Trong cuốn sách bán chạy nhất của năm 2011 của tờ New York Times, Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người, Roy Baumeister và John Tierney đã cung cấp cho độc giả những kiến thức khoa học mang tính cách mạng về sức mạnh này của nhân loại.
Ngay từ thuở sơ khai, con người khắp nơi trên thế giới đã phải rèn luyện ý chí, sự tự chủ để giữ gìn được tính mạng, phát triển bản thân… lưu lại được huyết mạch, tạo nên xã hội đa dạng như ngày nay. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, tạo ra vô vàn cám dỗ trong thế giới thực, cũng như trên mạng internet, khiến mỗi người càng cần đến ý chí, sự tự chủ hơn bao giờ hết, để làm chủ cuộc sống của mình.
Theo nhà tâm lý học xã hội Roy F. Baumeister và nhà báo John Tierney, đồng tác giả cuốn sách, hầu hết các vấn đề lớn nhất của các cá nhân và xã hội hiện đại, đều xoay quanh sự thiếu hụt của tự chủ: học hành sa sút, trì hoãn công việc, lạm dụng rượu và thuốc, ăn uống không lành mạnh, không tập thể dục khiến sức khỏe yếu kém, luôn lo lắng và dễ nóng giận, tiêu xài hoang phí, bộc phát bạo lực... Tự chủ kém có tương quan với tất cả các dạng tổn thương cá nhân: bạn bè xa lánh, bị sa thải hoặc sự nghiệp đi xuống, ly hôn, tương lai mù mịt hay thậm chí là ngồi tù...
Thực tế, trong các thí nghiệm bắt đầu vào cuối những năm 1960, nhà tâm lý học Walter Mischel đã đưa cho hàng trăm trẻ mẫu giáo một chiếc kẹo dẻo và cho chúng chọn một trong hai lựa chọn: một là có thể ăn luôn chiếc kẹo hoặc chờ thêm 15 phút thì sẽ được tặng thêm chiếc kẹo thứ hai.
Theo dõi nhiều thập kỷ sau, Mischel phát hiện ra rằng những đứa trẻ 4 tuổi có khả năng tự chủ, phớt lờ cám dỗ để có được viên kẹo thứ hai, thì đều trở thành người lớn biết điều chỉnh tốt hơn, ít lạm dụng ma túy, có lòng tự trọng cao, xử lý tốt căng thẳng, có các mối quan hệ tốt hơn và đạt được bằng cấp cao hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Và tự chủ là cách một người việc sử dụng sức mạnh ý chí, buộc bản thân phải làm việc, kiềm chế bản thân trước các cám dỗ và kiểm soát tính khí của mình, để không hành động một cách bốc đồng, gây ra những tác hại khó lường cho bản thân.
Sau khi đưa ra những bằng chứng không thể phủ nhận về vai trò của sức mạnh ý chí, các tác giả tiếp tục đưa ra các kết quả thí nghiệm chứng minh: ý chí giống như một cơ bắp có thể bị mệt mỏi khi bị sử dụng theo thời gian.
Trong các thí nghiệm được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1998, Baumeister và các cộng sự cho nhiều sinh viên tham gia vào thí nghiệm yêu cầu họ kiểm soát sự thôi thúc của bản thân - không ăn bánh quy khi đói, theo dõi màn hình nhàm chán trong khi bên cạnh đang chiếu một video hài, hoặc kìm nén cảm xúc khi xem một phân cảnh xúc động trong bộ phim Điều khoản hôn nhân. Những sinh viên này sau đó đã thể hiện sự mất tập trung, hiệu suất thấp trong các nhiệm vụ tiếp theo cũng đòi hỏi sử dụng sức mạnh của ý chí như: giải các câu đố khó, kìm hãm những suy nghĩ về tình dục hoặc bạo lực… Baumeister đã gắn thẻ cho hiệu ứng này là “suy giảm bản ngã”.
Từ chương 6 của cuốn sách, Roy Baumeister và John Tierney cung cấp những thông tin đặc biệt hữu ích với những ai muốn nâng cao sức mạnh ý chí của bản thân.
