Chỉ số huyết áp (HA) của một người được coi là bình thường nếu chỉ số tối đa trong khoảng 9 - 12mmHg, tối thiểu trong khoảng 6 - 8mmHg. HA thấp nếu như chỉ số tối đa dưới mức 9mmHg hoặc giảm 2mmHg so với HA bình thường.
Trẻ em hoặc người lớn đều có thể bị HA thấp. Chỉ số HA ở trẻ nhỏ thấp hơn HA ở người lớn. HA thấp hay gặp ở phụ nữ, người gầy ốm, thiếu máu, ăn kém, bị nhiễm trùng cấp tính... và yếu tố di truyền. Nguyên nhân của HA thấp có thể do:
- Suy giảm hoạt động của tuyến giáp làm cơ thể bị thiếu hụt hormone.
- Nếu hàm lượng đường trong máu giảm dưới mức 2,5mmol/l, cơ thể có cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi.
- Tình trạng thiếu máu có lượng hemoglobin thấp dưới mức 9g/dl máu. Lượng hemoglobin thấp khiến lượng oxy vận chuyển tới não và tim suy giảm, gây choáng váng, hoa mắt, chóng mặt.
- Nếu tim đập dưới 60 nhịp/phút thì sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể.
- Stress và di truyền.
- Sự tự điều chỉnh của hệ thần kinh tự động trong cơ thể kém.
Đa số trường hợp HA thấp mạn tính thường người bệnh đã quen với mức HA thấp nên sẽ không có dấu hiệu rõ rệt hoặc cũng không biết mình bị HA thấp. Các triệu chứng của bệnh HA thấp có thể xuất hiện thường xuyên hay đột xuất tùy vào nguyên nhân, như: bệnh nhiễm trùng, bị stress hay ăn kém... Các dấu hiệu cảnh báo là:
- Cảm giác mệt mỏi, mệt lả và muốn được nghỉ ngơi
- Hoa mắt, chóng mặt
- Buồn nôn
- Khó tập trung và dễ nổi cáu
- Suy giảm khả năng tình dục
- Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc
- Vã mồ hôi nhưng vẫn thấy lạnh
- Thở dốc, nhất là sau khi leo cầu thang hay làm việc nặng.
Khi bệnh nhân tụt HA nhiều lần, hệ thống thần kinh suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận, gây tổn thương các cơ quan này.
Nếu bệnh HA thấp không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận..., thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp HA thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%.
Tụt HA cấp tính có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi lái xe, làm việc trên tầng cao... Nếu HA thấp kéo dài, còn làm cho thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.
Cần khắc phục các nguyên nhân dẫn đến HA thấp và tập thể dục để tăng cường sức chịu đựng và thích nghi của cơ thể với HA thấp, bằng cách:
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, tình trạng bệnh lý cũng như điều kiện, hoàn cảnh, thời gian. Trung bình mỗi ngày nên tập ít nhất 30 - 45 phút, trong 5 - 7 ngày/tuần.
- Nên ăn đủ các bữa chính trong ngày, nhất là bữa sáng vì rất quan trọng. Các bữa chính cần ăn đủ no với những thực phẩm tốt cho tim mạch như ngũ cốc, đậu, cá, dầu thực vật, rau củ và các loại trái cây, nước ép nên cho thêm một chút muối...
- Có thể ăn hơi mặn hơn người bình thường một chút.
- Nên ăn các thực phẩm giàu chất sắt bổ máu là thịt, cá, gan, huyết, trứng, đậu đỗ, cùng với các thực phẩm giàu vitamin C như rau sống, trái cây tươi để tăng hấp thu chất sắt.
- Cần uống đủ nước hằng ngày, uống thường xuyên và không đợi đến khi khát mới uống, nhất là khi ra mồ hôi nhiều. Ngoài ra, nên uống thêm nước lọc khi uống bia, rượu.
- Khám sức khỏe định kỳ và hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc và đủ thời gian.
- Nước tăng lực, nước uống có cồn, cà phê, trà đặc cũng có những đóng góp tích cực đối với việc xử lý tạm thời chứng HA thấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Sử dụng nước tăng lực như thế nào? Nhiều người bị HA thấp thường uống nước tăng lực vì cho là rất tốt. Trong thành phần nước tăng lực có nhiều đường và cafein, nên khi uống vào sẽ làm tăng đường huyết, kích thích thần kinh, tim mạch khiến người uống cảm thấy khỏe, tỉnh táo và hưng phấn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng những loại nước uống này. Người bệnh tiểu đường không được dùng nước tăng lực, trừ trường hợp cấp cứu hạ đường huyết. Trẻ em và những người nhạy cảm với cafein cũng không nên dùng vì có thể gây mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực... Người trưởng thành bình thường có thể sử dụng nước tăng lực trong trường hợp đói, khát, mệt mỏi, buồn ngủ mà không có thời gian để ăn hoặc nghỉ ngơi, nhưng cũng không nên dùng nhiều lần trong ngày hay dùng thường xuyên trong tuần vì đường trong nước tăng lực là loại đường hấp thu nhanh, mà theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 20g đường tinh, tương đương 4 muỗng cà phê, kể cả đường pha nước chanh, trong chè, đường kho cá, ướp thịt, nêm canh chua... Nếu dùng nhiều đường tinh chế dạng này trong thời gian dài thì có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng triglyceride - một dạng mỡ trong máu, thoái hóa mạch máu, xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường... Không nên quan niệm nước tăng lực là nước bổ dưỡng giúp phòng chống suy dinh dưỡng vì thành phần dinh dưỡng không thể cân đối và đầy đủ như một bữa cơm với món mặn, món rau. |
>Sống chung với cao huyết áp
>Hạ huyết áp không cần thuốc
>Huyết áp: Người sợ lên cao, kẻ e xuống thấp
>Bỗng nhiên huyết áp "bổ nhào"!
>Huyết áp như thế nào là cao và như thế nào là thấp?
>Bệnh về tim mạch và huyết áp