công ty quản lý ghi rõ, với mức phí này, chúng tôi sẽ được hưởng những dịch vụ gì. Chetnus có so sánh với các chung cư Pacific, Golden Westlake, nhưng ở đó, họ có chi tiết cụ thể hợp đồng dịch vụ, bao gồm các hạng mục cung cấp, và mức giá. Còn ở Keangnam cứ à uôm, tùy tiện đưa ra một cái giá áp đặt”.
Nói thêm về dịch vụ, các cư dân đều rất bất bình vì nhà mới giao chưa được 1 năm nhưng xuống cấp nhiều chỗ: hở quạt gió, hỏng khóa, hỏng thiết bị vệ sinh, bếp… Nhưng gọi điện đến đường dây nóng hầu như không bao giờ được và việc khắc phục rất rườm rà, lâu và ít có hiệu quả. Những dịch vụ cung cấp lại như internet, điện thoại, truyền hình nếu có trục trặc, thường xuyên gặp tình trạng đổ lỗi cho nhà cung cấp, và ngược lại khiến thời gian bị ngưng dịch vụ kéo dài.
Một trong những bức xúc nữa của cư dân về dịch vụ là sự bất cập của hệ thống đường đi lại, hầm xe của Keangnam. Đường đi lên quá hẹp, chỉ một xe ô tô đỗ để người lên xuống là ách tắc, chưa kể tình trạng taxi đỗ bừa bãi là phổ biến. Tệ hơn, là “bảo vệ 2-3 người đứng đó, thản nhiên đút tay túi quần nói chuyện phiếm trong khi các xe taxi đỗ chắn hết cả đường đi lên tòa nhà, mặc xe cư dân không ách tắc, đỗ cả hàng phía sau”, anh Diệu - cư dân nhà B phản ảnh.
“Việc xe máy để lẫn ôtô và đi lên cùng một đường cũng đã khiến xảy ra các tai nạn trượt ngã, mất lái. Tuy chưa có vụ việc nào nghiêm trọng nhưng các phản ảnh của cư dân lên ban quản lý là rơi vào hư không”, ông Hậu - cư dân tòa A cho biết.
"Chúng tôi không cần rẻ, chỉ cần dịch vụ chất lượng tốt và minh bạch. Nhưng nếu họ không đáp ứng được yêu cầu đó, thì cứ theo quy định của thành phố đã được chính Keangnam cam kết trong hợp đồng đã ký với cư dân. Không phải thích áp đặt thế nào cũng được", chị Phương - cư dân tòa B khẳng định.