Đầu tiên là việc cung cấp đủ glucose cho hoạt động của não bộ từ thức ăn tiêu hóa chậm, đi ngủ khi mệt mỏi; tiết kiệm glucose cho hệ miễn dịch khi bị ốm…
Độc giả cũng có thể thực hiện các bài tập được Baumeister cùng cộng sự cho các sinh viên thực hiện trong nhiều thí nghiệm như: theo dõi việc ăn uống, tập thể dục thường xuyên, sử dụng tay không thuận, nói những câu hoàn chỉnh và không chửi thề. Thực tế, sau vài tuần, các sinh viên đã có khả năng chống lại sự suy giảm bản ngã trong phòng thí nghiệm và thể hiện sự tự chủ hơn trong cuộc sống của họ. Họ ít hút thuốc, uống rượu, ăn vặt, xem tivi hơn, thay vào đó họ học nhiều hơn và chăm chỉ vệ sinh nhà cửa hơn.
Các tác giả cũng khuyên độc giả không nên cố gắng sửa đổi nhiều thói quen xấu cùng một lúc, bởi sự cạn kiệt ý chí sẽ sớm làm tất cả các kế hoạch này đổ bể. Việc theo dõi các triệu chứng của mệt mỏi bản ngã cũng vô cùng quan trọng, bởi vì trong giai đoạn hồi phục đó, các cá nhân đặc biệt có khả năng tiêu xài phung phí và phá bỏ mọi chế độ ăn uống lành mạnh của mình...
Hai tác giả đồng thời cũng giới thiệu các trang web và phần mềm có thể kiểm tra, phát sóng, trừng phạt hoặc ngăn chặn trước những hành vi vi phạm ý chí. Đây là một món quà vô cùng tuyệt vời đối với những người nghiện Internet, thậm chí là những người mắc chứng nghiện khó nói như cuồng dâm.
Cùng với trí thông minh, sự tự chủ là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp một người có thể đạt được một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Và trong khi việc cải thiện trí thông minh chưa gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, thì việc rèn luyện ý chí, sự tự chủ lại dễ dàng hơn nhiều. Và theo hai tác giả, đây chính là chìa khóa thần kỳ mà bất cứ ai muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn đều phải biết nắm bắt nó.
Không chỉ là các thí nghiệm khoa học, Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người còn cung cấp cho độc giả hàng chục câu chuyện truyền cảm hứng của những người nổi tiếng trong hành trình rèn luyện ý chí, sự tự chủ như ca sĩ Amanda Palmer trong giai đoạn làm tượng sống, nghệ sĩ sức bền David Blaine - người giữ nhiều kỷ lục nổi tiếng thế giới, nhà thám hiểm Stanley trong hành trình khám phá châu Phi gian khổ, ly kỳ nức tiếng...
Các tác giả đồng thời cũng thảo luận và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho độc giả trong việc ăn kiêng, xóa bỏ các thói quen nghiện ngập, nuôi dạy con cái có sự tự chủ mạnh mẽ hơn. Đây cũng là nội dung 3 chương cuối cùng của cuốn sách.
Nhận xét về cuốn sách, Steven Pinker, nhà tâm lý học nhận thức, tác giả khoa học đại chúng người Mỹ gốc Canada viết trên tờ New York Times Book Review: “Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người là cuốn sách vô cùng bổ ích, chứa đầy những nghiên cứu tài tình, những lời khuyên khôn ngoan và những suy ngẫm sâu sắc về thân phận con người.”
Roy F. Baumeister (1953) là một trong những nhà tâm lý học xã hội có tầm ảnh hưởng và có nhiều tác phẩm nhất thế giới. Ông đã xuất bản hơn 500 bài báo khoa học và hơn 30 quyển sách. Cuốn sách của ông (viết cùng John Tierney) Ý chí: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người là cuốn sách bán chạy nhất năm 2011 của New York Times. Vào năm 2013, ông được nhận giải thưởng cao nhất của Hiệp hội Khoa học Tâm lý, giải thưởng William James. Hiện tại, ông là G.S đảm nhiệm giảng dạy về Tâm lý học tại Đại học Queensland (Úc). John Tierney (1953) là nhà báo người Mỹ và biên tập viên có nhiều đóng góp cho tờ City Journal. Ông tốt nghiệp Đại học Yale năm 1976, sau đó trở thành biên tập viên và phóng viên cho nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng như New York Times, Discover, National Geographic Traveler, Health... Ông tự nhận là người ngược đời khi chỉ trích các vấn đề về chủ nghĩa môi trường, “cơ sở khoa học”, chính phủ “lớn” và kêu gọi giảm thiểu khí CO2. |