11 mẹo để có lựa chọn sáng suốt

KIM NGỌC| 22/08/2016 09:55

Không có hoặc có quá ít sự lựa chọn trước khi ra quyết định, bạn sẽ thấy bế tắc. Nhưng quá nhiều lựa chọn sẽ đưa bạn vào mê cung.

11 mẹo để có lựa chọn sáng suốt

Tiểu thuyết gia kiêm triết gia Albert Camus - người được trao giải Nobel Văn học năm 1957 đã đưa ra câu hỏi: "Tôi nên tự sát hay uống một cốc cà phê?". Ông cho rằng mọi điều trong cuộc sống đều là những sự lựa chọn.

Thế giới ngày nay mang đến cho chúng ta nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng có một nghịch lý đang tồn tại song song với thực tế ấy, đó là việc có quá nhiều sự lựa chọn lại đang khiến chúng ta kém hài lòng đi.

Nếu không có hoặc có quá ít sự lựa chọn trước khi ra quyết định, bạn sẽ thấy bế tắc. Nhưng quá nhiều lựa chọn sẽ đưa bạn vào mê cung. Các khảo sát cho thấy khi xã hội càng phát triển hơn và con người được tự do theo đuổi và làm bất cứ điều gì họ muốn, thì họ ngày càng ít hạnh phúc hơn. Tại sao vậy?

Trong Nghịch lý của sự lựa chọn (nguyên tác: The Paradox of Choice, bản quyền tiếng Việt thuộc Alpha Books), bằng cách phân tích các kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học, kinh tế học, nhà nghiên cứu thị trường và nhà khoa học về việc ra quyết định, nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, tính hai mặt của việc quá dư thừa những lựa chọn.

Qua Nghịch lý của sự lựa chọn - top 10 cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ trong lần đầu tiên xuất bản năm 2004, Giáo sư Barry Schwartz (chuyên ngành Lý thuyết xã hội và Hành động xã hội tại Swarthmoce College) chứng minh rằng những gì mà mọi người vẫn cho là sai lầm, cuối cùng lại là những quyết định khiến ta hài lòng. Chẳng hạn:

Chúng ta sẽ sống tốt hơn nếu tự nguyện hạn chế ở mức độ nhất định việc tự do lựa chọn.

Chúng ta sẽ thấy hài lòng hơn nếu tìm cách có được những gì "vừa đủ" thay vì "tốt nhất".

Chúng ta sẽ thoải mái hơn nếu giảm bớt kỳ vọng vào kết quả của các quyết định.

Chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn nếu ít chú ý đến những gì mà những người xung quanh đang làm.

Tất cả đều liên quan và xuất phát từ sự lựa chọn.

Nghịch lý của sự lựa chọn Alpha Books doanhnhansaigon

Tuy nhiên, thứ giá trị nhất ở Nghịch lý của sự lựa chọn nằm ở "cách tiết kiệm chi phí và thời gian cho những quyết định sáng suốt". Tác giả chỉ ra rằng, hầu hết các quyết định đúng đắn sẽ gồm các bước sau:

1. Xác định (những) mục tiêu
2. Đánh giá tầm quan trọng của mỗi mục tiêu
3. Sắp xếp các lựa chọn
4. Đánh giá xem mỗi lựa chọn có khả năng đáp ứng được mục tiêu ra sao
5. Chọn ra lựa chọn hoàn hảo nhất
6. Sử dụng những kết quả của lựa chọn để làm mới mục tiêu của bạn, tầm quan trọng mà bạn gán cho chúng và cách bạn đánh giá tiềm năng tương lai.

Theo tác giả, lựa chọn khôn ngoan luôn bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng các mục tiêu. Và trước tiên, bạn phải chọn lựa giữa "thứ tốt nhất" và "thứ đủ tốt". Lựa chọn này xác định "bạn là ai". Nếu tìm kiếm và chỉ chấp nhận thứ tốt nhất, bạn là người cầu toàn. Trái ngược với người cầu toàn là người tri túc - hài lòng với những gì cảm thấy đủ và không lo lắng về khả năng sẽ có thứ tốt hơn.

Việc có quá nhiều sự lựa chọn đã tạo ra sự căng thẳng tâm lý, đặc biệt khi nó kết hợp với sự nuối tiếc, sự quan tâm đến địa vị, sự thích nghi, so sánh xã hội và mong muốn có những thứ tốt nhất để tận dụng tối đa. Nhưng theo Giáo sư Barry Schwartz, luôn có cách giúp chúng ta giảm thiểu, thậm chí loại bỏ nhiều nguồn gây ra đau khổ.

Dù không dễ dàng, nhưng sự luyện tập, kỷ luật và một cách suy nghĩ mới sẽ giúp chúng ta được hài lòng với mỗi quyết định (lựa chọn) của mình. Những "mẹo" sau đây cũng sẽ giúp bạn có được quyết định sáng suốt:

1. Chọn thời điểm đưa ra lựa chọn. Để kiểm soát tình trạng quá tải lựa chọn, chúng ta phải quyết định đâu là những lựa chọn thực sự quan trọng, để tập trung thời gian và năng lượng vào đó.

2. Trở thành người lựa chọn thay vì kẻ nhặt nhạnh lựa chọn. Người lựa chọn là người có thể suy nghĩ xem điều gì khiến một quyết định trở nên quan trọng và liệu có thể không đưa ra lựa chọn nào, hay cân nhắc liệu có nên đưa ra lựa chọn mới. Nhưng khi phải đối mặt với sự quá tải các lựa chọn, chúng ta buộc phải trở thành kẻ nhặt nhạnh. Người lựa chọn có thời gian để thay đổi mục tiêu của mình, kẻ nhặt nhạnh thì không. Những quyết định tốt cần có thời gian và sự chú ý. Cách duy nhất khiến chúng ta có thời gian và sự chú ý là chọn lựa theo các tiêu chí của mình.

3. Hài lòng nhiều hơn, cầu toàn ít đi.
Học cách chấp nhận "đủ tốt" sẽ giúp đơn giản hóa việc ra quyết định và làm tăng sự hài lòng.

4. Ít suy nghĩ về chi phí cơ hội. Suy ngẫm về các lựa chọn thay thế (mà chúng ta bỏ qua khi đưa ra lựa chọn tâm đắc nhất) là một ý tưởng hay mỗi khi cần ra quyết định. Càng suy nghĩ về các chi phí cơ hội (các điểm hấp dẫn của những lựa chọn mà chúng ta đã bỏ qua), chúng ta càng ít hài lòng về bất cứ thứ gì mà ta đã lựa chọn.

5. Khiến các quyết định trở nên không thể đảo ngược. Thấm nhuần rằng bạn đã đưa ra lựa chọn không thể đảo ngược cho phép bạn đầu tư năng lượng của mình vào việc cải thiện mối quan hệ mà bạn có thay vì liên tục phỏng đoán về lựa chọn thứ hai.

6. Thực hành quan điểm về lòng biết ơn. Khi chúng ta tưởng tượng ra các lựa chọn thay thế tốt hơn thì lựa chọn mà chúng ta đã chọn có vẻ sẽ tồi tệ hơn. Vậy hãy làm ngược lại: Tưởng tượng sự tồi tệ của các lựa chọn thay thế, bạn sẽ thấy lựa chọn mà mình đã chọn tốt hơn.

7. Hối tiếc ít đi. Sự tiếc nuối, dù đã có hay có thể có, đều khiến chúng ta không thể đưa ra quyết định nào. Giảm thiểu sự hối tiếc bằng cách: Áp dụng các tiêu chuẩn của một người tri túc thay vì người cầu toàn, giảm số lượng các lựa chọn cần cân nhắc trước khi ra quyết định, rèn luyện lòng biết ơn về những gì đủ tốt trong một quyết định (thay vì tập trung vào những thất vọng về những gì tiêu cực).

8. Dự đoán sự thích nghi. Khi cuộc sống trở nên khó khăn, sự thích nghi cho phép chúng ta tránh được nhiều gánh nặng. Nhưng khi cuộc sống tốt đẹp, sự thích nghi đánh cắp của chúng ta thước đo tiêu chuẩn về sự hài lòng. Chúng ta không thể ngăn cản sự thích nghi, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu sự thất vọng do sự thích nghi mang lại bằng cách làm theo chiến lược của người tri túc - dành ít thời gian và năng lượng vào việc nghiên cứu và đau khổ với các quyết định của mình.

9. Kiểm soát các kỳ vọng. Cách đơn giản nhất giúp tăng sự hài lòng với các kết quả của quyết định là loại bỏ những kỳ vọng quá cao về chúng.

10. Cắt bớt so sánh xã hội. So sánh xã hội mang lại những thông tin hữu ích, nhưng nó thường làm giảm đi sự hài lòng của chúng ta. Vì vậy, bằng cách giảm thiểu sự so sánh chính mình với những người khác, chúng ta sẽ hài lòng nhiều hơn.

11. Học cách yêu áp lực. Xã hội đưa ra các quy tắc, tiêu chuẩn, định chế liên quan đến việc đưa ra các lựa chọn, còn trải nghiệm cá nhân tạo ra thói quen. Việc tuân theo nguyên tắc sẽ giải phóng thời gian và sự chú ý của chúng ta để dành cho các suy nghĩ về những lựa chọn không áp dụng nguyên tắc.

>8 nguyên tắc  để thành công hơn nữa

>Doanh nhân Inamori Kazuo: Thành công bằng sự tử tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
11 mẹo để có lựa chọn sáng suốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO