Thương mại điện tử: Chính sách phải song hành thực tế

KIẾN ĐẠT| 09/10/2018 06:26

Hoạt động thương mại điện tử được dự báo sẽ còn sôi động trong thời gian tới. Song song với sự phát triển, việc quản lý cần phải được đẩy mạnh để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Thương mại điện tử: Chính sách phải song hành thực tế

Trong vòng 5 năm, từ 2013 - 2017, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) đã khảo sát khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước để đánh giá mức độ tham gia thương mại điện tử của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng website trung bình là 43%. Đến năm 2017, gần 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã có website, gần như cập nhật thông tin trên website hằng ngày, 25% cập nhật theo tuần.

Đáng ghi nhận hơn nữa là có 32% website có quảng cáo hoặc bán hàng qua mạng xã hội, tăng 8% so với năm 2014. Ngoài ra, có đến 39% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua website thương mại điện tử, tăng so với mức khoảng 4% vào năm 2013. Đặc biệt, tỷ lệ website thương mại điện tử có phiên bản tương thích với thiết bị di động tăng từ 15% năm 2014 lên 72% năm 2017.

Cùng với những thay đổi tích cực trong hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, việc đăng ký website thương mại điện tử hiện nay được ghi nhận khá thuận lợi, đã kích thích doanh nghiệp tham gia thị trường bán hàng trực tuyến.

Link bài viết

Thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, từ năm 2013 Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thông báo website thương mại điện tử qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, số lượng doanh nghiệp và cá nhân thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký tăng nhanh trong giai đoạn 2013 - 2017.

Số liệu thống kê sơ bộ trong giai đoạn này cho thấy, từ 1.923 tài khoản doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử năm 2013 đã tăng lên 26.622 tài khoản doanh nghiệp vào năm 2017, tăng gần 14 lần. Riêng tài khoản cá nhân tham gia thương mại điện tử thì từ 305 tài khoản năm 2013 tăng lên 9.193 tài khoản năm 2017, tăng hơn 30 lần. Ngoài ra, từ 344 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử năm 2013 đã tăng lên 3.449 hồ sơ năm 2017 (tăng 10 lần).

Không những vậy, từ 518 hồ sơ thông báo website thương mại điện tử bán hàng năm 2013, đến năm 2017 cũng đã tăng lên đến 35.199 hồ sơ, tăng gần 70 lần. Số lượng website thương mại điện tử bán hàng được xác nhận thông báo là 18.783 website, tăng 29 lần so với năm 2013; trong khi đó, số lượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được xác nhận đăng ký năm 2017 là 914 website, tăng 5,8 lần so với năm 2013.

Nhìn nhận sự tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, phía Bộ Công Thương cho biết hành lang pháp lý về thương mại điện tử đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử hiện tại, nhưng với tốc độ phát triển nhanh trong thời gian tới, e rằng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh và dự báo công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Do vậy, việc điều chỉnh Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Bởi lẽ hiện nay, các mô hình hoạt động, chủ thể tham gia thương mại điện tử không chỉ giới hạn ở hai mô hình thương mại điện tử phổ biến là website thương mại điện tử và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, có tính chất xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động.

Đáng chú ý hơn là những mô hình mới đã vượt khỏi các khuôn mẫu kinh doanh truyền thống và đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản lý cũng như các cơ chế quản lý hiện hành để tạo không gian cho sự sáng tạo và phát triển, hướng tới mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng.

Song cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình hình vi phạm trong thương mại điện tử cũng diễn biến ngày càng phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi cả về quy mô lẫn mức độ. Để đảm bảo sự cân bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, vẫn cần phải có cơ chế giám sát và quản lý thuế hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng đến việc kết nối dữ liệu giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử và cơ quan thuế.

Với tình hình thực tiễn và những hạn chế về hành lang pháp lý hiện tại, Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Đồng thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được Chính phủ giao phù hợp với quy định của pháp luật. Hoàn thiện nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, nghị định cần có phương án phân loại phù hợp hơn đối với các loại hình website thương mại điện tử bán hàng. Bởi vì vẫn có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới khởi nghiệp xây dựng website chỉ với mục đích đơn giản là giới thiệu công ty, sản phẩm, dịch vụ, không có tương tác với người tiêu dùng, người truy cập, không có mua bán qua website, nên hoạt động thương mại rất mờ nhạt.

Trong khi đó, hiện nay khái niệm về website thương mại điện tử bán hàng theo Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP tương đối rộng. Dù số lượng doanh nghiệp xây dựng website tăng nhưng phần lớn chỉ dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp, cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán, phương thức thanh toán; thiếu tương tác với người truy cập, không cập nhật hàng hóa, dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử: Chính sách phải song hành thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO