Ưu, khuyết siêu thị Việt

Bùi Vân Anh| 24/01/2020 01:34

Song song với nhiều ưu điểm, siêu thị Co.opmart vẫn tồn tại một vài khuyết điểm, đó là chi phí gửi xe, cách bày trí gian hàng và chất lượng cơ sở vật chất.

Ưu, khuyết siêu thị Việt

Hội nhập và phát triển là tiền đề để nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng, siêu thị ra đời như một giải pháp tất yếu để đa dạng hóa loại hình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ở Việt Nam, các siêu thị chính thức xuất hiện vào những năm 1990, mở ra loại hình kinh doanh mới, văn minh, hiện đại, tiện lợi và làm thay đổi bộ mặt ngành thương mại bán lẻ, nâng cao năng lực kinh tế thị trường của Việt Nam.

Năm 1996, siêu thị Việt đầu tiên của Saigon Co.op ra đời với tên gọi Co.opmart, trên đường Cống Quỳnh, quận 1. Với phương châm tận tâm phục vụ và khát khao vươn lên, Co.opmart khẳng định thương hiệu siêu thị dẫn đầu tại Việt Nam và phát triển ra khu vực, nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng và cộng đồng. 

Trong hơn 20 năm tồn tại và phát triển, siêu thị Co.opmart đã có những thành tích nổi bật và tiêu biểu trên thương trường, góp phần nâng cao vị thế hàng Việt Nam qua các kế hoạch, chiến dịch truyền thông “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Co.op mart ngày nay đã phát triển vượt bậc, với quy mô hơn 120 siêu thị trên toàn quốc, là địa điểm mua sắm tin cậy của hàng triệu gia đình Việt. 

Trong thời đại nền kinh tế phát triển vượt bậc, cùng sự xuất hiện của các “ông lớn” ngoại nhập, gia đình tôi vẫn chọn Co.opmart là điểm đến mua sắm mỗi tuần bởi nhiều lý do. Trong đó, điều quan trọng nhất mà tôi thích ở siêu thị Co.opmart là những chương trình trợ giá, ưu đãi để phát triển chiến dịch nhằm nâng cao vị thế hàng Việt Nam thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Ngoài điều đặc biệt trên, tôi và gia đình chọn Co.opmart là vì mật độ phủ sóng của siêu thị trên khắp khu vực tôi sinh sống. Sự thuận tiện về vị trí địa lý đã giúp gia đình tôi có thể thoải mái mua sắm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Thẻ thành viên với các chương trình ưu đãi hấp dẫn theo cấp độ lũy tiến cũng là một ưu điểm để khách hàng như tôi chọn Co.opmart là địa điểm mua sắm. Bởi lẽ chương trình ưu đãi thẻ thành viên như một cách mà Co.opmart tri ân, đồng thời giữ chân khách hàng tiếp tục mua sắm và tin dùng trong thời gian tiếp tới. Trong thời công nghiệp 4.0, Co.opmart tích hợp thẻ thành viên trên ứng dụng điện thoại là một sự đúng đắn và nhạy bén để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trẻ tuổi, yêu thích sự hiện đại, tiện nghi.

Tôi cũng thực sự ấn tượng với dịch vụ chăm sóc khách hàng và hậu mãi của Co.opmart, từ giọng nói ấm áp của nhân viên trực điện thoại, đến thái độ nhã nhặn, cầu thị khi tiếp nhận khiếu nại của các nhân viên trực quầy chăm sóc khách hàng và cả sự nhanh nhẹn, tận tình của nhân viên giao hàng tại từng siêu thị.

Co.opmart rất biết cách tri ân khách hàng bằng các chương trình tặng quà dịp sinh nhật, dịp Tết và các ngày lễ đặc biệt. Dù các món quà có giá trị không nhiều, nhưng đủ để những người mua sắm như gia đình tôi cảm thấy ấm lòng và thích thú.

Link bài viết

Song song với những ưu điểm kể trên, siêu thị Co.opmart vẫn tồn tại một vài điểm khuyết mà tôi hy vọng thông qua bài viết này, Co.opmart có thể khắc phục để tiếp tục phát triển vững mạnh hơn nữa nhằm mang đến những phút giây mua sắm thảnh thơi, vui tươi cho hàng triệu gia đình Việt.

Nói về khuyết điểm đầu tiên mà tôi cảm thấy khó chịu nhất khi đến siêu thị Co.opmart đó là chi phí gửi xe. So với hầu hết siêu thị đối thủ đều miễn phí hoàn toàn tiền gửi xe, đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất của hệ thống Co.opmart. Chi phí gửi xe chỉ vài nghìn đồng, nhưng sẽ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và “ngại” ghé siêu thị khi mua sắm. 

Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao khách hàng đã chi tiền mua sắm tại siêu thị còn phải tốn thêm phí gửi xe?”. Tâm lý khách hàng là điều mà tôi tin lãnh đạo Saigon Co.op đủ tầm nhìn để nhận ra, nhưng không hiểu vì sao điểm trừ này vẫn tồn tại ngần ấy năm trời, mặc cho những đối thủ khác ngày càng cải tiến, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Rất tiếc cho điểm trừ lớn này ở siêu thị Co.opmart và hy vọng sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Khuyết điểm thứ hai mà tôi không thích ở siêu thị Co.opmart chính là cách bày trí gian hàng và chất lượng cơ sở vật chất. Chắc có lẽ do không gian siêu thị không quá lớn nên việc bày trí các mặt hàng, quầy kệ chưa được thuận tiện, khoa học, cũng như chưa đón đầu tâm lý mua sắm của khách hàng. 

Tôi có thể lấy ví dụ cụ thể như tại siêu thị Co.opmart Phan Văn Trị (Gò vấp), nếu khách hàng mua sắm các mặt hàng thực phẩm, gia vị… tại tầng trệt siêu thị thì phải thanh toán rồi gửi hàng hóa tại quầy dịch vụ khách hàng, sau đó di chuyển lên tầng 1 siêu thị để tiếp tục mua sắm các mặt hàng bách hóa, nhu yếu phẩm… Một sự bất tiện rất lớn và cảm giác kém thoải mái khi mua sắm tại nơi này.

Về cơ sở vật chất tại siêu thị Co.opmart, có nhiều siêu thị hệ thống làm lạnh đã xuống cấp, nhiệt độ không khí trong siêu thị không đủ để làm cho khách hàng có tinh thần thoải mái, mạnh tay chi tiêu mua sắm. Ngoài ra, nhà vệ sinh của một vài siêu thị chưa được sạch sẽ, thơm tho cũng là một điểm trừ cho chất lượng dịch vụ của Co.opmart.

Tôi hy vọng, thông qua bài dự thi này, ban lãnh đạo Saigon Co.op sẽ có những chiến lược tốt, bức phá để phát huy những điểm mạnh, khắc phục triệt để những điểm yếu để làm sao cải tiến hệ thống siêu thị Co.opmart thành điểm đến mua sắm thoải mái, tiện nghi và ngày càng hiện đại. Qua đó, Co.opmart sẽ tiếp tục là kênh trung gian mang các sản phẩm Việt Nam đến gần hơn với người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ưu, khuyết siêu thị Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO