Hậu sự cố Galaxy Note 7?

HỒNG VINH - THÁI BẢO| 22/10/2016 09:38

Tuần qua, các tín đồ hàng công nghệ bàn tán nhiều về chuyện Samsung quyết định ngừng sản xuất và "khai tử" dòng máy Galaxy Note 7...

Hậu sự cố Galaxy Note 7?

Tuần qua, các tín đồ hàng công nghệ bàn tán nhiều về chuyện Samsung quyết định ngừng sản xuất và "khai tử" dòng máy Galaxy Note 7, đồng thời phát đi thông báo thu hồi và hoàn tiền toàn bộ sản phẩm này trên khắp các quốc gia đã phát hành, trong đó có Việt Nam.

Đọc E-paper

Những thiệt hại về tài chính, uy tín trước mắt khó có thể đong đếm, nhưng quan trọng nhất là Samsung cần làm gì để lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng sau "thảm họa" Note 7. Thông báo được Samsung đưa ra trong bối cảnh chiếc Galaxy Note 7 liên tục cháy, nổ trên toàn thế giới trong những ngày gần đây, ngay cả với một số máy đã được đổi mới.

Lựa chọn mới của người dùng

Điều quan trọng là Samsung gặp nạn đúng vào thời điểm Note 7 thăng hoa trên thị trường, cùng lúc các đối thủ như Apple, Google, LG cũng như các thương hiệu Trung Quốc tung ra sản phẩm mới cạnh tranh cùng phân khúc. Chính vì thế, với số tiền được hoàn trả, phần lớn khách hàng của Note 7 sẽ đổ xô vào những hãng trên.

Neil Shah - Giám đốc Nghiên cứu thiết bị Công ty Counterpoint Research nói rằng, ông tin đa phần chủ nhân Note 7 sẽ chuyển sang Apple, vốn vừa ra mắt iPhone 7, vì khách hàng nhiều tiền ưa dùng thương hiệu cao cấp. Trong khi đó Brian White, nhà phân tích tại Drexel Hamilton, ước tính Apple có thể nhận ít nhất 8 triệu đơn hàng trong năm 2016.

Đối thủ thứ hai đe dọa Samsung là Google. Gã khổng lồ công nghệ này chính là chủ nhân của hệ điều hành Android chạy trên Note 7, và hiện đang đẩy mạnh mảng điện thoại thông minh với dòng Pixel. Giám đốc Điều hành Hãng Verizon - ông Lowell McAdam hôm 10/10 nói với CNBC rằng hầu hết người dùng Android đều rất trung thành, nên "đại họa" của Note 7 sẽ góp phần tạo ra "diễm phúc" cho các sản phẩm Android tương tự như Samsung Galaxy S7 và Pixel của Google.

Tất nhiên khi được hồi lại khoản tiền lớn từ Note 7, người dùng cũng tha hồ trải nghiệm các dòng điện thoại từ những thương hiệu khác như LG, hay Huawei, OPPO hoặc Vivo. Nói cách khác, vị thế số 1 của Samsung trong thị trường điện thoại thông minh có vẻ sẽ đối diện với thử thách trầm trọng sau sự cố này.

Tại Việt Nam, cùng với việc thu hồi Galaxy Note 7, Samsung Việt Nam cấp cho người trả máy một voucher trị giá 1,5 triệu đồng để mua sản phẩm Samsung tại các cửa hàng trải nghiệm của Samsung trên toàn quốc. Khách hàng có thể đến các Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) Samsung gần nhất để mượn tạm một smartphone Samsung sử dụng trong thời gian gián đoạn...

Tại Việt Nam, có thể nói, cách xử lý sự cố của Samsung là có bài bản, nên ít thấy có than phiền về cách xử lý này từ giới đam mê công nghệ. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi cửa hàng CellphoneS, chia sẻ: "Có vẻ người dùng không hề quay lưng lại với Samsung. Thời gian gần đây doanh số Galaxy S7 Edge bất ngờ tăng trưởng 150% tại CellphoneS".

Tuy nhiên, Samsung cũng khó tránh việc mất thị phần. Anh Huỳnh Quang Khải bày tỏ: "Rất tiếc phải trả lại Galaxy Note 7 vì sự an toàn". Khải nói: "Do đã quen dùng smartphone chạy Android nên tôi đang có ý định chuyển sang dùng Sony Xperia XZ hay Samsung Galaxy S7 edge".

Tương lai mông lung

Mới một tuần trước, khi Samsung ra quyết định thu hồi Note 7, hãng này được xếp thứ 7 trong số những thương hiệu giá trị nhất thế giới của công ty mạng lưới đại lý Interbrand Omnicom, với trị giá khoảng 52 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước. Trong giới công nghệ, Samsung chỉ xếp sau Apple, Google, Microsoft và IBM.

Trên thương trường, Samsung được báo chí quốc tế ca ngợi ở khả năng tạo lập giá trị đáng kinh ngạc. Bloomberg cho biết đa phần người dùng chịu mua những sản phẩm giá cao ngất của Samsung chỉ vì họ tin tưởng vào thương hiệu này. Chính vì thế mà Samsung coi như đã gặp rắc rối ở đúng thế mạnh hiện tại: sụt giảm niềm tin.

Câu hỏi được đặt ra sau sự kiện Note 7 là Samsung sẽ làm gì kế tiếp để lấy lại niềm tin. Một số báo như The Sydney Morning Herald (Úc) và India Express (Ấn Độ) đều phân tích rằng Samsung sẽ trông đợi vào chiếc điện thoại Galaxy S8, tức "kế nhiệm" của chiếc S7 hiện tại. Bởi nếu muốn ra mắt Note 8 chẳng hạn, Samsung phải đợi đúng một năm theo lịch trình, và hơn hết họ phải đặt lên vai Note 8 trách nhiệm giải quyết việc nội bộ cực kỳ quan trọng: hiểu được sản phẩm của mình lỗi chỗ nào.

Trong mắt người tiêu dùng Việt Nam thì các thương hiệu sản phẩm Hàn Quốc vẫn chưa có được niềm tin vững chắc về chất lượng như các thương hiệu sản phẩm Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu. Sự cố Galaxy Note 7 một lần nữa cho thấy, việc khẳng định niềm tin nơi người tiêu dùng không thể một sớm một chiều mà có được.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9 giảm 6,8% so với tháng trước, chủ yếu do sự sụt giảm từ Samsung, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê.

Được biết, SEVT hiện là nhà máy Samsung lớn nhất thế giới trong tổng số 9 nhà máy của Samsung trên toàn cầu, với 110.000 nhân sự đang làm việc (tính đến tháng 9/2016). Ngoài smartphone và tablet, SEVT còn sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ khác như Camera, LCD, ốp lưng, kính 3D... Riêng với smartphone và tablet, trung bình mỗi tháng SEVT sản xuất được 8,4 triệu chiếc và 10,1 triệu chiếc.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina: "Sự việc trên không ảnh hưởng đến việc làm cũng như quyền lợi lao động của nhân viên tại các nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Sự cố Note 7 dù đáng tiếc nhưng hy vọng sẽ không tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam trong năm 2016".

>Sự cố pin Note 7 và cơn ác mộng của Samsung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu sự cố Galaxy Note 7?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO