Hoạt động

Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM quan tâm đến cơ hội đưa sản phẩm "made by Vietnam" ra nước ngoài

Vũ Na 21/08/2023 09:12

Nhiều khuyến nghị dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí được các diễn giả đưa ra tại chương trình HAMEE Cafetalk kỳ I/ 2023.

Chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, marketing online... là những khuyến nghị được các diễn giả khách mời nêu ra tại chương trình HAMEE Cafetalk kỳ I/ 2023 với chủ đề: MBV và thị trường Âu - Mỹ do Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) tổ chức ngày 19/8/2023, để có thể tiếp cận, nắm bắt các cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Chương trình có sự tham dự của hơn 100 hội viên HAMEE.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HAMEE cho biết, HAMEE là nơi tập hợp các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí - điện để cùng đồng hành, cùng phát triển. Và để phát triển nhanh và mạnh, HAMEE mong muốn có sự đồng hành của chính quyền các cấp, các ngành có liên quan...

"Hiện nay, HAMEE đang chạy chương trình made in Vietnam để cổ xúy cho doanh nghiệp Việt làm sản phẩm Việt một cách mạnh mẽ, chất lương cạnh tranh. Và rộng hơn, là chương trình, các doanh nghiệp Việt ưu tiên sử dụng hàng công nghiệp Việt. Để sử dụng hàng công nghiệp Việt thì chất lượng và giá cả phải đảm bảo được các tiêu chí theo quy định", ông Tống nói.

Chia sẻ tại chương trình tọa đàm, bà Trần Quỳnh Hương - Trưởng Ban Tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia (SOA) cho biết, Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất siêu của Việt Nam.

Theo bà Hương, số liệu thống kê tính đến 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,3 tỷ USD và sang châu Âu đạt 16,4 tỷ USD. Tổng cộng có 15 mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Mỹ - Âu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Trong đó, một số mặt hàng tăng trưởng hai con số như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại, thủy sản, cà phê…

"UPS - tập đoàn chuyển phát nhanh hàng đầu của Mỹ, đã đầu tư 6 máy bay chở hàng có điểm khởi phát từ Việt Nam, đồng nghĩa với dự đoán của nhà đầu tư này về lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu tiếp tục gia tăng", bà Hương dự tính

600c4725dd170f495606.jpg
Các diễn giả khách mời trao đổi tại chương trình Hamee Cafetalk kỳ I/ 2023 với chủ đề "MBV và thị trường Âu - Mỹ"

Việt Nam đang được biết đến là điểm đến mới trong sản xuất công nghiệp. Nhưng theo bà Hương, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất trong chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng. Mức độ cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN khác và so với Ấn Độ vẫn là một thách thức không hề nhỏ.

Nêu thực tế giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng vẫn còn khá thấp, bà Hương cho biết khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm tới 98%, nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài (tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan là 30%, Malaysia 46%). Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ còn khoảng 36%.

"Doanh nghiệp còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp...", một số hạn chế khác của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế được bà Hương nêu ra tại chương trình nhằm giúp doanh nghiệp cơ khí - điện chú ý đến trong quá trình đưa sản phẩm "made by Vietnam" ra nước ngoài trong thời gian tới.

Cũng theo bà Hương, các doanh nghiệp châu Âu đang dựa vào các triển lãm thương mại, website của doanh nghiệp, các công cụ tìm kiếm trực tuyến và thông qua các đại lý bán hàng, văn phòng tư vấn để tìm hiểu về nhà cung cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến các yếu tố: chuỗi cung ứng phát triển, cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, các yêu cầu đặc biệt về phát triển bền vững và tính rõ ràng trong hoạt động của doanh nghiệp.

“Các nhà sản xuất Việt Nam muốn thâm nhập thành công vào các thị trường Mỹ - Âu cần nỗ lực khai thác mạng lưới liên kết, đẩy mạnh hoạt động marketing để nâng cao hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường”, bà Hương nói.

Còn theo ông Huỳnh Kim Tước - Đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và Công nghệ Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), hầu hết doanh nghiệp tăng trưởng tốt đều kinh doanh trong những môi trường mới, môi trường công nghệ.

Ông Tước cũng lưu ý với doanh nghiệp rằng, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại nước ngoài cần quan tâm đến việc marketing xuyên biên giới trên nền tảng online.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM quan tâm đến cơ hội đưa sản phẩm "made by Vietnam" ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO