![]() |
Với cách làm nông nghiệp như hiện nay, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với sản phẩm các nước. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải kịp thời đổi mới để cải thiện nền nông nghiệp nước nhà.
Vấn đề này đã được bàn luận tại hội thảo "Hội nhập và quản trị nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp". Chương trình do UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp với Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức ngày 26/12.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, với người dân, khái niệm hội nhập vẫn còn mơ hồ. Đáng lo hơn, nhiều người còn cho rằng đây là việc của Chính phủ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa có cách nhìn đồng nhất về vấn đề này.
DN quy mô nhỏ thì thờ ơ với các hiệp định thương mại tự do (FTA), vì nghĩ những DN quy mô lớn mới phải chịu tác động của hội nhập. Chính vì vậy, để thay đổi ngành nông nghiệp không phải chuyện dễ. Viện dẫn điều này, ông Nguyễn Thanh Ngọc cho hay, nông dân khá bảo thủ về cách canh tác.
Thời gian qua, có nhiều giống cây trồng mới, các ứng dụng kỹ thuật mới được đưa ra nhưng đi vào thực tiễn không nhiều cũng do tình trạng ấy. Vậy nên, việc thuyết phục nông dân thay đổi phương thức sản xuất không phải là chuyện ngày một ngày hai.
Ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng thừa nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức, bởi năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Một khi phương thức sản xuất manh mún, lạc hậu, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu thì rất khó đáp ứng quy tắc xuất xứ nên hàng hóa khó được các nước yêu cầu tiêu chuẩn cao chấp nhận.
Theo ông Bảnh, ngành nông nghiệp đang vận hành trong môi trường thiếu thông tin và dự báo về thị trường. Vì vậy sản phẩm làm ra không được giá, đối mặt với nhiều rủi ro. Đó là chưa nói đến chính sách cho ngành vẫn chưa hoàn thiện.
Với nhiều điểm tồn tại như vậy, các chuyên gia cho rằng, để bắt kịp hội nhập, cần phải kịp thời tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngày 10/6/2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo ông Bảnh, sau 2 năm triển khai quyết định này, sản xuất và kinh doanh ngành nông nghiệp đã duy trì được đà tăng trưởng.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã sơ kết việc thực hiện tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi. Ngày 6/10/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo chỉ thị này, việc tái cơ cấu phải được thực hiện ngay tại địa bàn xã, các địa phương được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải triển khai mạnh mẽ hơn để làm đầu tàu trong phát triển nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, sản phẩm đạt chất lượng cao.
Vấn đề hiện tại là đưa nghị định và chỉ thị trên vào thực tiễn. Theo đó, yếu tố cạnh tranh rất cần được thể hiện ngay ở bản thân mỗi tỉnh - thành.
Theo ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, nông nghiệp đang chiếm 28% GDP của tỉnh, 50% hộ gia đình của tỉnh sống bằng nghề nông.
Vì vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế, Tây Ninh đã xác định những sản phẩm lợi thế cũng như thách thức để có kế hoạch, chính sách điều hành phát triển phù hợp.
Ông Trong cho hay, hiện tại, địa phương đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát huy lợi thế cũng như khắc phục hạn chế. Tây Ninh đã dành ra quỹ đất sạch để thu hút các ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Để thực hiện, tỉnh đang xây dựng một số chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Dù chính sách đã thoáng hơn, nhưng nhìn chung, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp là thách thức lớn đối với các địa phương, dù rằng mỗi nơi đều có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc thù. Bởi, theo DN, các chính sách khuyến khích vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.
Trước nhìn nhận này, ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch VACD chia sẻ, để quản trị tốt trong nông nghiệp đòi hỏi DN phải thay đổi cách tiếp cận chính sách, thông tin thị trường.
Hoạt động trong bối cảnh hội nhập không thể giữ mãi cách làm "một sớm một chiều" mà cần phải có chiến lược, làm việc theo một hệ thống bài bản.
Và để DN có môi trường thuận lợi hơn, đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận, góc nhìn khi soạn thảo các chính sách cho ngành nông nghiệp.
>Vắng bóng DN tư nhân trong chính sách nông nghiệp của ASEAN
>Nông nghiệp Việt Nam: Làm sao để phát triển?
> Nông nghiệp công nghệ cao: Tỷ phú làm nông