Hồi sinh thương hiệu vang bóng một thời

Huỳnh Thị Mỹ Nương (*)| 15/06/2022 06:00

Nhiều người tiêu dùng của thế hệ trước vẫn dành sự tin yêu cho những thương hiệu nhiều chục năm gắn liền với tuổi thơ và sự trưởng thành của họ như xà bông Cô Ba, cao Sao Vàng, kem đánh răng Dạ Lan... Làm thế nào để hồi phục lại thương hiệu "vang bóng một thời" đó?

7867867768-1473-1654762751.jpg

Trong số những thương hiệu vang bóng một thời, có nhiều thương hiệu đã cố gắng tận dụng những cơ hội dù nhỏ để khởi đầu lại, mong hồi sinh thời hoàng kim, nhưng xem ra vẫn còn rất khó vì sự phai mờ thương hiệu trong thời gian dài, xu hướng tâm lý người tiêu dùng dần thay đổi, phương thức kinh doanh áp dụng công nghệ và chuyển đổi số dần trở thành thiết yếu... 

Vì thế, để hồi sinh lại thương hiệu cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, người lãnh đạo, dẫn dắt hệ thống giữ vai trò rất quan trọng và quyết định. Hiện nay, những người sáng lập của các thương hiệu một thời đã lớn tuổi, sẽ khó còn đủ nhiệt huyết, năng lượng, mức độ sáng tạo và cập nhật những thông tin mới, giá trị mới có phần chậm hơn, vậy ai sẽ là truyền nhân tiếp bước xây dựng hồi sinh thời hoàng kim ấy. Cần có một người lãnh đạo kế nhiệm, không chỉ có sứ mệnh mới mà còn cần có tầm nhìn mới, năng lực thích ứng, lãnh đạo hệ thống hiệu quả với những phương thức sản xuất và kinh doanh mới, những mô hình mới, vượt trội.

Thứ hai, việc các thương hiệu có thâm niên và lòng tin yêu của khách hàng là một lợi thế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, dấu ấn trong lòng khách hàng dần mờ nhạt nên rất cần tái định vị mình đang ở đâu, ở phân khúc nào trong chuỗi kinh doanh khu vực và toàn cầu, cần phải đầu tư nghiên cứu và phát triển nâng cấp sản phẩm như thế nào để phù hợp hơn với xu thế và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao cấp, càng có nhiều lựa chọn hơn.

Thứ ba, cần đặc biệt chú trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đầu tư các chế độ đãi ngộ, đào tạo nâng cấp để họ đam mê cống hiến những giá trị bổ ích cho công ty, đặc biệt là thái độ ứng xử với mọi tình huống. Hệ sinh thái đối nội và đối ngoại rất quan trọng, bao trùm tất cả nên cũng phải đầu tư toàn chuỗi một cách tương ứng, tính cạnh tranh cao.

Thứ tư, đầu tư công nghệ máy móc tiện lợi, tối đa hóa năng suất. Ứng dụng chuyển đổi số để tiện lợi hóa trong tất cả quy trình có thể, từ sản xuất, quản lý, đóng gói, truyền thông đến bán hàng, chăm sóc khách hàng...

Thứ năm, chú trọng quản trị tài sản trí tuệ vì nếu biết bảo vệ và phát triển thì sẽ ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp. Những hạn chế về sự hiểu biết quản trị tài sản trí tuệ cũng là điểm yếu trong các thương vụ M&A trong quá khứ.

Thứ sáu, nếu có phương án kinh doanh sáng tạo, tính khả thi cao thì sẽ có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, quỹ tín dụng, cá nhân... với nhiều hình thức hợp tác khác nhau.

Thứ bảy, không lơ là, thờ ơ với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã đàm phán thành công và ký kết. Đây là sân chơi rất lớn, cao cấp với nhiều cơ hội và thách thức cho tất cả các bên, nhất là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP.

(*) Tổng giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững SDLT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi sinh thương hiệu vang bóng một thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO